Ngày đầu tiên của cô Thắm

Chiều nay (ngày 6/9), cô giáo Lê Thị Thắm, người bị khuyết đôi tay lần đầu chính thức đứng lớp, giảng dạy cho gần 40 em học sinh lớp 3B Trường Tiểu học và THCS Đông Thịnh (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Cô Thắm cho biết, bản thân khá lo lắng và hồi hộp khi những mong ước thủa nhỏ trở thành hiện thực.

Cô giáo Lê Thị Thắm bày tỏ sự lo âu trước giờ lên lớp. Ảnh: Đình Minh.

Cô giáo Lê Thị Thắm bày tỏ sự lo âu trước giờ lên lớp. Ảnh: Đình Minh.

Tất bật cho ngày trọng đại

Ngay từ sáng sớm tinh mơ, không khí tại gia đình ông Lê Xuân Ân, bà Nguyễn Thị Tình đã vô cùng tất bật. 2 ông bà dậy từ sớm để chuẩn bị đồ đạc tươm tất, áo quần gọn gàng cho con gái là Lê Thị Thắm (25 tuổi, trú thôn Đoàn Kết, xã Đông Thịnh) lên trường để nhận lớp.

Cô Nguyễn Thị Tình nhẹ nhàng cài quai mũ bảo hiểm cho con gái. Ảnh: Đình Minh

Cô Nguyễn Thị Tình nhẹ nhàng cài quai mũ bảo hiểm cho con gái. Ảnh: Đình Minh

Cô Thắm trông tươi tắn và rạng ngời trong ánh nắng ban mai khi chuẩn bị đón chào bước ngoặt vinh quang vô cùng lớn lao của cuộc đời. Thắm cho biết, trong sáng nay, bản thân sẽ lên trường để làm quen trước, sau đó chiều nay thì em có 2 tiết dạy tại lớp 3B.

Hai mẹ con lên xe, cùng nhau tới trường. Ảnh: Đình Minh

Hai mẹ con lên xe, cùng nhau tới trường. Ảnh: Đình Minh

“Trước khi đi dạy chính thức vào chiều nay thì nhà trường cũng đã bố trí cho em 2 buổi dạy thử để làm quen với môi trường và các thiết bị dạy học mới. Trước giờ phút trọng đạị, em cảm thấy rất hồi hộp, xen chút lo âu”, Thắm chia sẻ.

Trường Tiểu học và THCS Đông Thịnh, nơi cô Thắm sẽ giảng dạy. Ảnh: Đình Minh

Trường Tiểu học và THCS Đông Thịnh, nơi cô Thắm sẽ giảng dạy. Ảnh: Đình Minh

Sau khi đi qua từng lớp học, thấy các anh chị, cô chú, đồng nghiệp của mình đứng trên bục giảng, đôi mắt Thắm lại ánh lên sự ngưỡng mộ trong vô thức.

Khi đã cảm nhận được môi trường làm việc mới, cô Thắm cùng mẹ trở về nhà nghỉ trưa, chuẩn bị tinh thần cho lần đầu tiên chính thức đứng trên bục giảng.

Các bạn nhỏ giơ tay, xung phong phát biểu các câu hỏi của cô giáo Thắm. Ảnh: Đình Minh

Các bạn nhỏ giơ tay, xung phong phát biểu các câu hỏi của cô giáo Thắm. Ảnh: Đình Minh

Lúc 2 mẹ con trở về, ông Lê Xuân Ân, bố của Thắm dặn dò con gái nghỉ ngơi sớm để đảm bảo sức khỏe. Nhưng trong tâm hồn Thắm lúc này, thực sự đan xen nhiều cảm xúc.

12h30’, Thắm lấy chiếc laptop đã theo mình nhiều năm ra để xem lại giáo án. Đôi mắt của cô giáo trẻ ánh lên theo từng con chữ, soát từng lỗi chính tả để đảm bảo không có sai sót trong lần đầu tiên được đứng trên bục giảng trong một ngôi trường mơ ước của cuộc đời.

Cô giáo Thắm trả lời những đáp án của các em học sinh. Ảnh: Đình Minh

Cô giáo Thắm trả lời những đáp án của các em học sinh. Ảnh: Đình Minh

Thấy con gái lo âu, bà Nguyễn Thị Tình, mẹ của Thắm cũng không thể chợp mắt. Bởi vậy, khi đồng hồ vừa điểm 13h, bà Tình đã giục Thắm cất laptop, nhanh thay đồ để cùng mẹ sớm lên trường. 13h30’, hai mẹ con đã chuẩn bị mọi thứ xong, từ đôi dép vừa chân cho đến chiếc laptop và bộ sạc. Khẽ đeo mũ bảo hiểm lên đầu con, bà Tình như muốn nói gì đó nhưng rồi lại nghẹn lời.

Vững tin vào nghề giáo

Cô Thắm chia sẻ, lần đầu tiên chính thức đứng trên bục giảng nên còn nhiều cảm giác bỡ ngỡ. Ảnh: Đình Minh

Cô Thắm chia sẻ, lần đầu tiên chính thức đứng trên bục giảng nên còn nhiều cảm giác bỡ ngỡ. Ảnh: Đình Minh

13h35’, hai mẹ con có mặt tại Trường Tiểu học và THCS Đông Thịnh sau gần 5 phút ngồi trên xe máy. Nhà cách trường chỉ khoảng 2km nhưng bà Tình vẫn cố gắng có mặt tại trường sớm, bà muốn trong khoảnh khắc này, không có bất cứ trục trặc gì xảy ra.

