Ngày đầu tập trận quanh Đài Loan, Trung Quốc phá vỡ nhiều 'quy tắc ngầm'
Trong ngày 4/8 - ngày đầu tiên thực hiện cuộc tập trận ở 6 vùng biển xung quanh Đài Loan, Trung Quốc thực hiện nhiều hoạt động chưa có tiền lệ.
Riêng trong ngày này, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã bắn hàng chục tên lửa đạn đạo hướng về phía Đài Loan, điều máy bay và tàu chiến qua đường trung tuyến ở Eo biển Đài Loan, điều máy bay không người lái bay qua vùng trời của hòn đảo, triển khai ít nhất một tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân.
Đây là lần đầu tiên máy bay và tàu chiến PLA vượt qua đường trung tuyến ở Eo biển Đài Loan, đường nằm ở giữa ngăn cách Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan do Mỹ lập ra vào năm 1995 sau cuộc nội chiến Trung Quốc khốc liệt. Năm đó, Washington đã gây áp lực buộc hai bên phải tuân thủ thỏa thuận ngầm là không được vượt qua trung tuyến này.
PLA cũng thực hiện các nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ như bắn tên lửa hướng trực tiếp về phía đảo Đài Loan và điều máy bay không người lái bay qua vùng trời của Đài Loan.
“
Ngày 4/8, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nhận định các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc quanh đảo Đài Loan thể hiện nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thay đổi hiện trạng trong khu vực vốn đã được thiết lập trong nhiều thập kỷ.
“Chúng tôi sẽ không chấp nhận một hiện trạng mới. Không chỉ Mỹ mà thế giới cũng từ chối chấp nhận điều này”, ông Kirby nhấn mạnh.
Bộ Quốc phòng Mỹ đã điều tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân nước này tiến vào vùng biển phía đông nam Đài Loan để theo dõi tình hình.
Theo thống kê từ Cơ quan Phòng vệ Đài Loan, trong ngày tập trận này, PLA đã phóng ít nhất 11 tên lửa Đông Phong vào các vùng biển phía bắc, phía nam và phía đông hòn đảo.
Trong một thông báo, Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ của quân đội Trung Quốc tuyên bố đã thực hiện “các cuộc không kích chính xác” vào các mục tiêu.
“Tất cả tên lửa đều nhắm trúng mục tiêu, thử nghiệm khả năng tấn công chính xác. Nhiệm vụ huấn luyện bắn đạn thật đã thành công”, theo Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ của PLA.
Tổng cộng, Chiến khu Đông bộ đã điều hơn 100 máy bay, bao gồm các loại tiêm kích và máy bay ném bom.
Theo video do Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đăng tải, PLA đã điều máy bay tàng hình tân tiến nhất của quân đội Trung Quốc là J-20 và máy bay tiếp nhiên liệu mới ra mắt Y-20U để thực hiện nhiệm vụ.
PLA cũng điều hơn 10 tàu khu trục tiếp cận xung quanh đảo Đài Loan, bao gồm tàu chiến được coi là uy lực nhất tại châu Á Type 055. Trước khi bà Pelosi tới Đài Loan, hai tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông của Hải quân PLA cũng rời căn cứ. Hiện chưa rõ 2 tàu sân bay này có tham gia tập trận ngày 4/8 hay không.
Phản ứng lại, lực lượng phòng vệ trên không của Đài Loan đã điều các máy bay chiến đấu Mirage 2000 và F-5 để theo dõi tình hình.
Báo Bưu điện Hoa Nam (SCMP) dẫn lời một số chuyên gia quân sự như ông Song Zhongping cho biết, không giống như các cuộc tập trận trước thông thường chỉ mang tính biểu tượng, cuộc tập trận lần này đã tiến gần hơn tới hoạt động tác chiến thực sự và đặt ra một số tiền lệ nhằm làm suy yếu hệ thống phòng thủ chiến lược của Đài Loan.
Ông Andrei Chang - Tổng biên tập tạp chí Kanwa Asian Defence có trụ sở tại Canada cho hay trong số tên lửa Trung Quốc đã phóng có tên lửa đạn đạo DF-15B với tầm bắn 800km.
Theo hãng tin SCMP, việc PLA điều máy bay, tàu chiến qua đường trung tuyến và bắn tên lửa hướng thẳng về phía hòn đảo, nếu lặp lại, sẽ đặt lực lượng phòng vệ Đài Loan vào tình thế khó khăn, rút ngắn thời gian chuẩn bị để đối phó.
Ông Lu Li-shih, cựu giảng viên Học viện Hải quân Đài Loan tại thành phố Cao Hùng, cho rằng việc bắn tên lửa là một phần trong chiến lược “tâm lý chiến” nhằm kích động sợ hãi, hoang mang ở Đài Loan. Ông Lu nhận định, lực lượng phòng vệ Đài Loan có thể theo dõi các tên lửa này nhưng không thể can thiệp nhiều vì quỹ đạo tên lửa là tầm cao.
Ngày 4/8, tiếp nối những phản ứng gay gắt trên các mặt của Trung Quốc đối với chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lên án chuyến thăm, gọi đây là hành vi “thiếu trách nhiệm, phi lý” từ phía Mỹ.
Ông Vương khẳng định Trung Quốc luôn nỗ lực hết sức để ngăn chặn khủng hoảng nhưng sẽ không bao giờ cho phép những lợi ích cốt lõi bị ảnh hưởng.
Theo ông, các biện pháp đối phó hiện tại và tương lai của Trung Quốc đều là cần thiết và đã qua quá trình cân nhắc, đánh giá cẩn thận nhằm bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia cũng như phù hợp với luật pháp trong nước và quốc tế.