Ngày đặc biệt…
Bình tĩnh và linh hoạt
Cho đến trước đợt dịch thứ 4, Bình Dương cũng như nhiều địa phương khác đã làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế có mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh cả thế giới với trong nước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. GRDP của tỉnh trong 6 tháng đầu năm tăng đến 7,23%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, từ tháng 7, làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 như vết dầu loang nhanh chóng phủ khắp, thấm sâu đến mọi ngóc ngách. Những ca dương tính được phát hiện trong cộng đồng liên tục tăng từ hàng chục đến hàng trăm, hàng ngàn ca mỗi ngày. Các bệnh viện không còn chỗ trống. Bệnh viện dã chiến xây đến đâu quá tải đến đó. Hàng loạt tình huống chưa có tiền lệ xuất hiện khiến hệ thống y tế quá tải, sản xuất ngưng trệ, an sinh xã hội, an ninh trật tự đối mặt với nhiều thách thức. Mảnh đất miền Đông đã bao lần đối mặt và chiến thắng kẻ thù xâm lược nhưng lần này thử thách càng khó khăn khi kẻ thù vô hình Covid-19 mang biến chủng chết chóc xâm nhập mọi lúc, mọi nơi. Bình Dương lập tức trở thành một trong những tâm dịch phức tạp, nóng bỏng nhất của cả nước. Chỉ trong một thời gian ngắn, dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến hầu khắp các mặt của đời sống xã hội.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh luôn có mặt tại các điểm nóng dịch bệnh để chỉ đạo công tác chống dịch và động viên người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Văn Lợi (bìa phải), Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra công tác chăm sóc bệnh nhân Covid-19 ở TX.Tân Uyên
Lửa thử vàng... một lần nữa tinh thần đoàn kết, khí chất quật khởi của quân dân Bình Dương lại được thổi bùng khi quê hương bị đặt trước thách thức sống còn. Cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được huy động kịp thời với hàng nghìn người vào cuộc hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19. Hình ảnh đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí lãnh đạo tỉnh không kể ngày đêm, mưa nắng thường xuyên có mặt tại các tâm dịch của tỉnh để kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc công tác chống dịch, động viên người bệnh, chia sẻ với người dân… đã trở nên quen thuộc và để lại ấn tượng tốt đẹp.
Càng khó khăn càng phải bình tĩnh, linh hoạt. Đó là quan điểm xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh từ tỉnh đến cơ sở. Cũng như trên mặt trận phát triển kinh tế, giữa muôn vàn cam go của dịch bệnh, Bình Dương đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt các biện pháp của Trung ương, của Bộ Y tế trên mặt trận chống dịch Covid-19. Tùy từng thời điểm và tình hình thực tế mà tỉnh sẽ có những quyết định phù hợp trên cơ sở thống nhất những giải pháp cơ bản của cấp trên đó là thần tốc xét nghiệm diện rộng để “bóc tách” nhanh F0 ra khỏi cộng đồng, điều tra dịch tễ, mô hình “tháp 3 tầng”, kiểm soát chặt người ra, vào khu vực sàng lọc… Đặc biệt, một trong những giải pháp có tính bước ngoặt trong công tác chống dịch trên địa bàn tỉnh chính là việc thành lập và đưa vào hoạt động các trạm y tế lưu động. Đây là những mô hình được Bình Dương thực hiện từ sớm và đã phát huy hiệu quả to lớn trong trong tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Giám đốc Trung tâm Y tế TX.Tân Uyên cho rằng việc ra đời trạm y tế lưu động đã giảm tải cho tuyến trên và nhờ được can thiệp từ sớm nên đã hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Đó là một trong những nỗ lực của tỉnh trong thực hiện mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết.
