Ngày hội quốc phòng toàn dân - nét đẹp của văn hóa dân tộc
Tư tưởng 'lấy dân làm gốc' trong quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước, bảo vệ độc lập dân tộc là một trong những nội dung sâu sắc và độc đáo của triết lý bảo vệ Tổ quốc Việt Nam truyền thống.
Các cô giáo Trường Mầm non Phú Sơn, phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa đến thăm,, giao lưu cùng cán bộ, chiến sĩ Đại đội trinh sát Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Ảnh: Cao Tùng (Bộ CHQS tỉnh)
Suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc ta, trong điều kiện phải chống lại những thế lực xâm lược hung bạo, hiếu chiến, có tiềm lực kinh tế và quân sự lớn mạnh hơn rất nhiều lần, bằng trí tuệ và tài thao lược, ông cha ta đã biết quy tụ, động viên, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy sức mạnh của toàn dân vào công cuộc đấu tranh để dựng nước và giữ nước.
Điều đó được thể hiện rất rõ trong thực hiện chủ trương “cử quốc nghênh địch” (cả nước đánh giặc), mà tư tưởng cốt lõi, bao trùm là quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân. Trên cơ sở tư tưởng “cử quốc nghênh địch”, ông cha ta luôn chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, nhất là quân đội tinh nhuệ làm nòng cốt của sức mạnh giữ nước. Chính nhờ vào một nền quốc phòng như vậy, dân tộc ta đã lần lượt đánh bại các đạo quân xâm lược có lực lượng và vũ khí, trang bị vượt trội, làm nên những chiến công oanh liệt, hào hùng, như: Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng; quân dân nhà Lý đánh bại quân Tống trên phòng tuyến sông Như Nguyệt; nhà Trần 3 lần đánh bại quân Nguyên Mông; nghĩa quân Lam Sơn chém đầu Liễu Thăng ở ải Chi Lăng, tiến lên đánh bại hoàn toàn quân xâm lược nhà Minh; Quang Trung đại phá 29 vạn quân Thanh, giữ vững non sông gấm vóc...
Kế thừa, phát triển tư tưởng toàn dân đánh giặc trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc; tiếp thu tinh hoa tư tưởng quân sự và kinh nghiệm tiến hành chiến tranh nhân dân của các nước trên thế giới; dựa trên cơ sở lý luận khoa học của Chủ nghĩa Mác – Lênin, từ khi ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt định ra đường lối kháng chiến toàn dân đúng đắn, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Yếu tố cốt lõi, bao trùm trong tư tưởng quốc phòng toàn dân là “vì dân, do dân, của dân”, dựa vào dân và phát huy sức mạnh của toàn dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nước lấy dân làm gốc. Trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính là ở dân”, “Bao nhiêu quyền hạn đều của dân, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu lực lượng đều ở nơi dân”, “Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc”.
Cách mạng Tháng Tám thành công là thực tiễn sinh động chứng minh cho đường lối lãnh đạo cách mạng đúng đắn của Đảng ta. Đường lối kháng chiến toàn dân trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược là sự kế thừa và phát triển truyền thống toàn dân đánh giặc của tổ tiên ta lên một tầm cao mới. Chiến tranh nhân dân đã tạo ra nguồn sức mạnh vô địch để dân tộc ta chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Trên chặng đường lịch sử 75 năm xây dựng và trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam, mỗi chiến công, mỗi bài học kinh nghiệm của đội quân cách mạng đều gắn liền với nguồn sức mạnh của sự gắn bó keo sơn thắm thiết quân dân. Quân đội Nhân dân Việt Nam - đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, ngay từ buổi ban đầu khi mới thành lập, 34 chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã nghiêm trang tuyên thệ trước Cờ đỏ Sao vàng năm cánh dưới tán rừng Việt Bắc: “Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để tiêu diệt bọn phát xít Nhật, Pháp và bọn Việt gian phản quốc, làm cho nước Việt Nam trở nên một nước độc lập và dân chủ, ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới”. Là quân đội của nhân dân, những người lính Cụ Hồ luôn luôn sẵn sàng chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu, hy sinh vì dân, sẵn sàng xả thân giúp đỡ nhân dân trong khó khăn, hoạn nạn, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân, nhưng quyết “không động đến cái kim và sợi chỉ của nhân dân”, để “làm cho dân mến”, “khi mình chưa đến thì dân trông mong, khi mình đến thì dân giúp đỡ, khi mình đi nơi khác thì dân luyến tiếc”. Trong những tháng năm khói lửa của các cuộc chiến tranh đánh giặc cứu nước, một tập quán mới và tốt đẹp đã nảy nở và phát triển, trở thành sinh hoạt bình dị nhưng rất sâu nặng nghĩa tình, đó là những ngày hội quân - dân, xây đắp nên tình quân dân “cá – nước”. Tình quân dân “cá - nước” được thể hiện ở chỗ nhân dân không chỉ là nguồn cung cấp nhân tài, vật lực cho bộ đội, mà còn là lực lượng luôn che chở, nuôi dưỡng, đùm bọc, giúp đỡ “Bộ đội Cụ Hồ”. Nhân dân đã chắt chiu từng lon gạo, hạt muối, tấm áo, đồng tiền giúp đỡ bộ đội ngay trong lúc khó khăn nhất. Nhân dân còn là người chịu mất mát, hy sinh để che chở cho bộ đội trong những giờ phút một mất một còn, giữa cái sống và cái chết trong vòng vây của kẻ thù. Với những người lính Cụ Hồ, thấm nhuần lý tưởng, trách nhiệm phụng sự nhân dân, thời chiến, cũng như thời bình, “Bộ đội Cụ Hồ” luôn luôn là lực lượng sát cánh cùng nhân dân, bảo vệ sự bình yên cho cuộc sống của nhân dân, giúp đỡ nhân dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới, phòng, chống thiên tai, dịch họa, cứu hộ, cứu nạn... Thông qua quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ đội quân công tác vận động quần chúng, đội quân lao động sản xuất mà “Bộ đội Cụ Hồ” chăm lo xây dựng, vun trồng cái nền, gốc sức mạnh của “Bộ đội Cụ Hồ”, huy động nhiều nguồn lực thực hiện tốt các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nhà tình nghĩa”, “Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, thực hiện các chính sách hậu phương quân đội, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh toàn diện, “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc trong tình hình mới.
Để phát huy truyền thống yêu nước, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới, ngày 17-10-1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) ra Chỉ thị số 381-CT/TW lấy ngày 22-12 - ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam là Ngày hội quốc phòng toàn dân. Từ đó đến nay, ngày 22-12 hằng năm đã thật sự trở thành ngày hội lớn, một nét đẹp của văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.
“Dựng nước đi đôi với giữ nước” đã trở thành bài học quý báu lưu truyền bao đời nay của dân tộc Việt Nam. Kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2019) và 75 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2019) là một sự kiện chính trị quan trọng, đồng thời là dịp để toàn dân và toàn quân ta nhìn lại chặng đường đã qua, tự hào về truyền thống vẻ vang của quân đội anh hùng, dân tộc anh hùng, tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền sâu rộng hơn nữa truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn dân trong tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh gắn với thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và an ninh cho sự phát triển đất nước.