Ngày Gia đình Việt Nam 28/6: 'Lá chắn' trước tệ nạn xã hội

'...Ba mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con...' - lời bài hát Cho con của nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, phổ thơ Tuấn Dũng không chỉ là một câu trong bài hát dành cho thiếu nhi mà đó còn là thông điệp gửi đến mỗi người, mỗi gia đình, để mỗi bậc làm cha, làm mẹ cần nêu cao hơn trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ, chăm lo, giáo dục con trẻ, xây dựng gia đình hạnh phúc, yên vui, từ đó góp phần xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ.

Cùng tham gia hoạt động TDTT góp phần rèn luyện sức khỏe, thắt chặt mối liên kết giữa các thành viên trong gia đình.

Cùng tham gia hoạt động TDTT góp phần rèn luyện sức khỏe, thắt chặt mối liên kết giữa các thành viên trong gia đình.

“Tổ ấm” của mỗi người

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Gia đình là “tế bào của xã hội”, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 375.472 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (chiếm 90,8%); 2.169 khu đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa (chiếm 93,1%).

Xuất phát từ những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, gia đình luôn được ví là “tổ ấm”, là bến đỗ bình yên cho mỗi thành viên. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, với những tác động mặt trái của kinh tế thị trường, trong gia đình, sợi dây gắn kết giữa các thành viên ngày càng lỏng lẻo, khoảng cách giữa các thế hệ ngày càng lớn, tiếng nói, quan điểm chung dần thưa vắng... đã tạo cơ hội cho tệ nạn xã hội len lỏi vào mỗi gia đình.

Một vài ví dụ điển hình, ngày 28/2, Công an huyện Thanh Thủy kiểm tra nhà ở của bà Phùng Thị D (khu 5, xã Thạch Đồng) và phát hiện một nhóm gồm 5 nam, một nữ đang sử dụng ma túy tổng hợp (thuốc lắc và Ketamine). Đáng buồn vì con trai chủ nhà chính là người đi mua ma túy về để cùng các đối tượng khác sử dụng tại nhà mình. Nếu trong ngôi nhà ấy, những người lớn dành nhiều thời gian hơn cho con trẻ, có lẽ, vòng xoáy tội lỗi đã không có cơ hội ghé đến.

Cũng liên quan đến ma túy, nhằm tránh sự quản lý của gia đình, Đỗ Thị Như Quỳnh (sinh năm 2007, ở khu Chiềng 2, xã Thu Cúc), Hà Minh Duy (sinh năm 2003) và Nguyễn Quang Thái (sinh năm 2006) đều ở xã Tân Phú, huyện Tân Sơn thuê 1 nhà trọ tại xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn để sử dụng ma túy. Các đối tượng này bị Tổ công tác Đội CSĐT tội phạm về kinh tế, ma túy, Công an huyện Tân Sơn phối hợp Công an xã Thạch Kiệt kiểm tra, phát hiện ngày 13/5... Qua đấu tranh, khai thác, bước đầu các đối tượng khai nhận có sử dụng ma túy do Đỗ Thị Như Quỳnh mua về.

Thực tế, những người vướng vào tệ nạn xã hội thường có gia đình không hạnh phúc, thiếu vắng sự quan tâm của người thân... Hiện số lượng tội phạm ở độ tuổi thanh niên, thiếu niên đang có xu hướng gia tăng; số vụ bạo lực gia đình, ly hôn ngày càng nhiều và trẻ hóa; tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục, đuối nước vẫn xảy ra... Đằng sau đó là nỗi ám ảnh của bao phận người, nỗi đau của bao gia đình.

Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, tránh tệ nạn xã hội cho giáo viên và học sinh Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh (huyện Thanh Sơn).

Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, tránh tệ nạn xã hội cho giáo viên và học sinh Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh (huyện Thanh Sơn).

Xóa dần “khoảng tối”

Theo thống kê của Tòa án Nhân dân tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2024, Tòa án Nhân dân các cấp đã thụ lý 1.864 vụ về hôn nhân và gia đình, xử lý 1.303 vụ. Và khi gia đình không còn là “tổ ấm”, những “cánh chim nhỏ” dễ “lạc bầy”, sa ngã. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, có 2 đối tượng từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi, 52 đối tượng từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, 75 đối tượng từ 18 đến 30 tuổi bị Tòa án Nhân dân các cấp xử lý hình sự.

Ông Nguyễn Bình - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh cho biết: Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội đã được thực hiện quyết liệt với sự nỗ lực tham gia của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân, của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, tình hình tệ nạn xã hội vẫn có diễn biến phức tạp, các đối tượng hoạt động tinh vi, trá hình, lợi dụng công nghệ, nhất là hoạt động qua không gian mạng nhằm lôi kéo, tổ chức, trao đổi, liên lạc... Đặc biệt là có nhiều loại ma túy mới, đồng nghĩa với việc các đối tượng có nhiều cách lôi kéo người sử dụng ma túy, đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội.

Ở góc độ quản lý nhà nước, trong năm 2023, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các cơ quan, các ngành tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để rà soát, chủ động nắm tình hình các tụ điểm, ổ nhóm, đường dây, tổ chức hoạt động mại dâm để từ đó tìm ra nguyên nhân, đưa ra giải pháp nhằm từng bước giảm tệ nạn xã hội này trên địa bàn tỉnh. Các tệ nạn xã hội cũng giống như virus gây ra dịch bệnh, thường “nhắm” tới những đối tượng có đề kháng yếu, sức khỏe yếu, thiếu khả năng phòng, tránh và khắc phục, do đó, để “phòng bệnh”, không để phát sinh tệ nạn thì mỗi gia đình phải trở thành tấm “lá chắn” bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên trong gia đình.

Để tệ nạn xã hội không có cơ hội len lỏi vào đời sống, cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của các tầng lớp nhân dân, thông qua việc ủng hộ, hỗ trợ, hưởng ứng tham gia các chương trình hành động nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng về nguyên nhân, tác hại, hậu quả... do tệ nạn xã hội gây ra. Mạnh dạn tố giác, rà soát, thống kê người mắc tệ nạn xã hội để phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tổ chức giáo dục, giáo dưỡng, phục hồi nhân phẩm và cai nghiện bắt buộc. Cùng với biện pháp giáo dục, cảm hóa các đối tượng có liên quan đến tệ nạn như: Tổ chức đào tạo nghề, tạo cơ hội, giúp đỡ đối tượng mắc tệ nạn xã hội hòa nhập cộng đồng, lực lượng chức năng cần tổ chức nhiều hơn nữa các đợt cao điểm đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, tội phạm về mại dâm và mua bán người để từng bước kiềm chế, đẩy lùi tệ nạn xã hội. Mặc khác, cần áp dụng “dĩ bất biến” để “ứng vạn biến”, tức là dùng những giá trị tốt đẹp, cốt lõi trong văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa gia đình, dòng họ để xây dựng gia đình văn hóa, no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc; đẩy mạnh Phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”... để tiếp tục phát triển, nhân rộng vai trò, tầm ảnh hưởng, bao quát của gia đình đối với các vấn đề xã hội. Đồng thời tăng cường tuyên truyền và thành lập, tổ chức hoạt động câu lạc bộ, nhóm, mô hình về gia đình; các hoạt động TDTT, văn hóa, văn nghệ; các đề án, chương trình tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội... Tất cả góp phần đắc lực trong việc bảo vệ các thành viên mỗi gia đình, nhất là trẻ vị thành niên trước tệ nạn xã hội.

Lê Hoàng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/ngay-gia-dinh-viet-nam-28-6-la-chan-truoc-te-nan-xa-hoi-214542.htm