Ngày hè và nguy cơ đuối nước ở trẻ nhỏ

Ngày 3/7, UBND thị trấn Phong Nha (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) cho biết, trên địa bàn thị trấn có một em học sinh lớp 3 đuối nước tử vong thương tâm. Nạn nhân là em T. (9 tuổi, học sinh lớp 3 trường Tiểu học số 3 Phong Nha).

Một bệnh nhi đuối nước điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương. Nguồn: BVCC.

Một bệnh nhi đuối nước điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương. Nguồn: BVCC.

Trước đó, vào khoảng 15h30 ngày 2/7, một nhóm gồm 3 em học sinh rủ nhau ra đoạn sông Hà Vàng (sông Son, thuộc thị trấn Phong Nha) để tắm. Trong lúc tắm, em T. không may bị nước cuốn trôi. Phát hiện sự việc, 2 em còn lại đã nhờ sự giúp đỡ của người lớn đến hiện trường tìm kiếm. Chiều cùng ngày, lực lượng chức năng đã tìm thấy em T. nhưng đã tử vong.

Ngày 2/7, một lãnh đạo UBND xã Ia Rsai (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) cũng cho biết, trên địa bàn xã vừa xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 3 cháu nhỏ tử vong. Cụ thể: khoảng 16 giờ ngày 1/7, bà E. (trú tại buôn Puh Chik, xã Ia Rsai) không thấy con tại chòi rẫy thuộc buôn Pan (xã Ia Rsai) nên đã đi tìm. Trong lúc tìm kiếm, bà E. bàng hoàng phát hiện 3 cháu nhỏ gồm con trai của mình (sinh năm 2019) và 2 cháu hàng xóm đã bị đuối nước tại hố nước trong rẫy của gia đình. Được biết, hố nước xảy ra vụ đuối nước được người dân tự đào để phục vụ sản xuất.

Cũng trong ngày 2/7, tại Nghệ An ghi nhận trường hợp em Nguyễn Văn H. (17 tuổi, trú tại xã Long Sơn, huyện Anh Sơn) bị đuối nước khi cùng gia đình đi tắm ở khu vực bãi sông Giăng. Gia đình cố hết sức cứu H. và nhanh chóng đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng H. đã không qua khỏi.

Tại Việt Nam, trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á vàcao gấp 10 lần các nước phát triển.

Tỷ lệ tử vong do đuối nước rất cao, ở khu vực nông thôn cao gấp 4 lần so với khu vực thành thị. Đuối nước chủ yếu xảy ra tại cộng đồng, chiếm tới 77,6% (ao, hồ, sông, suối, hồ, biển, ngã xuống hố ga, hồ xây dựng, 15,8% xảy ra tại gia đình và 6,6% tại nơi khác). Đuối nước xảy ra chủ yếu vào những tháng học sinh nghỉ hè.

Theo TS Phan Hữu Phúc - Viện trưởng Viện Đào tạo và nghiên cứu sức khỏe trẻ em (BV Nhi trung ương), đuối nước có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, kể cả những người bơi thành thạo cũng có thể bị đuối nước. Nhưng phổ biến nhất là trẻ rủ nhau tắm, khi một cháu bị đuối nước, các cháu còn lại tìm cách cứu nhau hoặc bám giữ nhau dẫn đến có vụ nhiều cháu tử vong một lúc.

Tai nạn đuối nước còn do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi. Thực tế đã ghi nhận những trường hợp trẻ đã biết bơi nhưng khi gặp tai nạn vẫn không thể tự cứu mình, do không được trang bị kỹ năng: gọi người đến cứu, sử dụng các dụng cụ cứu hộ như phao cứu sinh, gậy, dây... để hỗ trợ nạn nhân

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ngay-he-va-nguy-co-duoi-nuoc-o-tre-nho-5722193.html