Ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ
0 giờ ngày 9/7, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Ðồng Nai bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội (GCXH) theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị 16). Một số địa phương khác ở phía nam cũng đang trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. Ðiểm chung của các địa phương là thực hiện nghiêm túc các quy định và bảo đảm không để đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh, nhất là tại các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN)...
Thực hiện nghiêm quy định
Tại TP Hồ Chí Minh, từ sáng ngày 9/7, hầu hết các cửa hiệu kinh doanh, quán ăn, quán giải khát, hàng rong ở nhiều khu vực đều đóng cửa, ngừng hoạt động. Người dân và các phương tiện lưu thông trên đường vắng vẻ, một số tuyến đường hầu như không có người qua lại. Một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm được phép mở cửa buôn bán đều thực hiện nghiêm thông điệp 5K. Trong khi đó, ghi nhận tại Ðồng Nai, từ sáng sớm 9/7, anh Nguyễn Thiện Nghĩa, chủ quán bánh canh trên đường Bùi Trọng Nghĩa, khu phố 2, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa (Ðồng Nai) đã treo bảng thông báo chỉ bán mang đi, không phục vụ tại bàn. Anh Nghĩa cho hay: “Biết rằng cuộc sống gia đình sẽ khó khăn hơn, nhưng giờ phải thực hiện tốt quy định của Nhà nước để góp phần đẩy lùi dịch bệnh nhanh qua, cuộc sống trở lại bình thường”.
Tại phường Trảng Dài, TP Biên Hòa (Ðồng Nai), nơi hơn 100 nghìn người sinh sống, thường ngày đông đúc, nhộn nhịp, nhưng vào sáng 9/7, lượng người ra đường giảm hẳn. Tuy vậy, tại một số khu vực chợ tự phát, người dân vẫn đến mua thực phẩm. Nhiều tuyến đường khác ở trung tâm TP Biên Hòa lượng phương tiện lưu thông ít hơn những ngày trước. Phần lớn các quán phục vụ ăn uống đều ngưng bán tại chỗ, chỉ bán mang đi... Ghi nhận chung, các loại hàng hóa thiết yếu, thực phẩm tươi sống tại các siêu thị, chợ, cửa hàng trên địa bàn tỉnh Ðồng Nai trong ngày 9/7 khá dồi dào.
Bảo đảm an toàn tại các KCX, KCN
Ngày 9/7, các DN đóng trong các KCX, KCN ở TP Hồ Chí Minh vẫn hoạt động bình thường. Thông tin từ bộ phận Công đoàn KCX Tân Thuận (quận 7) cho biết, sáng 9/7 có hai doanh nghiệp (DN) ở đây thông báo tạm cho toàn bộ công nhân nghỉ việc hai tuần cho đến khi có thông báo mới. Hai DN này có hơn hai nghìn công nhân. Trước đó, kết quả xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 toàn thể công nhân hai DN này đã phát hiện một số ca F0. Vì vậy, Ban Giám đốc hai DN này đã quyết định đóng cửa nhà máy, cho công nhân nghỉ việc nhằm giữ gìn sức khỏe cho người lao động (NLÐ) và phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, do thực hiện quyết định phong tỏa của UBND quận 7 để phòng, chống dịch Covid-19 đối với ba phường Tân Thuận Ðông, Tân Thuận Tây và Bình Thuận nên có khoảng 20 nghìn công nhân làm việc trong KCX Tân Thuận phải ở nhà.
Theo thông tin từ Ban Quản lý các KCX, KCN TP Hồ Chí Minh (Hepza), trong ngày 9/7, có năm nghìn công nhân thuộc một phân xưởng của một công ty đóng trong KCX Linh Trung (TP Thủ Ðức) yêu cầu lãnh đạo DN này cho họ nghỉ việc vì DN không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19. Lãnh đạo Hepza đã nắm bắt tình hình và tổ chức kiểm tra, xem xét. Nếu DN không bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch sẽ bị đóng cửa, khi nào khắc phục xong mới được hoạt động trở lại...
