Ngày đầu giai đoạn 2 thực hiện cách ly xã hội: Nội thành còn chủ quan, ngoại thành nỗ lực duy trì kết quả

Sáng 16-4, ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện cách ly xã hội ở giai đoạn 2, mật độ giao thông trên nhiều tuyến phố vẫn cao, dân cư ở nội thành có biểu hiệu chủ quan, chưa tuân thủ khoảng cách 2 mét khi đi chợ. Trong khi đó, chính quyền cơ sở ở các quận, huyện, thị xã tiếp tục nỗ lực tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện các yêu cầu về cách ly xã hội.

Người dân nội thành có biểu hiện chủ quan

Mặc dù Hà Nội tiếp tục thực hiện cách ly xã hội đến ngày 22-4, nhưng trong sáng nay hầu hết các tuyến đường, phố trên địa bàn đều rất đông người qua lại. Các tuyến Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Thanh Niên, Yên Phụ, Nghi Tàm, Nguyễn Trãi, Tây Sơn, Giải Phóng, Nguyễn Xiển, Lê Văn Lương, nút giao thông Chương Dương... nườm nượp người, xe.

Nhiều người lái “xe ôm” truyền thống hoạt động trở lại. Khu vực quanh hồ Tây rải rác có người vẫn đi tập thể dục buổi sáng, hoặc ngồi ngắm cảnh, chỉ khi cán bộ trật tự phường nhắc nhở mới chịu đứng lên, ra về.

Tại một trong những địa bàn tập trung đông dân cư và có nhiều hoạt động mua bán như chợ Đồng Xuân (phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm), các chốt trực làm nhiệm vụ từ sáng sớm để nhắc nhở người đi chợ giữ khoảng cách an toàn; việc sát khuẩn tay được thực hiện nghiêm túc. Những người không giữ khoảng cách 2 mét khi giao dịch đều được đội ngũ chốt trực dùng loa nhắc nhở.

Người dân ngõ 1 phố Ngọc Lâm vẫn tập thể dục tại vườn hoa sáng nay.

Cũng trong sáng 16-4, UBND phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) đã đi kiểm tra chợ dân sinh ngay đầu phố Hàm Tử Quan. Đa phần người dân chấp hành tốt chủ trương chung và đóng cửa dừng kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tại vườn hoa tại ngõ 1 phố Ngọc Lâm (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên) vẫn có người tập thể dục, chơi cầu lông. Khi thấy có người chụp ảnh, ghi hình, đám đông bảo nhau giải tán. Điều này chứng tỏ mặc dù biết là sai nhưng họ vẫn cố tình vi phạm.

Hai chiếc taxi đỗ dưới chân tòa nhà Mipec trong nhiều giờ.

Hay như trên đường Ngọc Thụy đoạn dưới chân tòa chung cư Mipec (quận Long Biên) vào 9h30 xuất hiện 2 taxi đỗ nhiều giờ. Đây là hành vi rất bất thường bởi hoạt động vận tải hành khách dịch vụ đã tạm ngừng hoạt động. Trong lúc dừng chờ dưới chân tòa nhà, lái xe taxi, lái xe ôm còn tụ tập nói chuyện.

Trên tuyến đường Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm), cửa hàng sửa xe máy ngay đầu phố vẫn rửa cả xe ô tô. Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, phương tiện được đánh vào vỉa hè giáp với phố Hàng Muối. Đây là vị trí rất khó quan sát bởi nằm dưới lối lên xuống chân cầu Chương Dương.

Trao đổi về tình hình giao thông qua nút giao thông Chương Dương, Thiếu tá Nguyễn Cao Cường, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 1 (Công an thành phố Hà Nội), làm nhiệm vụ tại trạm kiểm soát y tế Bắc Chương Dương cho biết: "Thực hiện biện pháp phòng dịch, chúng tôi cho dừng xe kiểm tra y tế liên tục nhưng cũng chỉ được một phần nhỏ so với lượng người và xe lưu thông, gây khó khăn cho công tác phòng dịch".

