'Ngày đàn ông' của nước Nga

Ngày dành cho 'phái mạnh' được kỷ niệm tại rất nhiều nước trên thế giới. Có thể kể đến Ngày Quốc tế đàn ông 19-11, hoặc một số quốc gia kỷ niệm 'Ngày của cha' vào chủ nhật thứ ba của tháng 6 hoặc ngày 3-3 hằng năm. Tại Nga, dịp kỷ niệm tương tự lại có nguồn gốc từ một sự kiện quan trọng cách đây hơn 100 năm.

Đầu năm 1918, nước Nga Xô Viết ở trong thế hiểm nghèo, đối mặt với cả nội chiến trong nước lẫn chiến sự với Đức ở phía tây. Ngày 23-2, chính quyền Bolshevik đưa ra lời kêu gọi nổi tiếng “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đang lâm nguy”. Ngày này sau đó được chọn là ngày thành lập Hồng quân và được kỷ niệm tại Liên Xô cho tới năm 1991.

Sau khi Liên Xô tan rã, ngày lễ vẫn được duy trì tại Nga và một số nước thuộc Liên Xô trước đây. Kể từ năm 2002, Quốc hội Nga đưa ngày 23-2 trở lại làm ngày lễ, đổi tên thành “Ngày của những người bảo vệ tổ quốc”. Trong dịp này, các sự kiện tri ân quân nhân, cựu chiến binh như diễu binh, biểu diễn văn nghệ, ôn lại lịch sử… được tổ chức trọng thể. Hoa được đặt tại khắp các địa điểm tưởng niệm trên toàn quốc, nổi tiếng nhất là tại Đài tưởng niệm chiến sĩ vô danh bên tường điện Kremlin tại Moscow.

 Dâng hoa nhân ngày lễ 23-2 tại đài tưởng niệm “1200 cận vệ” ở thành phố Kaliningrad (Nga). Ảnh: TASS.

Dâng hoa nhân ngày lễ 23-2 tại đài tưởng niệm “1200 cận vệ” ở thành phố Kaliningrad (Nga). Ảnh: TASS.

Một sự trùng hợp xảy ra khiến ngày lễ này vươn ra khỏi ý nghĩa “sinh nhật” lực lượng vũ trang. Trước kia, nước Nga sử dụng bộ lịch Julius của Giáo hội Chính thống giáo. Sau khi Cách mạng Tháng Mười thành công, chính quyền Xô Viết tiếp tục sử dụng bộ lịch này một thời gian trước khi chuyển sang lịch Gregory như các quốc gia khác hiện nay. Ngày 23-2 sau khi chuyển lại trùng với Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, do lịch cũ chậm hơn 13 ngày.

Vì thay đổi này, tại Nga, ngày 23-2 trở thành “ngày 8-3” cho đàn ông. Những người phụ nữ trong ngày này sẽ tặng quà và dành những lời chúc tốt đẹp cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp nam. Trong quan niệm của phụ nữ Nga, đàn ông là “trụ cột” chính trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước, ngay cả khi họ không mặc áo lính.

Bước sang thế kỷ 21, một số quy luật bất thành văn cho dịp này xuất hiện, dẫn đến nhiều câu chuyện thú vị. Trước thềm ngày kỷ niệm, nhân viên tại nhiều cơ quan, xí nghiệp tự giác “chia giới tuyến”, tách biệt không gian làm việc giữa đàn ông và phụ nữ để “phái yếu” có thể chuẩn bị điều bất ngờ hoặc những buổi tiệc. Đổi lại, nam giới phải tổ chức ngày lễ 8-3 hai tuần sau đó sao cho chu đáo, giống như một cuộc thi xem phái nào có ý tưởng thú vị hơn.

Thế nhưng, do “đơn giản” hơn phụ nữ, đôi khi việc tìm quà tặng 23-2 cho đàn ông trở nên khá gian nan. Đa số phụ nữ lại chọn nước hoa, tất hoặc phổ biến hơn cả là kem cạo râu để tặng vì cho rằng đó là vật phẩm “nam tính” nhất. Đã từng có trường hợp ở một số nơi, ngay trước dịp lễ, “phái mạnh” tổ chức thu gom hết mọi sản phẩm chăm sóc râu, nhằm buộc “phái yếu” lựa chọn quà tặng gì đó khác biệt. Vì lẽ đó, trên mạng xã hội Nga xuất hiện tên gọi vui của ngày 23-2 là “Ngày kem cạo râu toàn Nga”.

ĐĂNG SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/ngay-dan-ong-cua-nuoc-nga-610637