Đi về phía... đồng bào
Bên cạnh những “chiến sĩ” áo trắng đã nỗ lực gấp 2 - 3 lần bình thường thì những chiến sĩ bộ đội, công an cũng không quản ngại khó khăn, bất chấp hiểm nguy để đến với dân với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “chống dịch là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”. Cùng với những y bác sĩ mặc áo lính trực tiếp điều trị cho các F0, hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang tỉnh đã ròng rã mấy tháng trời đứng trên tuyến đầu chống dịch. Những đóng góp, hy sinh không thể đong đếm của các anh không những giúp địa phương khống chế, đẩy lùi dịch bệnh mà sự cống hiến, xả thân đó đã tô thêm truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, “Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Covid-19 đã mang đến những tổn thất to lớn về người và của nhưng cũng qua đại dịch tinh thần đoàn kết, sẻ chia một lần nữa lại được phát huy mạnh mẽ, nhân văn. Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, chỉ trong một thời gian ngắn, cơ quan này đã tiếp nhận ủng hộ và đăng ký ủng hộ với tổng số tiền trên 642 tỷ đồng, trong đó gần một nửa là tiền mặt và phần còn lại là hàng hóa. Ngoài ra tỉnh còn được các đơn vị, cá nhân tặng nhiều phương tiện, máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế, hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu hỗ trợ người dân và lực lượng tuyến đầu làm nhiệm vụ chống dịch. Đồng chíNguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tâm sự rằng, ông thực sự xúc động mỗi khi tiếp nhận hàng hóa của bà con ở nhiều vùng miền trong cả nước gửi tặng Bình Dương chống dịch. “Họ có gì gửi nấy. Từ những trang thiết bị trị giá hàng tỷ đồng đến những ký gạo, bó rau hay chỉ là nắm lá mơ nho nhỏ. Cảm động vô cùng!...”, ông Lộc chia sẻ.
Không thể kể hết những yêu thương, chia sẻ và hành động ý nghĩa trong những ngày Bình Dương oằn mình vì dịch bệnh. Còn nhớ lúc dịch bệnh đang dần phức tạp, nhiều bác sĩ, thầy thuốc dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn đăng ký tình nguyện sẵn sàng tham gia chống dịch. Đó là một nghĩa cử đẹp làm sáng ngời phẩm chất “lương y như từ mẫu”. Xúc động biết bao khi không chỉ có những y bác sĩ về hưu mà chỉ trong một thời gian ngắn hàng chục ngàn đoàn viên, thanh niên, hội viên, các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo… đã tình nguyện chung sức, đồng lòng sẵn sàng tham gia chống dịch mọi nơi, mọi lúc. Từ thực tế chống dịch ở địa phương, đồng chíBùi Duy Hiền, Bí thư Thị ủy Bến Cát đánh giá rất cao vài trò của đội ngũ tình nguyện viên: “Lực lượng tình nguyện đã giúp địa phương rất nhiều trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Trước dịch thị xã không có tình nguyện viên nhưng đến nay đã có hơn 1.000 tình nguyện viên luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được yêu cầu...”.
… Người trong một nước phải thương nhau cùng. Qua đại dịch mới thấy dạt dào tình thương của những người cùng chung đất nước, chung giống nòi. Dịch bệnh ở Bình Dương sẽ không thể sớm được kiểm soát thành công nếu không có sự chi viện của Trung ương, các bộ, ngành và các tỉnh, thành bạn. Từ những đoàn y, bác sĩ tình nguyện từ Tây Bắc xa xôi đến Tây nguyên hay miền Trung ruột thịt đã lần lượt vượt hàng ngàn cây số đến với đồng bào Bình Dương. Họ đến và lặng lẽ bắt tay ngay vào công việc với tất cả trách nhiệm của một người thầy thuốc để cứu dân qua đại dịch. Đã có 60 đoàn với trên 3.400 người, trong đó có 686 bác sĩ, gần 1.200 điều dưỡng, y sĩ, kỹ thuật viên và trên 1.500 sinh viên đã chi viện cho Bình Dương. Bình Dương luôn tri ân họ như những người hùng thầm lặng.
“Bình Dương đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19. Tỉnh đã vượt qua được giai đoạn khó khăn tột cùng của đợt dịch lần thứ 4. Hơn ai hết, mỗi người dân cần ý thức phòng, chống dịch bệnh, tự bảo vệ bản thân, cố giữ thành quả đạt được…”. Chúng tôi muốn nhắc lại câu nói của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trong hội nghị thông tin công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được tổ chức vào ngày 15-9 để thêm một lần nữa chúng ta trân trọng những thành quả trong công tác chống dịch mà đã phải đánh đổi rất nhiều nguồn lực mới có được. Ghi nhớ, trân trọng và giữ gìn thành quả ấy để chúng ta bước vào hành trình mới tươi sáng và thành công.
Đợt dịch thứ 4 đến nhanh như một cơn lũ quét, vượt qua mọi dự báo ban đầu. Bình Dương nhanh chóng trở thành tâm dịch lớn thứ 2 cả nước chỉ sau TP.Hồ Chí Minh. Đó là một thử thách vô cùng lớn cho một tỉnh có dân số gần 2,5 triệu người. Tuy nhiên, với quyết tâm sớm kiểm soát tình hình, đẩy lùi dịch bệnh, tất cả các nguồn lực đã được khẩn trương huy động, trong đó đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, quân đội, công an là lực lượng tuyến đầu.
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/ngay-dac-biet--a258814.html