Ngày hội lớn của cử tri

Cùng cử tri cả nước, ngày 20-7 hơn 340 ngàn cử tri trong tỉnh Bình Phước nô nức cầm lá phiếu đi bầu cử Quốc hội và bầu bổ sung HĐND các cấp.

20.7 - Ngày hội lớn của cử tri

(Báo Bình Phước, 23-7-1997)

HÙNG HẢI
(ghi nhanh)

Vâng, phải nói là ngày hội lớn đã thật sự được chuẩn bị chu đáo, đúng tiến độ, đúng luật. Cho đến giờ phút chót của ngày 19.7, ở cả 554 tổ bầu cử trên địa bàn toàn tỉnh, các phòng bầu cử đã được chuẩn bị đầy đủ và niêm phong bảo vệ cẩn mật để chờ đón giờ phút khai mạc bầu cử vào sáng 20.7. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các đồng chí trong UB bầu cử tỉnh tỏa về 5 huyện trong tỉnh từ chiều 19.7 để kiểm tra, giám sát về công tác chuẩn bị.

Và, tất cả sự chuẩn bị chu đáo đã tạo ra không khí chủ động và hào hứng cho giờ phút mở phòng bầu cử. Hầu hết các tổ bầu cử, các phòng bỏ phiếu bắt đầu mở cửa từ 6 giờ 30, sau 10-15 phút làm lễ khai mạc, những lá phiếu đầu tiên đã được bỏ vào hòm phiếu, thực hiện một nghĩa vụ thiêng liêng của một công dân bầu ra những đại biểu của Quốc hội một khóa “hai thế kỷ” (1997-2002).

Ở tại huyện Bình Long, đồng chí Bùi Thanh Phong, Bí thư Tỉnh ủy đã thực hiện nghĩa vụ của một cử tri, được bỏ phiếu đầu tiên ở tổ này. Ở huyện Đồng Phú, phòng bỏ phiếu bầu cử ở ấp Tân Đồng 2, thị trấn Đồng Xoài, đồng chí Bùi Huy Thống, Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh đã thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi của một cử tri sau khi làm lễ khai mạc một cách trọng thể. Ở ấp Tân Bình, tại tổ bầu cử số 8 đồng chí Nguyễn Hữu Luật, Phó Bí thư Thường trực, Quyền Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo các ngành cấp tỉnh cũng đã bỏ những lá phiếu đầu tiên, mở đầu cho một ngày có ý nghĩa trọng đại này đối với mỗi cử tri ở đây.

Ở mỗi phòng bỏ phiếu, mỗi tổ bầu cử đều có những nét chung là ưu tiên cho những người bỏ những lá phiếu đầu tiên vào hòm phiếu sau giờ khai mạc, đó là các đồng chí lãnh đạo, các cử tri cao tuổi, hoặc là đại diện cho các tầng lớp cử tri.

Điều đáng mừng là một tỉnh mới tái lập, bao nhiêu cái khó của buổi đầu còn bộn bề, vất vả nhưng bước vào công việc chuẩn bị cho ngày bầu cử thì như đã sẵn sàng từ lâu. Lướt qua các điểm bầu cử từ Đồng Xoài (Đồng Phú), đến Thị trấn Thác Mơ (Phước Long), Thị trấn Bù Đăng… mới thấy rõ sự chu đáo trong công tác chuẩn bị. Đó là cờ, băng-rôn, khẩu hiệu, áp-phích, tranh cổ động cho ngày bầu cử. Nhiều cách thể hiện sinh động có tác động trực tiếp đến mỗi cử tri hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình khi cầm lá phiếu. Điều kiện trụ sở làm phòng bỏ phiếu có thể chưa được khang trang nhưng ở các bản làng, thôn sóc và tận vùng biên giới cũng đã cố gắng bảo đảm nguyên tắc và đủ điều kiện cho cử tri bỏ phiếu một cách thuận lợi. Ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi (Đồng Phú), một sóc chủ yếu là cử tri dân tộc S’tiêng và ở cách trung tâm xã hơn 10km, tuy vậy, việc bố trí phòng bỏ phiếu tại chỗ cũng rất gọn gàng, đúng qui định. Các cử tri đến bỏ phiếu nhiều người không biết chữ, đã nhờ người đọc tiểu sử của từng ứng cử viên, rồi tự chọn, nhờ người khác gạch giùm.

Điều nhi nhận trong ngày bầu cử này là đông đảo cử tri đã ý thức được trách nhiệm và quyền lợi của mình, họ rất muốn được tự mình bỏ phiếu bầu người đại diện cho họ. Ông Mai Tào ở tổ bầu cử số 5 xã Thuận Lợi, tay chống gậy run run đi đến hòm phiếu tự tay mình bỏ lá phiếu bầu. Chờ ông làm xong trách nhiệm của người công dân, tôi vào chuyện mới biết là ông đã đến tuổi 85, nhà cách nơi bỏ phiếu gần 3km, đường trơn khó đi, cứ vài ba trăm mét lại phải ngồi nghỉ. Lặn lội ra được đến đây để tự tay mình bỏ phiếu. Bà vợ là Trần Thị Hoa 70 tuổi đã đi bỏ phiếu trước về trông nhà rồi ông mới đi. Ông còn nói vui: “Tôi thực hiện cái quyền này cho đến chết, không cho ai thay cả”, ông chưa mất quyền lợi một cuộc bầu cử nào. Vâng, tôi rất cảm ơn ông về sự gương mẫu đó. Tôi rất mong gặp lại ông ở cuộc bầu cử 5 năm sau. Lúc đó ông tròn 90 tuổi.

