Ngày hoàn lương rất gần của người đàn bà khoác áo chung thân

Nhắc đến những lần phạm tội, Vũ Thị Thúy, SN 1975, trú tại Thái Thụy, Thái Bình bảo do hoàn cảnh đưa đẩy. Nhưng khi đối mặt với bản án chung thân về tội ma túy, Thúy day dứt vì đã đánh mất tất cả...

Phạm nhân Vũ Thị Thúy bảo sẽ học vững nghề may để hoàn lương

Phạm nhân Vũ Thị Thúy bảo sẽ học vững nghề may để hoàn lương

Đôi lần mắc lỗi, đánh mất cả thanh xuân

Ở trong trại giam, khi những ngày trở về cuộc sống hoàn lương đang rất gần, nhưng nhắc đến quãng thời gian đã qua phạm nhân Vũ Thị Thúy, SN 1975, trú tại Thái Thụy, Thái Bình bảo rằng chưa thôi ân hận. Bởi bàn tay và suy nghĩ của cô đã khiến cho gia đình tan nát, các con thiếu đi bàn tay chăm sóc của mẹ trong thời gian quan trọng nhất của cuộc đời.

Theo lời của phạm nhân Vũ Thị Thúy thì chị ta có một cuộc sống không mấy bằng phẳng. Khi quê ở Thái Bình nhưng cô theo chồng về làm dâu ở Hưng Yên. Do học hành không đến nơi đến chốn nên sau khi lấy chồng, hai vợ chồng Thúy cũng chỉ lao động chân tay, ai thuê gì làm nấy. Ngoài ra, vợ chồng Thúy cũng làm ruộng, nhưng thu nhập cũng chẳng được là bao thành ra kinh tế gia đình luôn bị thiếu hụt. Không những vậy, khi con gái lớn của Thúy chào đời chưa được bao lâu thì trong một lần đi làm, chồng cô bị tai nạn. Chạy vạy vay mượn khắp mọi nơi để lo tiền thuốc thang cho chồng, Thúy gầy rộc đi. Đứa con nhỏ quấy khóc vì khát sữa. Đang trong lúc túng quẫn thì Thúy được một thanh niên tỉ tê bán hộ heroin, mỗi tép họ sẽ được trả công 30 ngàn đồng, bán nhiều sẽ đủ trang trải cuộc sống. Nghe bùi tai, Thúy đã làm theo.

Vậy là những ngày ở bệnh viện chăm chồng, tranh thủ lúc rảnh rỗi, chị ta lại ra cổng bệnh viện nhận heroin từ người thanh niên kia rồi bán lẻ lại cho các con nghiện. Nhưng cuộc sống khá giả chưa thấy đâu, nhưng chẳng bao lâu sau sự việc bị phát hiện, Thúy bị bắt và bị kết án 9 năm tù nhưng do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên Thúy được hoãn thi hành án.

Sau đó, Thúy được một người em rủ đi buôn hàng nông sản. Người đó thường lên vùng cao ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, thu mua ngô, đỗ, lạc rồi đem về đổ buôn cho các đại lý, các sạp hàng ở các chợ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Thúy được giao nhiệm vụ áp tải hàng về Hưng Yên sau đó đưa đi các chợ và thu tiền hàng. Chồng Thúy lúc này vết thương cũng khỏi, đã bắt đầu nhúc nhắc đi làm. Cuộc sống gia đình vì thế cũng dễ thở hơn trước. Cứ tưởng gia đình đã có kinh tế, với bản án trước đó, Thúy sẽ lấy đó là bài học răn mình để sửa sai. Nhưng cô đã không bằng lòng, để rồi phải đối diện với mức án cao.

Theo đó, trong một lần đi vận chuyển ngô về Hưng Yên, Thúy được một thanh niên nhờ cầm hộ 1 bánh heroin về bến đò Phong Trù, đóng trên địa bàn xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) với giá 2 triệu đồng tiền công. Nghĩ bánh ma túy nhỏ con, có thể cất giấu trong bao ngô mà không ai phát hiện ra, Thúy đã đồng ý.

