Ngày làm việc thứ 2, hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương
Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có các đồng chí: Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Xuân Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành và huyện, thành phố.
Sáng ngày 31/12/2019, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chủ trì ngày làm việc thứ hai, hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.
Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tại điểm cầu Hà Nam.
Trong ngày làm việc thứ 2, lãnh đạo các Bộ và một số địa phương tiếp tục phát biểu tham luận, phân tích, làm rõ những mặt hạn chế, yếu kém, kết quả đã đạt được trong triển khai nhiệm vụ năm 2019, đồng thời đưa ra định hướng, các giải pháp, biện pháp khắc phục yếu kém trong năm 2020.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế của đất nước vẫn còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Độ mở của nền kinh tế lớn trong khi năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao. Tình hình biển Đông tiếp tục phức tạp, căng thẳng, khó lường. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Tinh thần trách nhiệm, ý thức nêu gương của một bộ phận cán bộ công chức còn hạn chế, vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm…
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp thu, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả những bài học kinh nghiệm, nhiệm vụ quan trọng mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo tại hội nghị; triển khai nghiêm túc, sáng tạo, hiệu quả Nghị quyết số 01 và 02; tăng cường kiểm tra đôn đốc, phân cấp giao quyền thực hiện các nhiệm vụ; tìm giải pháp tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ưu tiên lĩnh vực khoa học công nghệ; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng; quan tâm hơn đến công tác phòng chống thiên tai, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã. Các cấp, các ngành, các cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền khơi dậy niềm tự hào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhiệm vụ trước mắt, các cấp, các ngành quan tâm chăm lo Tết cho nhân dân, phòng chống buôn lậu trong dịp Tết Nguyên đán 2020.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối của nhiệm kỳ, của kế hoạch 5 năm 2016-2020, chuẩn bị, tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2021-2025, cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.
Với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”, trong năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm là: Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi; nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật.
Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng thực chất, hiệu quả hơn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn. Phát triển kinh tế nhanh và bền vững gắn với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thực hiện nghiêm việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; nâng cao uy tín và vị thế của quốc gia trên trường quốc tế; triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên; thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Chủ tịch AIPA 41, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Chủ động thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, lan tỏa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp; phát huy tinh thần thi đua yêu nước, đổi mới sáng tạo ở tất cả các ngành, các cấp; tổ chức tốt các sự kiện, lễ kỷ niệm lớn của đất nước.
Về kiến nghị của các địa phương, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ tổng hợp để Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết.
Nguyễn Oanh
Nguyễn Oanh