Hoạt động rửa xe trên phố Trần Quang Khải rất khó phát hiện.

Tại quận Hà Đông, các cửa hàng trên một số tuyến phố như Tố Hữu, Vạn Phúc, Chu Văn An, Bà Triệu, Lê Lợi, Tô Hiệu… đều đóng cửa. Ngay từ sáng, lực lượng của các phường đều tuần tra, kiểm soát, phát loa tuyên truyền, kêu gọi người dân ở nhà, chấp hành tốt cách ly xã hội.

Tuy nhiên, tại một số chợ tạm, chợ “cóc”, việc tụm đông mua bán, chuyện trò vẫn diễn ra phổ biến. Thời điểm 9h30, ghi nhận tại chợ Vạn Phúc, quận Hà Đông cho thấy, người dân đến chợ đông, chưa thực hiện tốt việc giữ khoảng cách an toàn khi mua bán.

Người dân chưa thực hiện tốt việc cách ly xã hội tại chợ Vạn Phúc (quận Hà Đông).

Tại nút giao Nguyễn Chánh - Mạc Thái Tổ (quận Cầu Giấy), một hàng bán xôi sáng bày bán ngay trên vỉa hè; trục đường Nguyễn Chánh, hai gánh hàng rong bán cơm nắm, bánh rán… ngồi sát nhau. Cách đó không xa, trước cổng chợ tạm Nam Trung Yên là hàng chục hàng bán gia cầm án ngữ ngay trên vỉa hè, dưới lòng đường.

Tình trạng tương tự diễn ra ở quận Tây Hồ như dọc đường An Dương, các tuyến ngõ ngách xung quanh chợ Yên Phụ.

Nhiều cửa hàng kinh doanh không thiết yếu cũng đã... rộng cửa bán hàng như trên phố Kim Mã (quận Ba Đình) với một dãy hàng ăn giáp cổng Trường Lê Duẩn; trên phố Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy) với các cửa hàng bán xe máy Topcom, số 72; cửa hàng điện thoại di động, số 84 hay tổng đại lý phân phối chăn, ga, gối, đệm Tập Hường số 186..; cửa hàng cháo lòng tại số 35 phố Nam Đồng, phường Phương Liên (quận Đống Đa); cửa hàng tại số 47, 49 phố Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai)...

Trạm khai báo y tế Bắc Chương Dương dừng xe kiểm tra y tế đối với người đi đường nhưng quá tải vì người tham gia giao thông đông.

Ở những địa điểm mà Báo Hànôịmới đã phản ánh, tình hình được cải thiện hơn. Hôm qua, 15-4, Báo Hànôịmới đã phản ánh về hiện trạng họp chợ “cóc” tại ngõ 64 Kim Giang rất phản cảm. Về vấn đề này, bà Trần Thị Nga (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Kim Giang, quận Thanh Xuân) cho biết, khu vực chợ “cóc” tại ngõ 64 Kim Giang là địa bàn giáp ranh giữa phường Kim Giang (quận Thanh Xuân) và Đại Kim (quận Hoàng Mai).

“Dù là địa bàn phường nào, nhưng việc họp chợ đông, không thực hiện đúng yêu cầu cách ly xã hội đều cần phải tuyên truyền, nhắc nhở, chấn chỉnh. UBND phường đã yêu cầu các cơ sở kinh doanh phải bảo đảm giữ đúng khoảng cách khi mua bán, không để tập trung đông người trong một thời điểm”, bà Trần Thị Nga thông tin.

Tương tự, tiếp thu thông tin phản ánh của Báo Hànôịmới đăng trưa ngày 15-4 về các cửa hàng kinh doanh những mặt hàng không thiết yếu trên địa bàn vẫn hoạt động, ông Ngô Tiến Ngọc, Chủ tịch UBND phường Nam Đồng (quận Đống Đa) biết, phường đã chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra ngay và xử lý vi phạm theo quy định. Đến nay, toàn phường đã xử phạt 47 trường hợp không đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng.

