Ngày Dân số Việt Nam 26/12: Già hóa dân số và bài toán khó 'khuyến sinh'
Tình trạng già hóa dân số ở Việt Nam diễn ra rất nhanh, nếu không có giải pháp để duy trì mức sinh thay thế thì đây thực sự là một thách thức lớn cho sự phát triển bền vững. PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê - Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam - trao đổi với PNVN về một số giải pháp hiệu quả để ứng phó với tình trạng già hóa dân số.
- Chính sách hưu trí và bảo hiểm xã hội (BHXH) phải chịu gánh nặng như thế nào khi già hóa dân số tăng nhanh, thưa bà?
Số người cao tuổi (NCT) hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng đã và đang tăng lên. Tính đến tháng 5/2023 đã có gần 2,7 triệu NCT hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng, chiếm 20,7% tổng số NCT.
Đây là con số chưa tính đến còn 800 nghìn NCT đang hưởng chế độ người có công và gần 1,9 triệu NCT hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng.
Theo công bố mới đây nhất tại hội nghị tổng kết 6 tháng đầu năm 2024 của BHXH Việt Nam thì số người tham gia BHXH là 18,305 triệu người (chiếm khoảng 39,05% lực lượng lao động), tăng 1,164 triệu người so với cùng kỳ năm trước và tỉ lệ bao phủ BHXH đang ngày càng có xu hướng tăng lên.
Dẫn theo một báo cáo của Viện Khoa học BHXH thì số người tham gia BHXH tăng đến năm 2070 và sau đó chuyển sang xu hướng giảm. Trong bối cảnh già hóa dân số thì từ sau năm 2070 số người tham gia BHXH giảm, số người hưởng lương hưu tăng.
Khả năng đến năm 2095 thì tỉ lệ là 2:1 tức là cứ 2 người đóng thì có 1 người hưởng. Đến năm 2066 sẽ có khoảng 20 triệu người trên 60 tuổi không có lương hưu và phải tự trang trải cuộc sống hoặc dựa vào nguồn trợ cấp khác. Đây thực sự là một áp lực rất lớn cho quỹ BHXH.
Giải pháp cải thiện tình trạng già hóa dân số
- Xin bà cho biết, những giải pháp hiệu quả để cải thiện tình trạng già hóa dân số là gì?
Theo kinh nghiệm của các nước đi trước cho thấy, việc thực hiện khuyến sinh là rất khó, do đó, khi Việt Nam chưa thực sự rơi vào tình trạng già hóa dân số, cần nhanh chóng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Trước tiên cần thực hiện các biện pháp để đảm bảo duy trì được mức sinh thay thế đồng thời với tăng chất lượng dân số. Chất lượng dân số muốn tốt phải có chất lượng cuộc sống tốt, không chỉ là việc được học hành, được chăm sóc sức khỏe, tiếp cận các dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe sinh sản, ứng dụng khoa học - công nghệ tầm soát trước sinh và sau sinh với chi phí chấp nhận được mà còn là có môi trường sống trong lành.
Xu hướng của xã hội hiện đại là thanh niên sinh ít con. Để khuyến khích thanh niên lập gia đình và sinh con, thực hiện trách nhiệm duy trì giống nòi thì cần phải có các chính sách hỗ trợ, phát triển các dịch vụ gia đình và hỗ trợ nuôi con nhỏ.
Năm 2024 Bộ Y tế đã chọn chủ đề "Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc" là chủ đề của Tháng hành động Quốc gia về Dân số và hưởng ứng Ngày Dân số Việt Nam 26/12.
Các biện pháp này chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là hệ thống các biện pháp khác mang tính nhân văn cao hơn để thúc đẩy thanh niên lập gia đình, kết hôn và sinh con sớm, coi sinh con, chăm sóc con cái là một niềm hạnh phúc của cha mẹ, của cuộc sống.
Bên cạnh đó, cũng phải sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện cho già hóa dân số để đảm bảo các điều kiện chăm sóc người già, đảm bảo an sinh xã hội không chỉ cho người già mà cho toàn dân.