Ở đây, điều mà các cử tri trẻ rất sợ mất quyền lợi được thể hiện rõ là có đến hơn 10 trường hợp tới giờ bầu cử rồi còn chạy vội tới đề nghị xin thẻ cử tri bổ sung. Đúng thế, trong danh sách mà ông Đỗ Văn Cương tổ trưởng tổ bầu cử số 5 thì có 3 cử tri mới được đi bỏ phiếu lần đầu vừa được ghi bổ sung xong lúc 9 giờ sáng.

Chúng tôi rất lưu ý đến hiện tượng “gạch đại đi” có xảy ra ở các điểm bỏ phiếu không? Không biết có chỗ nào xảy ra không chứ 6 tổ bầu cử ở Đồng Xoài và Thuận Lợi (Đồng Phú) mà chúng tôi trực tiếp đến thì không có.

Việc bố trí thuận tiện cho người bỏ phiếu ở đây thực hiện rất tốt. Từ bàn phát thanh đến bàn đối chiếu thẻ cử tri, bàn phát phiếu, phòng kín gạch phiếu bầu, bản xác nhận đã bầu… được bố trí rất khoa học, thuận tiện. Nhiều phòng bỏ phiếu không những dán tiểu sử các ứng cử viên ở tường mà còn dán ngay trên bàn trước mặt trong phòng kín gạch phiếu bầu.

Tôi để ý có một cô gái còn trẻ cứ đứng mãi trước các bản ghi tiểu sử các ứng cử viên, vào phòng gạch phiếu lại còn “nghiên cứu” tiếp các bản tiểu sử tóm tắt dán trên bàn. Khi cử tri trẻ đó hoàn thành nghĩa vụ của mình, tôi mới hỏi và được biết tên cô gái là Trần Thị Hồng Phương, 19 tuổi lần đầu tiên đi bỏ phiếu. Không biết tôi đã “theo dõi” nên khi được hỏi về việc cô có hiểu rõ tiểu sử từng người mình bầu không, cô có tự ái và trả lời hơn gắt: Sao lại không?

Vâng, dù có bị cáu gắt tôi cũng rất cảm ơn và tôi tôn trọng sự cẩn thận của một cử tri trẻ khi cầm trên tay lá phiếu bầu cử đã rất có trách nhiệm với chính mình và với cả xã hội.

Tại Văn phòng của UB bầu cử Quốc hội của tỉnh Bình Phước, từng giờ nhận thông tin từ các huyện báo về thật rộn ràng, tấp nập. Vào thời điểm 9 giờ 45 phút sáng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Thư ký UB bầu cử cho chúng tôi biết đã có 50% số cử tri trong toàn tỉnh đi bỏ phiếu. Huyện Bình Long có tới 66,7%, riêng huyện Bù Đăng do khó khăn vì trời mưa, đường sá lầy lội, phương tiện liên lạc thiếu nên con số chưa đầy đủ và chỉ mới nhận được thông tin 31% trên tổng số 39.970 cử tri đi bỏ phiếu. Riêng khối cử tri lực lượng công an và quân đội ở 20 tổ bầu cử đã có 100% số cử tri đi bỏ phiếu.

Điều đáng mừng là vấn đề trật tự an ninh ở tất cả các điểm bầu cử đều bảo đảm tốt. Ở thời điểm 14 giờ 30 phút, toàn tỉnh đã có hơn 90% số cử tri bỏ phiếu, huyện Lộc Ninh có số cử tri đi bầu cao nhất 95% ở thời điểm này, thấp nhất như huyện Bù Đăng cũng đạt 80%. Và đến 18 giờ thì toàn tỉnh đã có 414/554 tổ bầu cử đã kết thúc cuộc bầu cử. Và con số chốt cuối cùng là huyện Lộc Ninh có 100% với tổng số 70.994 cử tri đã hoàn thành nghĩa vụ của cử tri. Các huyện Bình Long, Phước Long đều đạt 98,5%, huyện Đồng Phú đạt 99%. Riêng huyện Bù Đăng chỉ đạt 95%. Như vậy cả tỉnh đạt 99,42% trên tổng số 334.099 cử tri đã đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa X và bầu bổ sung HĐND các cấp.

Không thể đi hết được tất cả các tổ bầu cử, các phòng bỏ phiếu trong ngày bầu cử nhưng phải nói những nơi chúng tôi được chứng kiến đã gây ấn tượng thật sự: Ngày 20-7-1997 là ngày hội lớn của cử tri Bình Phước. Quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cử tri đã được thực hiện. Nhưng lại gợi lên trong suy nghĩ những trăn trở lo toan rằng: Lòng tin từ ngày hội lớn của cử tri hôm nay có được các vị đại biểu Quốc hội khóa X đáp lại bằng những hành động thiết thực hay không? Tỉnh mới tái lập dân còn rất khó. Các cấp, các ngành, các đoàn thể quần chúng lo cho dân cũng còn rất nhiều cái khó.

Ngày hội lớn của cử tri đã đi qua. Giá trị lớn lao của ngày hội ấy chỉ còn trông chờ sự anh minh, sáng suốt của các vị đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp mà hơn 340.000 cử tri cả tỉnh Bình Phước vừa mới sáng suốt chọn lựa.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/548/171663/ngay-hoi-lon-cua-cu-tri