Ngoại thành nỗ lực duy trì kết quả

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm ở ổ dịch Hạ Lôi (huyện Mê Linh) và ca bệnh 266 ở xã Dũng Tiến (huyện Thường Tín) sau hơn 30 ngày mới được phát hiện nhờ xét nghiệm, nhân dân ủng hộ cao việc Thủ tướng Chính phủ quyết định tiếp tục kéo dài đợt cách ly xã hội nhằm ngăn chặn phát tán dịch bệnh ra cộng đồng. Nhiều địa phương ngoại thành duy trì kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm vi phạm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Khảo sát ở xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) sáng 16-4 cho thấy, hơn 100 cửa hàng kinh doanh dịch vụ thiết yếu đóng cửa, người dân có ý thức trong việc phòng, chống dịch Covid-19 nên hạn chế ra đường.

Các cửa hàng ven đường ở xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) đóng cửa.

Ông Trần Ngô Hưng ở thôn Thị Nguyên, xã Cao Dương cho biết: "Tôi có một cửa hàng kinh doanh giày dép tại chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm). Thực hiện cách ly xã hội, 16 ngày nay, mọi hoạt động buôn bán của cửa hàng đều tạm dừng, tôi về sinh hoạt ở nhà. Mặc dù trước đó, hàng hóa của đối tác chuyển đến số lượng lớn, nhưng tôi cho nhân viên xếp gọn vào kho, chờ lúc nào hết dịch sẽ kinh doanh trở lại. Tôi cho rằng sức khỏe, tính mạng con người là quan trọng nhất nên hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Chính phủ và thành phố Hà Nội về thực hiện cách ly xã hội, đẩy lùi dịch Covid-19".

Theo ghi nhận của phóng viên, trong ngày đầu tiên gia hạn cách ly xã hội, tại huyện Chương Mỹ, đa số người dân thực hiện khá nghiêm túc các quy định về đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà. Toàn bộ các cửa hàng ăn uống dọc theo quốc lộ 6 đã đóng cửa. Các chốt kiểm dịch tại thị trấn Xuân Mai hoạt động tích cực.

Các quán ăn trên quốc lộ 6 thuộc địa bàn huyện Chương Mỹ đã đóng cửa.

Tại xã Hà Hồi (huyện Thường Tín), hôm nay các tuyến đường chính trong xã, thôn vẫn vắng bóng người. Tại khu vực chợ Vồi của xã có khoảng 20 hộ kinh doanh nông sản, thực phẩm có hoạt động, song xã đã bố trí khoảng cách ngồi giữa các hộ cách nhau 2 mét; đồng thời, duy trì 2 chốt kiểm soát y tế tại chợ.

Bà Nguyễn Thị Thu, hộ kinh doanh tại chợ Vồi chia sẻ: "Chúng tôi ủng hộ quyết định tiếp tục thực hiện cách ly xã hội. Hiện, trên địa bàn huyện Thường Tín đã có thêm một ca dương tính. Chúng tôi khá lo lắng song luôn tin tưởng vào công tác phòng, chống dịch của thành phố, huyện và xã. Chỉ cần mỗi người dân tự nâng cao ý thức, tuân thủ nghiêm cách ly phòng, chống dịch, sẽ hạn chế sự lây nhiễm trong cộng đồng".

Chủ tịch UBND xã Hà Hồi Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, người dân ủng hộ chủ trương tiếp tục cách ly xã hội để chống dịch Covid-19. Xã thường xuyên duy trì các chốt kiểm soát y tế, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về phòng, chống dịch. Tính đến cuối ngày 15-4, xã Hà Hồi đã xử phạt 16 trường hợp không đeo khẩu trang khi ra ngoài với số tiền 200.000 đồng/trường hợp. Trong buổi sáng 16-4, lực lượng chức năng xã chưa phát hiện trường hợp vi phạm.

