Ngày làm việc cuối cùng kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Sôi nổi thảo luận, chất vấn tại hội trường

Sáng 10-12, kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) bước vào ngày làm việc cuối cùng. Tiếp tục chương trình làm việc, các đại biểu đã nghe thư ký kỳ họp báo cáo kết quả thảo luận tổ, tiến hành thảo luận chung tại hội trường, đồng thời thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn theo quy định.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Tấn Thi

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Tấn Thi

Qua 1 ngày thảo luận tại tổ, các đại biểu đã đóng góp 79 ý kiến (45 ý kiến của đại biểu chính thức, 34 ý kiến của đại biểu mời) tham gia vào nội dung các báo cáo và dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp. Đa số ý kiến đánh giá cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh và công tác quản lý, điều hành của UBND tỉnh năm 2021. Bên cạnh đó, với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu cũng thẳng thắn trao đổi, nhìn nhận và đánh giá nhiều nội dung quan trọng hoặc còn tồn tại vướng mắc trên các lĩnh vực.

Sau khi nghe Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt gợi ý nội dung thảo luận, đại diện các sở, ngành của tỉnh đã tiến hành giải trình, làm rõ một số vấn đề mà đại biểu quan tâm.

Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Tấn Thi

Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Tấn Thi

Tại phiên thảo luận tổ, một số ý kiến cho rằng, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản khá chậm (đến thời điểm này chỉ đạt 52,3%); nhiều công trình chưa đảm bảo chất lượng và mục tiêu khi đưa vào sử dụng. Lý giải về nội dung này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Quế cho biết: Xác định đẩy mạnh giải ngân, gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công năm 2021, tạo tiền đề cho tăng trưởng, phát triển trong dài hạn là một nội dung trọng tâm, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt và cụ thể; đồng thời thành lập 2 tổ công tác kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ thực hiện vẫn còn chậm là do năng lực quản lý dự án của một số chủ đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu; chất lượng hồ sơ liên quan đến dự án từ khi lập chủ trương đầu tư đến khi đấu thầu của một số chủ đầu tư còn để xảy ra sai sót. Một số dự án còn vướng về giải phóng mặt bằng, dự án ODA gặp khó khăn về cơ chế thanh toán vốn. Ngoài ra, dịch Covid-19; giá vật tư, vật liệu xây dựng tăng; thời tiết bất lợi… cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công tại hiện trường của nhiều dự án.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa nêu giải pháp phát triển cây ăn quả trong thời gian tới. Ảnh: Tấn Thi

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa nêu giải pháp phát triển cây ăn quả trong thời gian tới. Ảnh: Tấn Thi

Ở lĩnh vực nông nghiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa cũng đã làm rõ thêm về thực trạng trồng cây ăn quả hiện nay còn nhỏ lẻ, chưa được quy hoạch vùng nguyên liệu dẫn đến việc thu hút đầu tư còn hạn chế. Theo ông Nghĩa, thời gian qua, việc phát triển cây ăn quả theo hướng tập trung, sản xuất theo tiêu chuẩn, hình thành chuỗi liên kết gắn với chế biến được tỉnh rất quan tâm. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 107/QĐ-UBND về phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả đến năm 2030, định hướng đến năm 2040. Trong đó, đề cập đến các giải pháp hình thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, quy mô lớn, tạo ra sản phẩm chất lượng cao gắn với chế biến phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. “Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện và hướng dẫn các địa phương phát triển cây ăn quả theo đúng định hướng của tỉnh. Thực tế đã có nhiều mô hình, dự án hiệu quả của các công ty: Hoàng Anh Gia Lai, Hưng Sơn, DOVECO Gia Lai… hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với chế biến, phục vụ xuất khẩu sang các thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Thời gian tới, chính quyền các địa phương cần phối hợp với Sở đẩy mạnh hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển dịch sản xuất cây ăn quả từ manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, quy mô lớn”-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị.

Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Rcom Sa Duyên cho rằng, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% đặt ra trong năm 2022 là phù hợp. Ảnh: Tấn Thi

Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Rcom Sa Duyên cho rằng, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% đặt ra trong năm 2022 là phù hợp. Ảnh: Tấn Thi