- Với tình trạng già hóa dân số, người lao động cao tuổi sẽ tăng, theo bà, chính sách việc làm đối với người cao tuổi (NCT) cần cải thiện thế nào để không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội?
Quyền của người già là phải được nghỉ ngơi khi hết tuổi lao động. Tuy nhiên, trong bối cảnh già hóa dân số là khó tránh khỏi thì vẫn có một lực lượng không nhỏ người già có nhu cầu lao động.
Già hóa dân số được tính khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm từ 10% tổng dân số trở lên. Tính đến ngày 1/4/2021, dân số Việt Nam đạt 98,2 triệu người, trong đó có 12,5 triệu người từ 60 tuổi trở lên (12,8%); 8,1 triệu người từ 65 tuổi trở lên (8,3%); gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên (2%). Theo dự báo của Tổng cục Thống kê tốc độ già hóa dân số của Việt Nam tăng nhanh với dự kiến số NCT năm 2029 là 17,3 triệu và năm 2049 là 28,6 triệu người.
Những NCT có kinh nghiệm, có kỹ năng, có vốn, họ có thể trở thành một nguồn lực con người lớn cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Nhà nước và xã hội cần có các chính sách để tạo môi trường bảo đảm chu trình "già hóa thành công", huy động hiệu quả nguồn lực NCT.
Các giải pháp để huy động lực lượng NCT vào thị trường lao động bao gồm:
Thứ nhất, hoàn thiện chính sách về lao động việc làm cho NCT như hỗ trợ cho các doanh nghiệp tuyển dụng lao động là NCT, ưu đãi để khuyến khích người sử dụng lao động thuê người lao động cao tuổi làm các công việc như hỗ trợ một phần tiền lương hoặc tiền thưởng cho người lao động, xây dựng danh mục các công việc ưu tiên dành cho NCT,...
Thứ hai, xây dựng mạng lưới thông tin về thị trường việc làm cho NCT, xóa bỏ định kiến về lao động cao tuổi, khuyến khích sử dụng lao động sau khi họ nghỉ hưu, khuyến khích các doanh nghiệp tùy thuộc vào đặc thù hoạt động sản xuất kinh doanh mà ban hành các định mức, tiêu chuẩn lao động phù hợp với NCT.
Thứ ba, đa dạng hóa và tạo việc làm cho NCT như hỗ trợ lao động cao tuổi phát triển kinh tế hộ gia đình, các dự án khởi nghiệp do NCT làm chủ để tự tạo việc làm cho bản thân và những NCT khác; có cơ chế tín dụng ưu đãi đối với các dự án có khả năng tạo việc làm cho NCT hoặc do NCT sở hữu.
Khuyến khích NCT duy trì sự nghiệp lâu dài hơn bằng cách chuyển đổi công việc hiện tại sang công việc phù hợp khi đến tuổi nghỉ hưu như đa dạng hóa các hình thức việc làm: việc làm tại nhà, việc làm bán thời gian phù hợp với thể trạng sức khỏe và năng lực của NCT.
Thứ tư, trong bối cảnh khoa học và công nghệ phát triển nhanh, nhất là sự phát triển nhanh công nghệ thông tin đã làm các yêu cầu và kỹ năng cho người lao động có nhiều thay đổi thì cần tổ chức đào tạo nghề và đào tạo kỹ năng cho NCT để họ đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng, họ có thể chuyển đổi việc làm và lựa chọn, nắm bắt cho mình các cơ hội việc làm phù hợp.
Cuối cùng vẫn là đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho NCT tại nơi làm việc. Cần cải thiện môi trường làm việc thân thiện và phù hợp với thể trạng sức khỏe, tâm lý của người lao động, tránh không để NCT bị quá sức trong quá trình tiếp tục làm việc, chăm sóc sức khỏe cho NCT làm việc cũng cần thường xuyên hơn và có hình thức chuyên sâu phù hợp cho NCT.
