Ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu, Trung Quốc nên làm gì nếu chiến tranh thương mại bùng nổ?
'Điểm sáng lớn nhất trong nền kinh tế Trung Quốc năm ngoái là xuất khẩu. Điều đó có nghĩa là vấn đề lớn nhất đối với nước này năm nay chính là thuế quan'...
Trung Quốc đang đối mặt khả năng căng thẳng và bấp bênh gia tăng sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 20/1. Những rủi ro này hiện hữu đúng vào thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đã trở nên yếu hơn và phụ thuộc vào xuất khẩu nhiều hơn so với trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đầu tiên.
Số liệu chính thức của Trung Quốc công bố mới đây cho thấy thặng dư thương mại của nước này đạt kỷ lục gần 1 nghìn tỷ USD trong năm 2024, tương đương hơn 5% tổng sản phẩm trong nước (GDP), mức cao nhất kể từ năm 2015. Thặng dư này đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 1997.
Sự phụ thuộc vào xuất khẩu làm gia tăng những thách thức mà Trung Quốc đang phải đối mặt: giảm phát dai dẳng, nhu cầu trong nước yếu, khủng hoảng bất động sản kéo dài và đồng nội tệ đang chịu áp lực mất giá. Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc giảm sâu thời gian gần đây, một dấu hiệu cho thấy giới đầu tư trên thị trường tài chính tin rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tiếp tục suy yếu.
Để chống lại những thách thức này và đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay, Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ tăng cường chi tiêu công. Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng ở Mỹ và các đối tác thương mại lớn khác của Trung Quốc có thể đe dọa lĩnh vực xuất khẩu - một trong những động lực tăng trưởng lớn nhất của nền kinh tế nước này ở thời điểm hiện tại.
SỰ PHỤ THUỘC VÀO MỸ CÒN LỚN
“Điểm sáng lớn nhất trong nền kinh tế Trung Quốc năm ngoái là xuất khẩu. Điều đó có nghĩa là vấn đề lớn nhất đối với nước này năm nay chính là thuế quan”, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của ngân hàng BNP Paribas, bà Jacqueline Rong, nhận định. Theo kịch bản chính của BNP Paribas, ông Trump sẽ áp thuế quan 10% lên hàng hóa Trung Quốc, nhưng chưa rõ liệu Liên minh châu Âu (EU) và các nền kinh tế mới nổi có hành động theo Mỹ mà nâng hàng rào thương mại đối với Trung Quốc hay không.
Để giảm bớt rủi ro thuế quan, các công ty nhập khẩu của Mỹ đã đẩy mạnh việc nhập hàng từ Trung Quốc trong những tháng cuối của năm ngoái, và điều này có thể khiến nhu cầu hàng hóa Trung Quốc của Mỹ tăng yếu hơn trong năm nay. Trong tháng 12, Trung Quốc xuất khẩu khoảng 50 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ, tháng cao nhất kể từ giữa năm 2022.
Thuế quan Mỹ áp lên hàng Trung Quốc trong 7 năm qua đã khiến nhiều công ty chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc hoặc tìm nguồn hàng từ nơi khác. Khách Mỹ hiện chiếm chưa đẩy 15% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu trực tiếp từ Trung Quốc, giảm từ mức 19% vào thời điểm cuối năm 2017.
Dù đã có những hy vọng rằng thuế quan sẽ khiến hoạt động sản xuất chuyển về Mỹ, nhưng thực ra, các nhà máy lại được chuyển nhiều tới các quốc gia khác như Ấn Độ hoặc các nước Đông Nam Á. Nhiều nhà máy tại các quốc gia này nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc về lắp ráp, rồi xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ và các thị trường khác.
Và dù xuất khẩu trực tiếp của Trung Quốc sang Mỹ có giảm bớt một chút tầm quan trọng trong 4 năm qua, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn là một nguồn chủ lực về nhu cầu cuối cùng đối với Trung Quốc. Ngăm ngoái, Mỹ mua hơn nửa nghìn tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, tương đương khoảng 3% GDP của Trung Quốc.
