Ngày đầu tiên Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, ngày 3-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn.

Quốc hội cũng thảo luận về kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các kế hoạch: đầu tư công trung hạn, tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án Hồ chứa nước Sông Than, tỉnh Ninh Thuận, dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng, kết quả thực hiện mục tiêu kép của Việt Nam là rất đáng ghi nhận, mức tăng trưởng từ 2-3% GDP là con số tuyệt vời trong bối cảnh đặc biệt của "năm Covid". Giá trị giải ngân đầu tư công cao hơn nhiều cùng kỳ các năm trước, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đại dịch Covid-19, tính ưu việt của thể chế chính trị và năng lực cạnh tranh cốt lõi của Việt Nam được tỏa sáng.

Trong phiên thảo luận của Quốc hội, nhiều ý kiến băn khoăn về sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình mới một lần nữa được các đại biểu đóng góp. Trong đó có ý kiến của đại biểu cho rằng: Đối với từng môn học cần thành lập một hội đồng thẩm định cấp quốc gia mới để đánh giá khách quan, minh bạch từng nội dung. Sách của nhóm tác giả nào sai sót thì chủ biên phải chịu trách nhiệm. Nếu buộc phải thu hồi vì sai sót phải chỉnh sửa, NXB phải cung cấp sách thay thế miễn phí cho học sinh. Thậm chí, có đại biểu cho rằng, có thể cần đến sự vào cuộc của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, ý kiến hình sự hóa này cũng bị đại biểu khác phản bác là chưa cần thiết.

Tiếp thu những góp ý trên, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Bộ đang có các biện pháp tích cực để chỉnh sửa, hoàn thiện chương trình sách giáo khoa mới.

Chiều cùng ngày, với 429/431 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 89% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM.

P.V (tổng hợp)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tintuc/202011/ky-hop-thu-10-quoc-hoi-khoa-xiv-ngay-dau-tien-quoc-hoi-thao-luan-ve-kinh-te-xa-hoi-3029069/