Ngày làm việc thứ ba của Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028

Sáng 3-12, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028 tiến hành phiên làm việc cuối cùng. Các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ dự phiên bế mạc.

 Toàn cảnh ngày làm việc thứ ba của Đại hội.

Toàn cảnh ngày làm việc thứ ba của Đại hội.

Tại phiên làm việc, các đại biểu tiếp tục thảo luận góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị Đại hội. Đề cập đến một số giải pháp đột phá đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong hoạt động của Công đoàn Việt Nam, ông Phạm Quang Hưởng, Phó chủ tịch Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam cho rằng,để thực hiện thành công "Đề án chuyển đổi số của Tổng Liên đoàn giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030", trước hết phải đẩy mạnh tuyên truyền để đoàn viên, người lao động có nhận thức đúng đắn về chuyển đổi số, từ đó thay đổi nhận thức về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số trong hoạt động của tổ chức. Tiếp đó Công đoàn cần đưa ra những yêu cầu, đặt ra những bài toán, hay cụ thể là nói rõ mình cần gì, muốn gì để doanh nghiệp công nghệ số thực hiện.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ dự phiên bế mạc.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ dự phiên bế mạc.

 Các đại biểu dự Đại hội.

Các đại biểu dự Đại hội.

Về các giải pháp cụ thể, ông Hưởng đề xuất, Công đoàn nên bắt đầu chuyển đổi số bằng việc phát triển một nền tảng dùng chung cho tất cả các cấp Công đoàn; cần sử dụng dữ liệu lớn, dữ liệu tập trung; cần sử dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo hỗ trợ đoàn viên, cán bộ công đoàn và cần xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến, biến nền tảng này thành một mạng xã hội học tập, một mạng xã hội để đoàn viên, người lao động giao lưu, trao đổi, học hỏi nhau, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng; biến nền tảng này thành một sàn thương mại điện tử để đoàn viên, người lao động có thể mua được hàng hóa có xuất xứ, có chất lượng, giá cả phù hợp và lại bán được cả sản phẩm làm thêm của mình…

Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu báo cáo tiếp thu, giải trình vào dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu báo cáo tiếp thu, giải trình vào dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Đề cập đến công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi lao động nữ, bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam chia sẻ, ngành dệt may Việt Nam là ngành có đông lao động nữ (chiếm hơn 67% tổng lao động toàn ngành). