Ngày hội của người lao động trên vùng biên giới Tây Nguyên

Hội thi 'Thợ giỏi khai thác mủ cao su' do Binh đoàn 15 tổ chức mới đây không chỉ là ngày hội của công nhân, người lao động nơi biên giới, mà còn là dịp để đánh giá những thành quả đạt được, tuyên dương hơn 10.000 thợ khai thác mủ cao su, 56 tuyển thủ về dự hội thi, đồng thời tôn vinh 8 thợ cạo mủ cao su tiêu biểu nhất, đã giành giải 'Bàn tay vàng' tại các đơn vị. Họ là những người thợ ngày đêm bám vườn cây, chắt chiu từng đường cạo để đem về dòng nhựa trắng góp sức xây dựng vùng biên giới giàu đẹp.

Trong quá trình sản xuất, kỹ thuật khai thác mủ cao su là một trong những yếu tố quan trọng quyết định năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, kinh doanh nên Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh đoàn 15 chỉ đạo các đơn vị hướng về cơ sở, thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo nhằm nâng cao tay nghề cho đội ngũ thợ khai thác, cho công nhân, người lao động, để họ làm chủ vườn cây, chia sẻ khó khăn và gắn bó với đơn vị.

 Lãnh đạo, chỉ huy Binh đoàn 15 động viên các tuyển thủ tham gia Hội thi “Thợ giỏi khai thác mủ cao su”.

Lãnh đạo, chỉ huy Binh đoàn 15 động viên các tuyển thủ tham gia Hội thi “Thợ giỏi khai thác mủ cao su”.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, năm 2020, binh đoàn đã tổ chức đào tạo mới và đào tạo lại gần 7.700 lượt thợ cạo mủ cao su. Các tuyển thủ về dự Hội thi “Thợ giỏi khai thác mủ cao su” năm nay cũng được tuyển chọn trong số đó. Nhờ tinh thần vượt khó, phát huy nội lực để vươn lên, cán bộ, công nhân, người lao động của Binh đoàn 15 duy trì và khai thác có hiệu quả hơn 44.000ha cao su, thu hút và giải quyết việc làm cho gần 17.000 lao động, trong đó có hơn 8.000 lao động là con em đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ có thu nhập ổn định.

Tham gia hội thi là dịp để hàng nghìn công nhân, người lao động, nhất là đội ngũ thợ cạo mủ cao su chia sẻ những tâm tư, tình cảm cũng như những trăn trở, tâm huyết với nghề. Lần đầu tiên dự thi và đoạt giải nhất cấp công ty, được đồng chí Tư lệnh Binh đoàn 15 biểu dương, vinh danh, anh Rơ Mah Tiến (26 tuổi) dân tộc Giơ Rai, tuyển thủ của Công ty 75 chia sẻ: “Tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên trở về quê hương, thấy cuộc sống gia đình còn khó khăn, muốn chọn cây cao su để phát triển kinh tế gia đình, tôi đã xin vào làm công nhân của Công ty 75. Cũng như những công nhân, người lao động khác, thời gian đầu học trồng, học cạo mủ cao su vất vả lắm, nhiều lúc định bỏ việc, nhưng với sự giúp đỡ tận tình của cán bộ đơn vị, người thân trong gia đình và bà con địa phương nên tôi đã trụ lại và quyết tâm vươn lên. Tham gia hội thi do binh đoàn tổ chức là dịp để tôi được học hỏi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề và cùng với các tuyển thủ khác tạo sức lan tỏa niềm tin, tình yêu nghề, góp phần xây dựng vùng biên giới ngày càng giàu đẹp!”.

Đến với hội thi năm nay, tuyển thủ Rơ Mah Kíu (25 tuổi, dân tộc Giơ Rai) công nhân Công ty 74, nhà ở làng Nú 1, xã Ia Chía (Ia Grai, Gia Lai) đem theo một thành tích đáng khâm phục. Vào làm công nhân được 3 năm, nhưng Rơ Mah Kíu đã trồng và nhận khoán hơn 3ha cao su, thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. Lần đầu tham gia hội thi, Rơ Mah Kíu đã giành giải nhất “Bàn tay vàng”. Rơ Mah Kíu cho biết: “Mình cũng như bao nhiêu người dân của làng, khi nghe nói san đất để trồng cây cao su, đi khai thác mủ cao su từ 2-3 giờ sáng... thì sợ lắm! Truyền thống người Giơ Rai mình đi làm khi mặt trời gần ngang bằng với ngọn cây, chiều về khi mặt trời chưa xuống núi. Nhưng khi nghe bộ đội hướng dẫn, tuyên truyền... thấy đúng, thế là mọi người nghe theo. Bây giờ thì tốt hơn rồi, thu nhập hằng tháng của anh, chị em ổn định từ 5 đến 7 triệu đồng”.

Là trưởng đoàn tuyển thủ của Công ty 78 tham gia hội thi, Trung tá Nguyễn Xuân Chung, Giám đốc Công ty 78, tâm sự: “Mục đích của hội thi là để nâng cao trình độ hiểu biết về kỹ năng cạo mủ, nâng cao công tác quản lý kỹ thuật, thực hiện tốt công tác kiểm tra, quản lý vườn cây, động viên khuyến khích người lao động tích cực luyện kỹ năng tay nghề, rèn luyện kỹ năng lao động mới để trở thành người thợ giỏi thực thụ, làm chủ vườn cây, tăng thu nhập để phát triển kinh tế. Hội thi thực sự là ngày hội của công nhân, người lao động trên vùng biên giới Tây Nguyên”.

Đại tá Hoàng Văn Sỹ, Tư lệnh Binh đoàn 15, khẳng định: “Hội thi đã khơi dậy ý thức, trách nhiệm của công nhân, người lao động trong việc phát huy tính sáng tạo, cải tiến kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất, để tạo ra nhiều sản phẩm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của người lao động”.

Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ngay-hoi-cua-nguoi-lao-dong-tren-vung-bien-gioi-tay-nguyen-645335