Ngày Khai giảng năm học cần ngắn gọn, đúng giờ
Tổ chức lễ khai giảng đúng thời gian, hình thức tổ chức tự nhiên, không gò ép, không diễn và đương nhiên phải là ngày của học sinh, của thầy cô giáo.
Mấy năm nay, ngày khai giảng năm học được đồng loạt tổ chức vào ngày 5/9 đối với các cấp học mầm non, phổ thông. Điều đáng mừng nhất là hiện nay thực hiện khai giảng xong mới bước vào thực học chứ không như nhiều năm trước khi các trường đã học được nhiều tuần mới bước vào khai giảng.
Việc khai giảng năm học đúng thời điểm sẽ tạo cho học sinh thích thú, chờ đợi và cũng đúng với ý nghĩa của từ “khai giảng” năm học. Tuy nhiên, để có một ngày khai giảng năm học đúng nghĩa thì cần sự cộng hưởng của toàn trường, của các vị đại biểu khách mời nhằm tránh hình thức, kéo dài lê thê, dẫn đến sự mệt mỏi của học sinh.
Học sinh đã tập dượt nhiều ngày để chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học
Để chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học, những ngày qua, Ban chấp hành Đoàn trường- Tổng phụ trách Đội của nhiều nhà trường đã hướng dẫn học sinh tập nghi thức, chào cờ, hát quốc ca, trống chào mừng. Vì thế, có tình trạng ngày nghỉ lễ nhưng vẫn có trường điều động giáo viên, học sinh vào tập dượt, chuẩn bị cho ngày khai giảng.
Thầy cô dạy nhạc ở các trường khó khăn thì tập văn nghệ cho học trò. Học sinh một số trường có điều kiện thì góp tiền thuê người dạy múa, dạy nhảy để chào mừng ngày khai giảng. Những bài phát biểu của giáo viên, học sinh, phụ huynh cũng được Ban Giám hiệu nhà trường giao cho các thầy cô giáo dạy Ngữ văn hướng dẫn hoặc viết sẵn.
Mọi thứ đã sẵn sàng để chờ ngày khai giảng năm học. Và, tất nhiên là ngày khai giảng diễn ra thì đa phần các trường là diễn lại một cách trơn tru nhất sau một số ngày thầy và trò trong trường đã chuẩn bị và tập dượt kỹ càng với nhau.
Phần nhiều các trường học bây giờ đủ đầy hơn, khang trang hơn trước và phụ huynh cũng có điều kiện hơn nên ngày khai giảng được chuẩn bị công phu và được tổ chức long trọng. Ngày khai giảng đến là cờ phướn, băng rôn, bóng bay rợp cả sân trường.
Học sinh ngồi ngay ngắn trên ghế nhựa theo từng lớp đã được kẻ hàng thẳng tắp. Mỗi khi có người lên phát biểu là những hồi trống chào mừng vang lên rộn ràng như ngày hội.
Khi nhà trường trao tặng phần thưởng cho thầy cô và học trò nào đó là hàng loạt máy ảnh, điện thoại của quan khách, phụ huynh và học sinh trong trường lại giơ lên chụp tanh tách…
Những bài phát biểu của quan khách nặng âm hưởng chỉ đạo, những bài phát biểu của giáo viên, học sinh đầy những cụm từ thể hiện sự quyết tâm như: xin hứa; sẽ cố gắng hết sức; ra sức học tập; làm trọn thiên chức người thầy…Nhưng, suy cho cùng đều là từ ngữ quen thuộc từ năm này sang năm khác.
Ngày khai giảng năm học bây giờ nhiều khi trở nên nhàm chán bởi được “đồng phục” từ nội dung tổ chức, từ những bài phát biểu của quan khách, phụ huynh, học sinh vì phần nhiều đều được…tải trên mạng Internet và dùng trong nhiều năm.
Khai giảng năm học cần gọn nhẹ, trọng tâm, tránh hình thức và những lời chỉ đạo không cần thiết
Tham dự ngày khai giảng hàng chục năm qua, chúng tôi nhận thấy mất thời gian nhiều nhất là việc chờ đợi các quan khách được nhà trường mời dự. Mặc dù ngày khai giảng hiện nay của các địa phương đều được hướng dẫn ngắn gọn nhưng có nhiều trường khi đến thời gian tiến hành thì lãnh đạo cấp trên vẫn chưa đến, thành ra cứ phải đợi chờ.
Đa phần học sinh được nhà trường yêu cầu tập trung từ 7 giờ kém 15 để ổn định hàng ngũ, chỗ ngồi nhưng nhiều khi phải đợi các đại biểu cấp trên đến 7 giờ 30, thậm chí muộn hơn mới thấy đến nên việc tiến hành tổ chức buổi lễ thường chậm hơn dự kiến.
Thế nhưng, nhiều khi buổi lễ đang tiến hành vẫn thấy có lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ngành đến dự. Thành thử, người dẫn chương trình phải dừng lại giới thiệu đại biểu và học sinh lại đánh trống chào mừng, thầy trò lại được yêu cầu vỗ tay… hoan nghênh.
Thậm chí có vị quan chức đã đến muộn lại cười nói, đi bắt tay một loạt người đang dự lễ, tạo sự chú ý cho cả sân lễ. Những hình ảnh này không hiếm trong các ngày lễ ở nhà trường.
Những bài phát biểu, giao nhiệm vụ của lãnh đạo cấp trên cũng mang màu sắc quen thuộc và gây nhàm chán. Vì thế, giáo viên, học sinh ngồi dự khai giảng nhiều khi cảm thấy mệt mỏi bởi mọi diễn biến đã trở nên một công thức cứng nhắc, quen thuộc.
Thực ra, ngày khai giảng năm học cần tổ chức ngắn gọn, tươi mới. Hãy để ngày khai giảng là ngày học sinh đến trường đầu tiên, là không khí tấp nập, bỡ ngỡ để học sinh thấy được nhiều ý nghĩa khi các em ngồi dự lễ khai giảng.
Tổ chức lễ khai giảng đúng thời gian, hình thức tổ chức tự nhiên, không gò ép, không diễn và đương nhiên phải là ngày của học sinh, của thầy cô giáo.
Bởi đây không phải là ngày của một vài quan chức vào chỉ đạo rồi nhà trường giới thiệu hết người này, người khác, rồi những hồi trống chào mừng, những tràng pháo tay rộn ràng hoan nghênh quan chức tới dự.
Làm như vậy, chỉ là cách làm quá lố mà vô tình giáo viên và học sinh đã không còn là những người trung tâm của buổi khai giảng năm học.
Việc làm đơn giản nhất mà ý nghĩa nhất của ngày khai giảng chỉ cần một vài tiết mục văn nghệ; chào cờ, hát quốc ca; tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu (không nhất thiết giới thiệu từng người dài dòng); đọc thư của Chủ tịch nước; diễn văn và đánh trống khai giảng năm học; phát học bổng hoặc quà cho học sinh nghèo (nếu có); bế mạc.
Những việc này chỉ gói gọn trong khoảng 1 giờ là kết thúc, sau đó, thầy và trò bước vào tiết học đầu tiên của năm học.
Suy cho cùng, ngày khai giảng là ngày của thầy cô và học trò trong trường, tuyệt đối đây không phải ngày của lãnh đạo địa phương, ngành giáo dục. Vì thế, những quan khách không cần thiết phải phát biểu chỉ đạo dài dòng bởi vì điều này không phù hợp với không khí ngày khai giảng năm học mới.