Ngày giỗ Tổ kể chuyện văn hóa Đền Hùng Nam Thái Sơn

Kiên Giang có 2 đền thờ Hùng Vương, đều mang ý nghĩa lớn lao trong đời sống tinh thần của người dân Kiên Giang nhiều năm qua. Riêng đền thờ Hùng Vương ở Kênh 3, xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất còn là nơi lưu giữ những giá trị thiêng liêng về tình người, tình đất.

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba”.

Câu ca dao ấy cũng như ý nghĩa của ngày giỗ Tổ Hùng Vương đã khắc sâu vào tâm thức của mỗi người dân Việt ngay từ khi còn bé.

Dân tộc Việt Nam luôn tự hào về nòi giống Rồng Tiên cũng rất tự hào với bề dày lịch sử các triều đại Vua Hùng dựng nước. Trải qua mấy ngàn năm văn hiến, mỗi thế hệ kế thừa đều ghi nhớ công lao, tôn thờ Hùng Vương làm Quốc tổ. Lễ giỗ Tổ hàng năm là dịp để nhân dân tụ hội về Đền Hùng dâng hương, cúng bái thể hiện lòng biết ơn, nhớ về nguồn cội.

Hàng ngàn năm nay, Đền Hùng được xem là nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước. Phong tục thờ cúng Vua Hùng trở thành một nét văn hóa tín ngưỡng dân gian đặc sắc của Việt Nam. Hiện cả nước có đến khoảng 2.000 đền thờ Hùng Vương (nguồn: dangcongsan.vn) và tất cả đều tổ chức lễ giỗ vào mùng 10 tháng 3 âm lịch.

Từ năm 2007, ngày giỗ Tổ Hùng Vương chính thức được Nhà nước ta công nhận là ngày Quốc lễ. Năm 2012, lễ hội Đền Hùng được cả thế giới biết đến khi được UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Ngày giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn mà còn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam trước bạn bè thế giới.

Ngôi chính điện Đền Hùng Nam Thái Sơn sau nhiều lần trùng tu, mở rộng, nay đã khang trang hơn nhiều so với trước. Ảnh: THU HƯƠNG

Tỉnh Kiên Giang có 2 đền thờ Hùng Vương, một đền ở huyện Tân Hiệp và một đền ở huyện Hòn Đất. 2 ngôi đền mang ý nghĩa lớn lao trong đời sống tinh thần của người dân Kiên Giang nhiều năm qua. Riêng đền thờ Hùng Vương ở Kênh 3, xã Nam Thái Sơn (Đền Hùng Nam Thái Sơn), huyện Hòn Đất còn là nơi lưu giữ những giá trị thiêng liêng về tình người, tình đất.

Từ khi mới thành lập ngôi đền đến nay, hàng năm cứ đến những ngày đầu tháng 3 âm lịch, nhiều người dân ở huyện Hòn Đất, đặc biệt là cư dân xã Nam Thái Sơn tranh thủ thu xếp việc nhà để đến Đền Hùng Nam Thái Sơn góp công, góp của, phụ giúp Ban quản lý đền chuẩn bị các thứ phục vụ ngày giỗ Tổ. Từ những việc làm đơn giản ấy đã góp phần hình thành nét văn hóa cộng đồng, thể hiện tinh thần gắn kết của nhân dân.

Bàn thờ Vua Hùng trong ngày giỗ, vật phẩm, nhang đèn được bày trí trang nghiêm. Ảnh: THỦY TIÊN

Ngược dòng quá khứ để chúng ta hiểu hơn về vùng đất, con người cùng giá trị lịch sử, tinh thần của Đền Hùng Nam Thái Sơn.

Xã Nam Thái Sơn được thành lập từ năm 1947. Trước khi lập xã, Nam Thái Sơn là vùng đất phèn, hoang hóa của làng Sóc Sơn, thuộc tứ giác Long xuyên, thiên nhiên khắc nghiệt. Đầu thập niên 40 của thế kỷ XX, lưu dân từ 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình đến đây khai hoang, phục hóa, lập làng cư trú. Từ nguồn gốc định cư đó đã hình thành nên địa danh Nam Thái Sơn, chữ ghép từ “Nam Định - Thái Bình - Sóc Sơn”.

