Ngày càng nhiều người bị rắn độc cắn ở khu vực phía nam

Theo thống kê của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), số bệnh nhân ngộ độc mỗi năm tăng theo thời gian với tác nhân ngộ độc ngày càng phong phú.

 Số loài rắn độc tại Việt Nam tăng lên hàng năm. Ảnh: Havahart.

Số loài rắn độc tại Việt Nam tăng lên hàng năm. Ảnh: Havahart.

Tại Hội nghị Quốc tế về Bệnh lý Nhiễm độc sáng 25/2, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết các loại ngộ độc cấp thường gặp nhất tại Việt Nam gồm rắn độc cắn, ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật, ngộ độc thuốc tân dược và ngộ độc thực phẩm.

Số bệnh nhân bị ngộ độc rắn cắn tăng cao

Theo thống kê của khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy, số bệnh nhận bị rắn độc cắn gia tăng theo thời gian.

Trong giai đoạn 2010-2011, khoa ghi nhận số bệnh nhân bị rắn độc cắn dưới 300 người/năm. Tuy nhiên, đến giai đoạn 2018-2019, con số này tăng lên trên 700 người/năm. Độ tuổi của người bị rắn độc cắn ngày càng cao với tỷ lệ tử vong chung là 0,5%.

"Việc này có thể bắt nguồn chủ yếu từ quá trình đô thị hóa gia tăng, khả năng tiếp xúc giữa người và động vật hoang dã do đó tăng cao", bác sĩ Hùng giải thích.

Từ những ca bệnh được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, rắn độc cắn người chia làm 8 loài, trong đó 4 loài thường gặp nhất gồm lục xanh và chàm quạp (60-75%), tiếp theo là hổ mèo và hổ đất (15-20%).

 TS.BS Lê Quốc Hùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Linh Thùy.

TS.BS Lê Quốc Hùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Linh Thùy.

PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho hay nước ta đã xác định được 240 loài rắn với số lượng tăng lên hàng năm, đặc biệt là các loài rắn độc.

Năm 1980, Việt Nam có 32 loài rắn độc nhưng đến năm 2020, con số này là 54-59 loài. Trong đó, 12 loài chỉ sống ở miền Bắc, 20 loài chỉ sống ở miền Nam và 22 loài được phát hiện ở cả 2 miền. Theo tiến sĩ Tạo, do nhu cầu kinh tế cũng như nhu cầu chơi thú cảnh tăng lên, rắn cũng được vận chuyển và phát hiện ở nhiều vùng khác nhau trên cả nước.

Hiện tại, Việt Nam chỉ chủ động tự sản xuất được huyết thanh kháng nọc rắn lục xanh và hổ đất. Những loại huyết thanh khác cần được nghiên cứu và sản xuất thêm.

Số lượng ngộ độc khác cũng gia tăng

Theo bác sĩ Hùng, mỗi năm khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy, tiếp nhận khoảng 350-550 bệnh nhân bị ngộ độc cấp do thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, số bệnh nhân nam nhiều hơn nữ. Loại gây độc thường gặp nhất là phospho hữu cơ và thuốc diệt cỏ. Nhìn chung, tỷ lệ tử vong do thuốc bảo vệ thực vật giảm theo thời gian.

Ngoài ra, trung bình hàng năm, khoa có khoảng 200-250 bệnh nhân bị ngộ độc do thuốc tân dược. Trong đó, bệnh nhân nữ và trẻ em chiếm số lượng cao. Trường hợp ngộ độc tân dược thường xảy ra nhất là sử dụng thuốc paracetamol và thuốc hướng dược. Nhưng tỷ lệ tử vong cao nhất là ở bệnh nhân ngộ độc thuốc hạ áp.

Tỷ lệ nữ giới ngộ độc rượu và thuốc gây nghiện gia tăng theo thời gian. Trong khi ngộ độc rượu có xu hướng trẻ hóa, ngộ độc do chất gây nghiện lại tăng lên ở nữ giới. Theo bác sĩ Hùng, hiện tượng này tăng lên do sự phát triển của xã hội cũng như do lối sống của giới trẻ ngày nay.

Đồng thời, hàng năm, bệnh viện ghi nhận gần 50 bệnh nhân (thường là nam giới) bị ngộ độc cấp không xác định với tỷ lệ tử vong cao (khoảng 8%).

Nhận xét chung về công tác chẩn đoán và điều trị bệnh lý ngộ độc hiện nay, bác sĩ Hùng cho biết số bệnh nhân bị ngộ độc ngày càng tăng, tác nhân ngộ độc ngày càng phong phú.

Tuy nhiên, nước ta thiếu các chuyên gia chuyên ngành độc học và phần lớn các cơ sở y tế không có đơn vị/khoa chống độc riêng mà lồng ghép chung trong các ICU. Việc thiếu thuốc giải độc đặc hiệu, đặc biệt là các loại độc hiếm gặp cũng gây khó khăn cho việc điều trị.

Nam Giao - Linh Thùy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ngay-cang-nhieu-nguoi-bi-ran-doc-can-o-khu-vuc-phia-nam-post1406588.html