Một nghiên cứu của Bloomberg Economics cho thấy dù cả Mỹ và Trung Quốc đều đã đa dạng hóa thương mại khỏi nhau, Mỹ tiếp tục là nguồn nhu cầu đơn lẻ lớn nhất đối với hàng hóa có hàm lượng giá trị sản xuất của Trung Quốc.
Nếu Mỹ áp thuế quan mới lên hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh có thể sẽ áp thuế quan trả đũa, tương tự như đã làm trước kia. Chính phủ Trung Quốc cũng đã xây dựng các công cụ trả đũa mới, như lệnh cấm xuất khẩu sang Mỹ một số kim loại, hay trừng phạt một loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực quốc phòng của Mỹ.
“LIỀU THUỐC” CHO TRUNG QUỐC
“Nỗ lực của Trung Quốc trong việc kiểm soát xuất khẩu đã trở nên quyết liệt hơn. Sự tăng trưởng xuất khẩu vững vàng mà Trung Quốc đạt được trong năm 2024, bất chấp các biện pháp kiểm soát của Mỹ, có thể mang lại cho Trung Quốc sự tự tin để triển khai thêm các biện pháp kiểm soát và hạn chế xuất khẩu về khoáng sản quan trọng, nam châm, pin và hàng hóa khác”, tác giả Alex Capri của cuốn sách mang tựa đề “Techno-Nationalism: How It’s Reshaping Trade, Geopolitics and Society” (tạm dịch: “Chủ nghĩa dân tộc kỹ thuật đang định hình lại thương mại, địa chính trị và xã hội như thế nào”) nhận định.
Trung Quốc hiện đang mua ít hàng hóa cơ bản hơn từ Mỹ và mua nhiều hơn từ Brazil, Nga và các quốc gia thân thiện hơn với Bắc Kinh. Đây là một phần trong nỗ lực đã duy trì nhiều năm nhằm đa dạng hóa quan hệ thương mại, bên cạnh việc ký thỏa thuận thương mại với các nước Đông Nam Á và thành lập khu vực phi thuế quan lớn nhất thế giới. Những nỗ lực này đã giúp giảm bớt sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Mỹ, nhưng cũng có thể khiến bất kỳ sự trả đũa nào mà Trung Quốc nhằm vào Mỹ bằng cách áp thuế quan lên hàng Mỹ trở nên kém hiệu quả hơn so với trước đây.
Doanh nghiệp Trung Quốc có thểm tìm cách chuyển hướng hàng hóa sang các thị trường khác để bù đắp cho sự mất mát doanh thu từ Mỹ, nhưng không có gì đảm bảo các quốc gia khác sẽ không áp thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc nếu nhập khẩu tăng vọt. Các nước ở Nam Mỹ hiện đã áp thuế quan lên thép Trung Quốc.
Việc ông Trump trở lại Nhà Trắng đã thúc đẩy Mexico hành động, với kế hoạch của Tổng thống Claudia Sheinbaum áp thuế quan nhằm giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Bằng cách này, Mexico muốn thuyết phục ông Trump không áp thuế quan 25% lên hàng hóa Mexico.
Các nền kinh tế khác triển khai biện pháp phòng thủ sớm bao gồm Canada - quốc gia vào tháng 9 đã tuyên bố áp thuế quan mới lên ô tô điện và kim loại nhập khẩu từ Trung Quốc. Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã áp thuế quan lên ô tô điện Trung Quốc.
Cuối cùng, công cụ hiệu quả nhất mà Bắc Kinh có trong tay có lẽ chính là sự thay đổi mang tính cơ cấu đã được “kê đơn” từ lâu: tập trung vào thị trường trong nước, thúc đẩy tiêu dùng nội địa để thay thế nhu cầu bị mất trong một cuộc chiến thương mại mới với Mỹ.
“Các biện pháp tài khóa, mà cho đến nay Trung Quốc vẫn còn rất dè dặt, sẽ là cách hiệu quả nhất, đặc biệt là phát tiền kích thích tiêu dùng cho hộ gia đình để tăng tiêu dùng”, chuyên gia cấp cao Martin Chorzempa của Viện kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) ở Washington nhận định.