Đây sẽ là những người học trò mà cô Thắm giảng dạy trên lớp. Ảnh: Đình Minh

Đây sẽ là những người học trò mà cô Thắm giảng dạy trên lớp. Ảnh: Đình Minh

13h45’, bác bảo vệ mở cửa, người mẹ đi xe máy vào trường, đỗ xe vào khu vực dành cho cán bộ giáo viên. Sau đó, hai mẹ con cùng nhau đi vào lớp, trên tay bà Tình không quên cầm chiếc laptop chứa giáo án môn tiếng Anh của con.

14h chiều, tiếng trống trường đã điểm, gần 40 em học sinh lớp 3B ngồi ngay ngắn thành 4 hàng, chờ đón cô giáo mới. Bước vào lớp, Thắm bất ngờ vì lời chào và tràng pháo tay của các bạn nhỏ dành cho mình.

Cô Thắm hào hứng với tiết dạy chính thức đầu tiên trong cuộc đời. Ảnh: Đình Minh

Cô Thắm hào hứng với tiết dạy chính thức đầu tiên trong cuộc đời. Ảnh: Đình Minh

Ngày đầu làm quen với lớp, Thắm không quên chào hỏi từng học sinh thân yêu, sẽ gắng bó với mình trong thời gian sắp tới. Sau khi đã cơ bản nhớ rõ tên và vị trí ngồi của từng bạn, cô Thắm bắt đầu dạy với đầu đề Listen and point (nghe và chỉ điểm). Từng bạn, từng bạn nhỏ được cô Thắm gọi đứng dậy để đọc bài, các em nghe lời và làm theo rõ hiệu lệnh của cô giáo Thắm.

Cô Thắm tập trung cho tới cuối tiết học. Ảnh Đình Minh

Cô Thắm tập trung cho tới cuối tiết học. Ảnh Đình Minh

Sau 45’ dạy học, tranh thủ giờ ra chơi, tôi tiến tới bắt chuyện để nghe chia sẻ của cô Thắm về lần đầu tiên đứng lớp chính thức. Cô Thắm nói, cảm giác này rất bỡ ngỡ, mới lạ, khác xa việc dạy học miễn phí tiếng Anh quy mô nhỏ như em từng làm ở nhà.

Khi quay trở lại tiết dạy tiếp theo, Thắm không quên nhấn mạnh với tôi rằng, từ ngày nhận quyết định chính thức trở thành giáo viên, em đã hiểu vai trò, vị trí của một nhà giáo. Vì vậy, em biết ngoài việc được xã hội quan tâm, giúp đỡ, em cũng phải làm gì đó để báo đáp, mà việc thiết thực nhất em đang làm là dạy học, đưa những kiến thức em có đến từng bộ não của học sinh.

Cô giáo Thắm xem lại slide bài giảng khi kết thúc 2 tiết dạy vào chiều nay (ngày 6/9). Ảnh: Đình Minh

Cô giáo Thắm xem lại slide bài giảng khi kết thúc 2 tiết dạy vào chiều nay (ngày 6/9). Ảnh: Đình Minh

Gần 4h chiều, cô Thắm kết thúc 2 tiết dạy của mình. Bà Tình đã chờ sẵn ở đó, bà đợi cô con cái bé bỏng của mình bước ra khỏi lớp rồi nhanh chóng tiến lại gần, đội mũ và đưa con lên xe, trở về nhà. Thắm chia sẻ, ngày hôm nay rất vui, tuy có hơi bỡ ngỡ nhưng được sự giúp đỡ của Ban Giám hiệu và các em học sinh nên tiết học diễn ra suôn sẻ, thuận lợi, đạt được như ý nguyện của em.

Việc viết và đánh máy tính bằng chân đã trở thành quen thuộc đối với cô giáo Thắm. Ảnh: Thanh Tùng.

Việc viết và đánh máy tính bằng chân đã trở thành quen thuộc đối với cô giáo Thắm. Ảnh: Thanh Tùng.

Thầy Lê Bá Lực, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS xã Đông Thịnh cho biết: Từ khi Thắm chính thức thuộc biên chế của nhà trường, các cán bộ giáo viên, lãnh đạo trong Ban Giám hiệu đều hết sức giúp đỡ và tạo điều kiện trong khuôn khổ tốt nhất để em ấy có thể bắt nhịp được với việc dạy. Đối với những giáo viên khác, tiêu chuẩn dạy mỗi tuần là 23 tiết nhưng do Thắm vừa vào, lại có một số hạn chế nhất định nên nhà trường ưu tiên, để em lựa chọn 10 tiết/tuần dạy học.

“Biết Thắm chỉ có thể ngồi, dùng chân để giảng bài nên theo nguyện vọng của em ấy, tôi đã thuê thợ làm một chiếc ghế cao hơn bình thường để em ngồi dạy học. Trước đó, để giúp em làm quen với môi trường mới, Ban Giám hiệu cũng đã bố trí để em dạy thử 2 buổi, kết quả cũng khá tốt. Hy vọng rằng, trên cương vị mới là một giáo viên, Thắm sẽ tiếp tục lan tỏa tinh thần vượt khó vươn lên, trở thành động lực và truyền dạy những kiến thức mình có cho từng học sinh”, thầy Lực tâm sự.

Đình Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ngay-dau-tien-cua-co-tham-5727614.html