Tỉnh Ðồng Nai hiện có 32 KCN thu hút hơn 1.600 DN và hàng nghìn DN ngoài KCN với khoảng 1,2 triệu công nhân. Lãnh đạo tỉnh Ðồng Nai xác định, nếu để dịch bùng phát trong các KCN sẽ rất khó chống đỡ. Do đó, thời gian qua, địa phương và các DN đã thực hiện hàng loạt các giải pháp để chủ động phòng, chống và đưa ra kịch bản ứng phó trong trường hợp dịch xuất hiện. Công ty cổ phần Taekwang Vina ở Ðồng Nai có 40 nghìn lao động. Ngoài việc yêu cầu toàn thể NLÐ đi thẳng đến nhà máy rồi về nơi lưu trú, DN đã thuê nơi lưu trú tại Biên Hòa cho cán bộ, công nhân ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương để khuyến khích ở gần công ty; hỗ trợ mỗi lao động 1,5 triệu đồng thuê nhà và bố trí xe đưa rước từ nơi ở đến nơi làm việc. Công ty cũng lên phương án thuê sẵn phòng lưu trú gần DN để bố trí cho những lao động tại Biên Hòa dự phòng trường hợp nơi ở của họ bị phong tỏa.
Từ chiều 4/7, Công ty TNHH Daikan Việt Nam, KCN Amata (Ðồng Nai) đã bố trí cho 83 công nhân tạm lưu trú trong nhà máy. NLÐ ở lại, ngoài lương theo hợp đồng, công ty còn hỗ trợ mỗi ngày ba bữa ăn 120 nghìn đồng và 200 nghìn đồng tiền sinh hoạt phí. Toàn bộ công nhân cũng đã được lấy mẫu test nhanh. Phó Ban Quản lý các KCN Ðồng Nai Phạm Văn Cường cho biết: “Ðến chiều 9/7, có 14 DN trên địa bàn tỉnh thực hiện bố trí NLÐ tạm lưu trú tại DN. Hàng chục DN khác đang trình phương án bố trí NLÐ ở lại nơi sản xuất.
Tại Bình Dương, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào nhà máy, Công ty TNHH Ðiện tử Foster (KCN Việt Nam - Singapore 2, TP Thủ Dầu Một) đã chủ động sắp xếp chỗ ăn ở cho 700 công nhân lao động tại khu vực không sản xuất có sẵn tại công ty. Công ty đã trang bị máy lạnh, mua tặng NLÐ bộ mùng, mền, chuẩn bị đầy đủ về vật chất để bảo đảm điều kiện tốt nhất cho NLÐ sinh hoạt, làm việc. Với ba nhà máy có tám khu sản xuất giày da và túi xách tại Bình Dương, Công ty cổ phần Ðầu tư Thái Bình có 16.000 công nhân, trong đó có khoảng 300 công nhân cư trú tại TP Hồ Chí Minh. Công ty đã sắp xếp, tạo điều kiện cho NLÐ ở lại công ty sau thời gian làm việc và tạm dừng việc đưa rước cán bộ, công nhân từ TP Hồ Chí Minh.
Hơn hai tuần qua, từ khi thị xã Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) thực hiện Chỉ thị 16, Ban Giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp Cao-su Miền Nam đã họp bàn phương án cho 500 công nhân làm việc và ăn ở tại công ty. Ngay sau đó, công ty tiến hành mua sắm đồ đạc, lều trại, sắp xếp chỗ ở đầy đủ tiện nghi cần thiết cho NLÐ. Ðể phòng, chống dịch, ngăn ngừa mầm bệnh lây nhiễm vào DN, nhà máy phối hợp ngành y tế tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ công nhân. Trong quá trình sản xuất, vật tư đưa vào sản xuất cũng phải đi qua thang trượt ở cổng và khử trùng trước khi đến tay người nhận.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thị xã Tân Uyên, Lưu Thị Tuyết Trinh cho biết, đến ngày 8/7, trên địa bàn thị xã Tân Uyên đã có chín DN tổ chức cho công nhân ở lại nơi làm việc với 2.638 trong tổng số 4.851 lao động. Còn theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, đến chiều 8/7, đã có gần 50 DN trong và ngoài KCN tổ chức cho công nhân lao động ở lại công ty. Nhiều DN khác đang vận động công nhân làm việc và ở lại tại nhà máy. Tỉnh Long An hiện có khoảng 200 nghìn người đang làm việc tại 13.123 DN trong 16 KCN và 22 cụm công nghiệp. Ðể hạn chế thấp nhất tình trạng dịch bệnh lây lan trong các khu, cụm công nghiệp, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Long An đang kích hoạt tất cả các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất. Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ các chuyên gia, nhà quản lý và công nhân lao động tại các khu, cụm công nghiệp. Khuyến khích các DN thực hiện phương án sản xuất theo phương châm ba tại chỗ “sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ”...