Trong thâm tâm, người đàn bà quê mùa ấy chỉ nghĩ đơn giản rằng ai cũng biết mình đi buôn hàng nông sản, lần đầu mang hàng cấm chắc không ai để ý nên đã tặc lưỡi. Không may cho chị ta, chuyến xách hàng thuê ấy đã không đi đến đích. Thúy bị bắt khi vừa đi đến địa phận huyện Thanh Trì, Hà Nội. Bản án 9 năm tù chưa thi hành, giờ lại thêm tội vận chuyển 1 bánh heroin, với cả hai lần phạm tội, Thúy bị TAND thành phố Hà Nội tuyên án phạt chung thân. Sững sờ trước mức án của mình, Thúy như gục ngã. Đúng lúc này chị biết mình đang mang thai đứa con thứ hai. “Tôi không được hoãn thi hành án nên đã sinh con trong trại. Cháu ở với mẹ đến 3 tuổi thì về với bố”, Thúy kể.

Mong sẽ học nghề trong trại giam để hoàn lương

Thi hành bản án chung thân tại trại giam, Thúy bảo rằng thời gian đầu chồng chị còn lên thăm, mang theo cả đứa con gái bé bỏng để cô ta được ôm ấp cho đỡ nhớ. Nhưng nhiều năm nay, Thúy không nhận được thông tin về gia đình. Theo cán bộ quản giáo nơi Thúy cải tạo, Thúy không phải là phạm nhân duy nhất sinh con ở trại giam nhưng chị lại là người đáng thương bởi không được gia đình thăm hỏi. Theo thông tin thì ngày Thúy nhập trại, bố mẹ lần lượt qua đời. Anh chị em đều nghèo khó nên một hai năm đầu người chị khá giả nhất còn vào thăm nhưng từ ngày người chị này mắc bệnh hiểm nghèo rồi qua đời, Thúy chẳng có người thăm gặp. Vì thế, nhiều năm nay Thúy không nhận được quà của gia đình, nhất là thông tin về hai đứa con.

Cũng theo cán bộ quản giáo thì trong trại, có thời điểm không nhận được thư nhà, quẩn quanh với những suy nghĩ tiêu cực nên nhiều lúc Thúy hành động như một người khác, bất cần và phá phách. Vì vậy, có khoảng thời gian, Thúy liên tục vi phạm nội quy, thường xuyên bị gọi lên nhắc nhở. Để giúp phạm nhân này yên tâm cải tạo, cán bộ trại đã kéo Thúy vào các hoạt động của trại như tham gia làm trong tổ tự quản, đóng góp các tiết mục văn nghệ hay tham gia các hoạt động thể theo trong trại.

Bên cạnh đó, cũng phân công những phạm nhân cùng buồng gần gũi động viên khuyên nhủ và chia sẻ với Thúy… Mặt khác, những dịp lễ Tết, Thúy cũng được quan tâm, động viên. Cảm nhận được tình cảm cũng như sự quan tâm của cán bộ quản giáo trại giam và giúp đỡ của phạm nhân khác, Thúy đã dần thay đổi. Phạm nhân Vũ Thị Thúy đã rũ bỏ được sự mặc cảm, không còn tiêu cực và bi quan như trước.

Đến nay, sau nhiều nỗ lực cải tạo, phạm nhân Vũ Thị Thúy đã được xuống án có thời hạn. “Ngày về của tôi cũng rất gần. Tôi mong mỏi được nhận tin của các con, để lấy đó là động lực phấn đấu cải tạo tiếp quãng đường còn lại...”, phạm nhân Vũ Thị Thúy chia sẻ.

Nhắc đến việc sau này ra trại, Thúy dự định làm gì? Người phụ nữ này bảo rằng, cô chỉ mong được gặp các con và sẽ cố gắng học nghề trong trại giam. Có thể, sẽ học vững nghề may, để sau này ra trại, mong được xã hội bao dung và cô có thể xin vào khu công nghiệp làm việc. Nếu được như thế, thì cô có cơ hội để bù đắp những thiệt thòi cho các con và cũng để quên đi những chuỗi ngày dằn vặt...

Nguyễn Vũ - Hà My

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ngay-hoan-luong-rat-gan-cua-nguoi-dan-ba-khoac-ao-chung-than-265684.html