Ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VIII: Các đại biểu thảo luận và chất vấn tại hội trường
Sáng nay 16/7/2020, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh tiến hành phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên họp.
Thảo luận, chất vấn những vấn đề nổi cộm
Mở đầu phiên họp buổi sáng, thư ký kỳ họp trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia của đại biểu tại các tổ thảo luận. Theo đó, có 52 lượt ý kiến tham gia về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021. Các vấn đề được đại biểu HĐND tỉnh và dư luận quan tâm như: Công tác triển khai một số dự án động lực; giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ các dự án đầu tư; giải ngân vốn đầu tư công; tăng thu ngân sách; tái định cư cho người dân; nâng cấp hạ tầng giao thông, nước sạch, bảo vệ môi trường; phân luồng học sinh, đầu tư các trường dạy nghề. Các nội dung cần điều chỉnh, bổ sung của các báo cáo, tờ trình, đề án trình kỳ họp...
Tiếp tục thảo luận các nội dung liên quan, từ những vấn đề mà Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang gợi mở, các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến quan trọng.
Đại biểu Đào Mạnh Hùng (huyện Vĩnh Linh) cho rằng, 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh đã tập trung nhiều nguồn lực để khắc phục hậu quả thiên tai, phòng, chống COVID-19 và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đã đặt ra trong 6 tháng cuối năm, chính quyền các cấp cần nỗ lực khắc phục những hạn chế, tồn tại mà báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của UBND tỉnh đã đề cập.
Đại biểu Đào Mạnh Hùng phản ánh, mặc dù kinh tế tăng trưởng ở mức khá nhưng thu nhập của người dân vẫn còn thấp; quản trị hành chính công ngày càng tăng nhưng chưa tương đồng với chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh. Đây là 2 nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Vì vậy, kiến nghị HĐND, UBND tỉnh cần xác định những giải pháp đột phá về đầu tư trong phát triển kinh tế; nghiên cứu, điều chỉnh giải phóng mặt bằng các dự án lớn một cách phù hợp, bài bản, hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và người dân. Đại biểu Đào Mạnh Hùng chất vấn, các dự án điện gió chiếm quỹ đất khá lớn, vậy Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá như thế nào về tác động của các dự án điện gió đối với môi trường, đặc biệt là vào mùa mưa bão?
Đại biểu Nguyễn Trí Tuân (huyện Đakrông) kiến nghị cần khảo sát, đánh giá chi tiết, nghiêm túc về tác động môi trường đối với các dự án đầu tư trên địa bàn để đưa ra các giải pháp về mặt lâu dài. Chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ nhằm hạn chế tình trạng tai nạn giao thông, đặc biệt là tuyến Quốc lộ 9, đoạn đi qua địa bàn huyện Đakrông. Quan tâm tạo việc làm cho đội ngũ cán bộ dôi dư sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính; công tác định canh, định cư cho người dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Đại biểu Văn Ngọc Lãm (thị xã Quảng Trị) kiến nghị cần tháo gỡ những điểm nghẽn để tiến hành triển khai các dự án đầu tư đã được cấp chủ trương; quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn COVID-19; đầu tư cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn, đặc biệt là người dân ở xã Hải Lệ. Về vấn đề khai thác cát sỏi trên địa bàn thị xã, đại biểu Văn Ngọc Lãm phản ánh, các bãi tập kết cát sỏi tự phát dọc sông Thạch Hãn mặc dù đã được xử lý, di dời nhưng vẫn còn một số điểm gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến môi trường và mỹ quan độ thị. Đơn cử như bãi tập kết cát sỏi nằm ở phía Nam cầu Thành Cổ. Vì vậy, kiến nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng hỗ trợ quy hoạch, di dời bến bãi tập kết cát sỏi, xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Văn Thanh (huyện Hải Lăng) kiến nghị UBND tỉnh cần nghiên cứu đảm bảo các nguồn thu sao cho ổn định, cân đối. Cần có giải pháp căn cơ để kéo giảm tội phạm ma túy, tai nạn giao thông; tăng cường phòng, chống dịch bệnh. Hỗ trợ lực lượng công an ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Đại biểu Nguyễn Chiến Thắng (TP. Đông Hà) cho rằng cần có đánh giá tổng thể đối với các dự án điện gió trên địa bàn. Việc giải phóng mặt bằng tại một số dự án gặp khó khăn đã tạo ra điểm nghẽn trong việc giải ngân vốn đầu tư công để xây dựng các dự án. Vì vậy, ngành Tài nguyên và môi trường cần tích cực rà soát, phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác này. Đối với quy hoạch mỏ đất làm vật liệu san lấp, đại biểu Nguyễn Chiến Thắng chất vấn Sở Tài nguyên và Môi trường về nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp trong thời gian tới và quy hoạch cụ thể.
Đại biểu Vũ Văn Phong (huyện Vĩnh Linh) và đại biểu Hồ Quốc Hương (huyện Gio Linh) chất vấn về việc thu hồi đất của các công ty lâm nghiệp để giao cho người dân trên địa bàn phục vụ sản xuất.
Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế
Giải trình tại phiên họp, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trường Khoa khẳng định không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Trong quá trình triển khai các dự án, đặc biệt là các dự án năng lượng, UBND tỉnh đã giao cho Sở xây dựng đề án đánh giá tác động môi trường.
Đầu tháng 8, đề án được phê duyệt và dự kiến đến năm 2022 sẽ có báo cáo sơ bộ trình lên HĐND và UBND tỉnh. Một số vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường tại Khu Công nghiệp Quán Ngang, đặc biệt là tại nhà máy sản xuất, chế biến bột cá Hồng Đức Vượng, Sở đã yêu cầu doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và trong thời gian tới sẽ quan trắc môi trường thường xuyên hơn.
Về vấn đề giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Trường Khoa đề nghị các ngành liên quan cần tăng cường công tác phối hợp để đạt hiệu quả cao hơn. Đối với chủ trương thu hồi đất của các công ty lâm nghiệp để giao cho Nhân dân sản xuất, hiện đang gặp một số vướng mắc, sắp tới Sở sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương giải quyết.
Về việc khai thác và tập kết cát sỏi trên sông Thạch Hãn, ông Khoa cho biết, chính quyền địa phương cần rà soát lại và có thể thành lập các hợp tác xã hoặc tổ hợp tác khai thác cát sỏi để họ có nghĩa vụ, trách nhiệm, cam kết. Hiện nay, người dân khai thác tự phát nên khó quản lý.
Đối với quy hoạch mỏ đất làm vật liệu san lấp, ông Khoa khẳng định không quy hoạch vào đất quốc phòng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên và đảm bảo Luật Khoáng sản. Ngành tài nguyên và môi trường sẽ tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc lập quy hoạch, sử dụng đất trong thời gian tới.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm, Sở đang triển khai dự án 1 tỉ cây xanh để tập trung trồng rừng thay thế quanh khu vực triển khai các dự án điện gió. Tuy nhiên, việc này chưa mang lại hiệu quả khả quan. Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh để có phương án cấp sổ đỏ cho người dân có diện tích đất đã canh tác trong diện tích được thu hồi của các công ty lâm nghiệp.
Chiều nay, kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa VIII tiến hành phiên bế mạc. Báo Quảng Trị Online sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc các nội dung của kỳ họp.