Tại một số xã, thị trấn của huyện Mỹ Đức, như: Phúc Lâm, Bột Xuyên, Mỹ Thành, Tuy Lai, An Mỹ, Hồng Sơn…, phóng viên nhận thấy phần lớn trục đường, chợ dân sinh thưa vắng người đi lại, các cửa hàng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu vẫn đóng cửa, các chốt kiểm dịch Covid-19 vẫn hoạt động nghiêm túc… Chia sẻ với phóng viên, hầu hết người dân đồng thuận, ủng hộ chủ trương kéo dài thời gian cách ly xã hội để tiếp tục cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại chợ dân sinh xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức)

Ông Dương Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Phúc Lâm cho biết, xã đã xác định và quyết định cách ly tại gia đình đối với 5 người, thuộc 3 gia đình có liên quan đến thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh).

Để kiểm soát hoạt động cách ly xã hội của người dân, cả 6 thôn đều thành lập 6 tổ liên gia tự quản; xã thành lập 2 chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại chợ dân sinh và trục đường 419. Từ ngày 1-4 đến 15-4, lực lượng chức năng của xã đã xử phạt 20 người không đeo khẩu trang khi ra đường. Sáng nay, các chốt và lực lượng chức năng xã tiếp tục kiểm tra, rà soát địa bàn.

Giao thông ở xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) rất vắng người.

Tương tự, sáng nay, tuyến đường từ thị trấn Sóc Sơn về xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) dài gần 20km khá vắng các phương tiện tham gia giao thông, các cửa hàng vẫn nghiêm túc chấp hành quy định về đóng cửa, chỉ một số cửa hàng tạp hóa và kinh doanh các mặt hàng thiết yếu là mở cửa phục vụ bà con. Tại xã Nam Sơn, người dân thực hiện tương đối tốt cách ly xã hội, đường sá vắng bóng người qua lại.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, cán bộ xã Nam Sơn cho biết: "Từ ngày 17-4, xã Nam Sơn triển khai chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội tại nơi cư trú, vừa góp phần giúp các đối tượng thụ hưởng không phải đi xa, vừa giúp công tác cách ly xã hội được thuận tiện hơn".

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 của cả nước nói chung, Thủ đô nói riêng đang bước vào giai đoạn quyết định. Hơn lúc nào hết, người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, chung sức đồng lòng thực hiện nghiêm lệnh giãn cách xã hội để tiến tới thắng lợi cuối cùng. Lúc này, chỉ cần một vài người chủ quan, lơ là trong phút chốc cũng có thể khiến những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong giai đoạn 1 sẽ bị đổ ra sông, ra bể.

Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi lại:

Trên đường Trần Nhật Duật, nhiều hộ vẫn mở cửa kinh doanh.

Cổng chợ Yên Phụ (quận Tây Hồ), người bán hàng lấn chiếm hè đường, người mua đông đúc.

Bán hàng rong trên đường Yên Phụ, quận Tây Hồ (cạnh lối vào khách sạn Thắng Lợi)

Nút giao thông ngã tư Hàng Đậu - Trần Nhật Duật rất đông người qua lại

Quán vịt nướng trên phố Lĩnh Nam, phường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai) thản nhiên nhả khói đón khách.

Hàng phở bò số 59 Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) cũng mở cửa từ sáng sớm

Trên phố Kim Mã (quận Ba Đình), dãy hàng ăn gồm quán bún ngan, bún chả, cơm trưa văn phòng... giáp cổng Trường Lê Duẩn mở cửa từ sớm.

Hàng rong vô tư bán tại nút giao Nguyễn Chánh – Mạc Thái Tổ (quận Cầu Giấy)

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/964681/ngay-dau-giai-doan-2-thuc-hien-cach-ly-xa-hoi-noi-thanh-con-chu-quan-ngoai-thanh-no-luc-duy-tri-ket-qua