Trong văn hóa định cư của người Việt nói chung, những ngôi đình, chùa, miếu thường được dựng nên cùng với quá trình khai hoang, cư trú. Họ thờ cúng các vị thần thánh siêu nhiên làm chỗ dựa tinh thần và làm nơi sinh hoạt của cộng đồng làng xã. Riêng với cư dân Nam Thái Sơn, họ lập đền thờ Vua Hùng để vừa làm nơi tín ngưỡng vừa tưởng nhớ về quê cha, đất tổ.

Một nhà bia trong khu tưởng niệm ở Đền Hùng Nam Thái Sơn. Ảnh: THU HƯƠNG

Ban đầu, ngôi đền được dựng nên bằng cây lá đơn sơ. Tuy vậy, nơi thờ phụng này được người dân hết lòng tôn kính, chăm nom. Bởi buổi đầu định cư trên mảnh đất hoang vu, kém màu mỡ, chiến tranh hoành hành, đền thờ Vua Hùng là nơi để nhân dân Nam Thái Sơn nương tựa tinh thần, nguyện cầu an lạc. Đồng thời, Vua Hùng là biểu tượng để các thế hệ đời sau tiếp nối truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Đền Hùng Nam Thái Sơn được trưng dụng làm nơi giao liên, hội họp của cách mạng. Ngôi đền nhiều lần bị bom đạn của giặc làm sập đổ, hư hao. Nhiều lần, dân làng cùng nhau dựng lại.

Khi đất nước yên bình, ngôi đền trở thành một chứng tích của lịch sử đấu tranh. Trải qua nhiều đợt trùng tu, tôn tạo, diện mạo ngôi đền hiện nay được khang trang, khuôn viên thoáng đảng.

Được sự chấp thuận của chính quyền địa phương, sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân, Ban quản lý Đền Hùng Nam Thái Sơn cho xây dựng thêm khu tưởng niệm ngay bên cạnh ngôi đền, nhằm để ghi nhớ công lao của những bậc tiền nhân có công khai khẩn, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng liệt sĩ đã nằm xuống nơi đây cùng tất cả những người con của quê hương Hòn Đất đã hy sinh trong kháng chiến. Hàng ngàn họ tên được trang trọng khắc trên bia đá, lưu giữ trăm năm, làm nơi về nguồn cho hậu bối.

Người dân thắp nhang tại khu tưởng niệm ở Đền Hùng Nam Thái Sơn. Ảnh: THỦY TIÊN

Ban Quản lý ngôi Đền Hùng Nam Thái Sơn cho biết, cư dân Nam Thái Sơn, đặc biệt là thân nhân của những người có tên trên bia đá đến khu tưởng niệm thắp hương đều bày tỏ niềm vui, hài lòng với sự tri ân thành kính này; cùng với đó là niềm tự hào, trân quý… Đến lễ giỗ Tổ hàng năm, hàng ngàn lượt khách trong và ngoài huyện đến đây tưởng niệm. Những người con của quê hương Nam Thái Sơn dù ở nơi đâu cũng quy tụ về đây để dâng hương, ôn lại truyền thống đấu tranh và mở đất của tổ tiên ngày trước.

Đền Hùng Nam Thái Sơn không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương, mà còn là chứng tích của quá trình khai khẩn định cư, đấu tranh và phát triển của quê hương này. Cũng từ đây, tập quán, lối sống của cư dân 2 miền Nam - Bắc được giao thoa hình thành nên nét văn hóa đặc trưng, riêng biệt của một vùng quê phương Nam.

THỦY TIÊN

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//van-hoa-the-thao/ngay-gio-to-ke-chuyen-van-hoa-den-hung-nam-thai-son-13622.html