- Cảm ơn bà đã chia sẻ!
Tình trạng già hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra rất nhanh chóng vì tỷ suất sinh của Việt Nam giảm mạnh trong khoảng 2 thập niên trở lại đây. Tuy tính chung cả nước thì chúng ta vẫn đang đạt mức sinh thay thế nhưng toàn bộ khu vực thành thị và Nam Bộ thì từ khoảng 25 năm nay đã đạt và giảm sâu dưới mức thay thế. Năm 2023, bình quân mỗi phụ nữ tính đến hết tuổi sinh đẻ khu vực thành thị chỉ còn 1,7 con, phụ nữ nông thôn là 2,07 con/phụ nữ, đồng bằng sông Cửu Long là 1,54 con, đông Nam Bộ là 1,47 con, toàn Việt Nam có 24 tỉnh có mức sinh ít hơn 2,1 con/phụ nữ.
Kinh nghiệm "khuyến sinh" của một số quốc gia
* Trung Quốc hạn chế ly hôn và phá thai: Việc ly hôn ở quốc gia này trở nên khó khăn hơn với luật thiết lập "thời gian cân nhắc" bắt buộc là 30 ngày đối với các cặp đôi nộp đơn xin ly hôn. Cách làm này dường như đã có hiệu quả, số đơn ly hôn đã giảm mạnh từ năm 2021. Bên cạnh đó, tháng 9/2021, Trung Quốc đã ban hành "Hướng dẫn phát triển phụ nữ "cho giai đoạn 2021-2030, xác định "giảm phá thai không cần thiết về mặt y tế". Ngoài ra, chính quyền các địa phương cũng có những chính sách cụ thể để khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con, như: trợ cấp khi sinh con, tăng số ngày nghỉ phép có lương cho người kết hôn, thưởng bằng tiền mặt nếu cô dâu từ 25 tuổi trở xuống, đàn ông không phải trả quà đính hôn cho gia đình vợ tương lai, tăng cường hỗ trợ điều trị hiếm muộn, hạn chế việc dạy kèm riêng…
* Nhật Bản tăng tỷ lệ kết hôn và giảm ly hôn: Chính phủ Nhật Bản đã dành nhiều năm thúc đẩy nhiều sáng kiến khác nhau nhằm khuyến khích hôn nhân. Đặc biệt là thúc đẩy đám cưới và sinh con, tăng cường dịch vụ chăm sóc trẻ em hoặc trợ cấp nhà ở. Hiện nay, Nhật Bản cung cấp khoản trợ cấp trọn gói 500.000 Yên (hơn 78 triệu đồng) cho mỗi đứa trẻ được sinh ra. Ngoài ra còn có trợ cấp nuôi con 15.000 Yên (khoảng 2,3 triệu đồng) một tháng cho đến khi trẻ được ba tuổi, và 10.000 Yên (khoảng 1,5 triệu đồng) một tháng cho trẻ từ 4 đến 15 tuổi.
* Hàn Quốc áp dụng đồng bộ nhiều chính sách: Với tỷ lệ sinh 0,9 trẻ/phụ nữ, Hàn Quốc chỉ đứng sau Hồng Kông về tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới hiện nay. Già hóa dân số gây nhiều ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế khiến chính phủ Hàn Quốc phải triển khai đồng bộ nhiều chính sách như nỗ lực xây dựng nền tảng để ứng phó với tỷ lệ sinh thấp và già hóa dân số thông qua nhiều kế hoạch cụ thể nhằm thúc đẩy sinh con và hỗ trợ mức sống cho NCT; Tiếp tục thúc đẩy chính sách tăng trưởng kinh tế dài hạn; thực hiện các biện pháp nhằm tác động đến các yếu tố quyết định tăng năng suất lao động; triển khai các chính sách phúc lợi cho một xã hội già hóa dân số...
Mai Nguyễn (Theo HRW/CNN/BIC)