Ngày đêm chênh lệch 15 độ C, bệnh nhân đột quỵ gia tăng
Nhiệt độ ngày đêm chênh lệch quá lớn có thể gây ra các bệnh về hô hấp, tim mạch, đột quỵ. Trẻ em và người cao tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Nhiệt độ miền Bắc đang có sự chênh lệch giữa ngày và đêm rất rõ rệt. Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương ngày 10/12, nhiệt độ cao nhất tại Hà Nội rơi vào khoảng 24-25 độ C vào ban ngày, trong khi đó, nhiệt độ thấp nhất vào ban đêm và sáng sớm chỉ dao động khoảng 9 độ C, chênh lệch 15-16 độ C. Điều này gây tác động rất lớn tới sức khỏe người dân.
Trẻ em nhập viện vì cúm mùa, các bệnh đường hô hấp
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi tuần, các bác sĩ tiếp nhận từ 130-150 bệnh nhi đến khám và điều trị vì cúm mùa. Trung tâm Y học lâm sàng và Các bệnh nhiệt đới trẻ em hiện điều trị cho trên 30 bệnh nhi mắc cúm mùa. Đa số ca nhập viện đều biến chứng sang viêm phổi, trong đó, có trẻ chỉ vài tháng tuổi mắc cúm biến chứng rất nặng.
PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cảnh báo thời tiết hiện nay đêm và sáng lạnh sâu, ngày hửng nắng, chênh lệch nhiệt độ cao, trẻ em dễ mắc các bệnh như viêm mũi họng, viêm phổi. Vì vậy, cha mẹ cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ mũi, họng cho trẻ, đặc biệt chú ý đến quần áo mặc cho trẻ trong khi thay đổi môi trường nóng - lạnh.
BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết: “Ban ngày nóng bức nên trẻ thường mặc quần áo phong phanh. Vào ban đêm, khi trẻ không được giữ ấm cơ thể, nhiệt độ xuống thấp sẽ làm khô lớp niêm mạc đường thở. Lớp niêm mạc này tổn thương khiến chức năng đào thải chất tiết bị tổn hại. Chất tiết dồn ứ trong đường thở sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây viêm đường hô hấp”.
Ngoài ra, người nhạy cảm với thời tiết và người trưởng thành cũng rất dễ bị viêm xoang do xoang mũi bị tổn thương.
Bệnh nhân đột quỵ tăng đột biến
Thống kê của Trung tâm Đột quỵ não - Bệnh viện Thanh Nhàn - cũng cho thấy trung bình số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ vào mùa lạnh tăng 15-30%. Đột quỵ do nhiều yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, loạn nhịp tim, bệnh van tim...
Trong hai ngày cuối tuần vừa qua (7 và 8/12), Bệnh viện Thanh Nhàn đã tiếp nhận điều trị cho gần 20 bệnh nhân nhập viện do đột quỵ. Riêng ngày 9/12, số lượng bệnh nhân tiếp tục tăng do trời ngày càng rét.
Tương tự, tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Quân y 103, cũng ghi nhận nhiều người cao tuổi nhập viện điều trị do đột quỵ hoặc các bệnh về tim mạch, hô hấp, xương khớp...
PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho hay thời tiết quá lạnh làm các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ phát huy, tác động mạnh mẽ đến người bệnh, khiến nguy cơ đột quỵ cao hơn.
“Đột quỵ phải có yếu tố nguy cơ, các điều kiện mới xảy ra. Các yếu tố nguy cơ phải kể đến cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, rối loạn nhịp tim, hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu, béo phì... Nếu bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ, gặp điều kiện thời tiết khắc nghiệt, dễ bị đột quỵ”, ông Chi cho biết.
Nhiệt độ cao vào ban ngày có thể khiến cơ thể mất nước, hạ huyết áp. Ngược lại, nhiệt độ quá lạnh gây co mạch ngoại biên, tăng huyết áp. Sự thay đổi này càng đột ngột, càng chênh lệch lớn, nguy cơ đột quỵ càng cao.
Ngoài ra, thời tiết lạnh dễ đẫn đến hình thành huyết khối trong lòng mạch máu, tăng nguy cơ tổn thương tim mạch. Do đó, người lớn tuổi và người trưởng thành nên mặc đủ ấm vào ban đêm, đủ mát vào ban ngày và bổ sung nước thường xuyên khi trời nóng. Tránh ra trời lạnh đột ngột vào buổi sáng, nhất là khi vừa ngủ dậy.
Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các bệnh viện của thành phố chuẩn bị đầy đủ phương tiện phòng, chống rét cho người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết ngoài việc đề nghị các cơ sở y tế có biện pháp chống rét cho người bệnh đến khám, điều trị, Sở Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện phải bố trí đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện cấp cứu để kịp thời xử lý các trường hợp mắc các bệnh đột ngột do cảm lạnh, viêm đường hô hấp cấp...