Đối với ý kiến cho rằng, hàng năm, UBND tỉnh giao chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo cao hơn so với chỉ tiêu UBND cấp huyện đã đăng ký; đồng thời mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% đặt ra trong năm 2022 là quá cao, khó thể đạt được, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Rcom Sa Duyên khẳng định: Chỉ tiêu giảm nghèo 2% đã được đề ra tại Kế hoạch số 47-KH/TU ngày 21-10-2021 của Tỉnh ủy. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2020-2025 đề ra mục tiêu giảm nghèo mỗi năm là 0,8% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020. Theo kết quả điều tra cuối năm 2021 cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo và quy mô hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới tăng gấp 3 lần so với chuẩn cũ (12,09/3,96%). Trong khi đó, chỉ tiêu giảm nghèo năm 2022 theo chuẩn mới là 2%, chỉ tăng 2,5 lần so với chỉ tiêu giảm nghèo cũ. Ngoài ra, nếu thực hiện bình quân giảm nghèo 2%/năm, dự kiến đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 4,09% theo chuẩn nghèo mới, cao hơn so với chuẩn nghèo cũ (3,96%). Mặt khác, năm 2021, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, cộng với nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia chưa được Trung ương phân bổ nhưng bằng sự nỗ lực, các địa phương đã giảm nghèo được 1,42% trong khi quy mô hộ nghèo chỉ có 19.958 hộ. Năm 2022, tỉnh sẽ được tiếp nhận các nguồn vốn từ Trung ương; quy mô hộ nghèo cũng lớn hơn với 45.688 hộ, trong đó nhiều hộ có ý chí vươn lên thoát nghèo. Từ các lý do trên, chúng tôi cho rằng mục tiêu giảm nghèo 2% là phù hợp, đảm bảo theo đúng kế hoạch của Tỉnh ủy.
Trong phần thảo luận tại hội trường sáng 10-12, nhiều vấn đề quan trọng khác cũng được các đại biểu đưa ra phân tích, làm rõ như: tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) và GRDP bình quân đầu người năm 2021 và chỉ tiêu dự kiến trong năm 2022; giải pháp đảm bảo thu ngân sách nhà nước năm 2022; việc phân bổ dự toán ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2022; tỷ lệ che phủ rừng; đầu tư xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao; dạy và học trực tuyến trong điều kiện dịch Covid-19...

Đai biểu Vũ Tiến Anh-Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh chất vấn Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định. Ảnh: Tấn Thi

Đai biểu Vũ Tiến Anh-Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh chất vấn Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định. Ảnh: Tấn Thi

Tại phiên họp, đại biểu Vũ Tiến Anh-Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh đã chất vấn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Lê Duy Định với nội dung: “Tình hình dịch Covid-19 diễn ra rất phức tạp trên địa bàn tỉnh thời gian qua làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân và các em học sinh trong độ tuổi đến trường. Vừa qua, HĐND các tỉnh đã ban hành nghị quyết về miễn, giảm học phí cho học sinh ở các địa phương có dịch phải thực hiện giãn cách xã hội. Với trách nhiệm người đứng đầu ngành GD-ĐT tỉnh, ông đã có những đề xuất gì cho tỉnh trong việc xem xét, miễn giảm học phí cho học sinh ở các địa phương có dịch, phải thực hiện giãn cách, đặc biệt là học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn”.
Trả lời chất vấn này, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định thông tin: Để chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, học sinh và người dân do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT đã báo cáo Chính phủ cho phép giữ nguyên mức học phí năm học 2021-2022, ổn định không tăng so với năm học 2020-2021; đồng thời đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện. Vì vậy, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 10-8-2021 về việc kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết số 125/2020/NQ-HĐND về quy định mức học phí năm học 2020-2021. Ngoài ra, tỉnh cũng đang thực hiện chính sách miễn giảm học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27-8-2021 của Chính phủ.

Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định trả lời chất vấn của đại biểu. Ảnh: Tấn Thi

Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định trả lời chất vấn của đại biểu. Ảnh: Tấn Thi

“Thời gian qua, tình hình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp trên địa bàn tỉnh chỉ rải rác chứ không toàn bộ, chủ yếu tập trung nhiều ở TP. Pleiku. Về cơ bản, học sinh tại các địa phương còn lại đều đi học trực tiếp. Sở GD-ĐT xét thấy các chế độ miễn giảm theo Nghị định 81 của Chính phủ cũng đã phủ khá rộng cho nhiều đối tượng. Vì thế, chưa báo cáo xin chủ trương UBND tỉnh về miễn giảm học phí cho học sinh ở vùng có dịch. Tuy nhiên, tôi ghi nhận và tiếp thu ý kiến của đại biểu Vũ Tiến Anh; phối hợp với các sở, ngành có liên quan xác định lại tình hình dịch bệnh, cân đối ngân sách để báo cáo UBND tỉnh xin chủ trương trình HĐND tỉnh về vấn đề này”-ông Lê Duy Định nói.
Xung quanh nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, ông Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh-nhấn mạnh: “Thực tế thời gian qua, do dịch Covid-19, tại một số địa phương trong tỉnh, học sinh không thể đến trường và phải chuyển sang hình thức học trực tuyến. Điều này khiến các trường gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Thời gian đến, dự báo tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, chính vì thế không chỉ riêng ngành GD-ĐT mà các ngành khác cũng cần hết sức quan tâm trong việc tham mưu, đề xuất UBND tỉnh cũng như HĐND tỉnh đối với những nội dung liên quan đến chế độ, chính sách, nhất là đảm bảo việc đi học của học sinh. Đề nghị Giám đốc Sở GD-ĐT tiếp thu ý kiến chất vấn của đại biểu và có sự tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh”.

Chiều ngày 10-12, kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XII bước vào phiên bế mạc. Sau khi nghe UBND tỉnh giải trình một số vấn đề cần làm rõ, các đại biểu sẽ thảo luận và thông qua các nghị quyết trình kỳ họp.

Báo Gia Lai điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

HỒNG THI - QUANG TẤN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8301/202112/ngay-lam-viec-cuoi-cung-ky-hop-thu-4-hdnd-tinh-gia-lai-khoa-xii-soi-noi-thao-luan-chat-van-tai-hoi-truong-5759485/