Ngày bận rộn viết nhanh

Tập thơ 'Phút rành rang sống chậm' (NXB Hội Nhà văn, 2019) của nhà thơ, TS Nguyễn Trọng Hoàn (Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào đạo) có 184 bài thì hai phần ba số ấy nói đến hành vi đi và hình ảnh con đường. Ngay tại lời đề từ và bài Đề dẫn đặt đầu sách, tác giả đã viết: Ý nghĩ ăn phải bùa thiên di/ Anh đi mãi đến giờ không kịp nghĩ.

Rồi nhiều câu tiếp theo trong tập thơ: Một mình rong ruổi không gần không xa (“Chủ nhật rỗng”); Vượt con đường vạn dặm/ Có khi nhanh hơn đi chúc Tết một vòng làng (“Đọc lại bài thơ cũ”); Những gì đã qua vẫn khao khát ban đầu/ Suốt hành trình kiếm tìm có lúc nào vô vọng (“Có phải lúc nào...”); Gót mòn những cuộc thiên di (“Chiều quê”)… Tác giả đã bổ sung thi ảnh nhuốm xúc cảm riêng vào biểu tượng đi (dạng động) và biểu tượng con đường (dạng tĩnh) vốn đã được mặc định trong văn hóa-nghệ thuật.

Số lần nói đến con đường nhiều hơn nói đến đi bởi đi thường là cụ thể, còn đường lại có thuận lợi khi nghiêng về khái quát, trừu tượng, nó được đề cập nhiều hơn, cả khi không nói đến đi mà con đường vẫn cứ đi qua.

Đã đi trên đường ắt phải đến một nơi nào đó. Thơ Nguyễn Trọng Hoàn là thơ về các địa danh. Như không thể dứt ra được, anh say mê đi trên đường và nơi đến luôn luôn đón đợi khiến lữ khách được nhiều đắm chìm, khắc khoải. Xưa, anh tô vẽ địa danh. Nay, anh ngẫm ngợi. Địa danh hơn 60 bài (cả ở nước ngoài) được tác giả gửi gắm tin yêu và thương nhớ.

 Bìa tập thơ “Phút rành rang sống chậm”.

Bìa tập thơ “Phút rành rang sống chậm”.

Như vậy, cảm hứng thi ca về đi, con đường và địa danh đã bao trùm tập thơ của Nguyễn Trọng Hoàn. Vì gót mòn những cuộc thiên di tại một hoàn cảnh mới của xã hội, địa danh thơ của Nguyễn Trọng Hoàn hôm nay không còn đứng yên, mà đã chuyển động. Ý nghĩa về đích đến không khép lại mà mở ra.

Chỉ có một bài ghi chú thời điểm sáng tác (Potsdam, 15-9-2018). Có thể coi tập thơ mới viết từ... hiện tại? Đây chẳng khác gì một tập nhật ký thơ không ghi rõ tháng ngày. Được biết, khi biên tập viên đang dàn trang, anh còn bổ sung file mấy lần, hẳn là có bài mới. Anh viết và viết giữa bộn rộn công việc không liên quan gì đến thơ. Công việc của người làm giáo dục, lại ở cấp vĩ mô, vi vút trong Nam ngoài Bắc. Tuy nhiên, hầu như anh chỉ có thơ khi đi đường và khi đến nơi cần đến.

Anh viết nhanh về những điều đã sống chậm, kịp chín khi trải nghiệm qua các cuộc đi. Đã nhanh thì đâu có cơ hội sa vào cảm xúc kiểu thời thượng, thôi thì cứ để cho trái ngược nhẹ nhàng, đau khổ thoáng qua. Không ghi ngày tháng năm sáng tác là cố ý, rằng xin độc giả đừng bận tâm, địa danh ở nhiều trường hợp không hẳn hoàn toàn có giá trị tự thân mà còn là nơi tác giả neo níu để gửi vào đó suy nghiệm của mình, mong độc giả hãy tiếp tục cùng anh đi nữa, đến nữa... Độc giả đi ra khỏi bài thơ có thể chậm (mong được thế) nhưng đến thì mau chóng. Là thế, Nguyễn Trọng Hoàn liên miên thơ trên những chặng đường.

Tập thơ là một chặng thơ đi và đến, điều quyến rũ là sự đón đợi và nhớ lại, còn cái hiện tại khoảnh khắc của cư trú lại trôi qua ngay đối với người khao khát lên đường thay mây đổi gió.

Bài “Xuất phát” không đặt trên đầu mà đặt ở cuối tập, thấy có vẻ lộn ngược theo nghĩa cơ học, mà hóa ra lại xuôi. Bởi, khép lại tập thơ ư, yên tâm, khép để mở. Lại tiếp tục xuất phát. Những miền đất đang giục giã anh.

Kể từ “Sắc cỏ tình yêu” (1990) đến nay, “Phút rành rang sống chậm” là tập thơ thứ 12 của Nguyễn Trọng Hoàn. Con số 12, thấp thoáng 12 bến nước, 12 con giáp, dường như cũng là một dấu mốc thú vị trong cuộc đời của anh. Cuộc đời một nhà thơ-nhà giáo.

PHẠM ĐÌNH ÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/ngay-ban-ron-viet-nhanh-605426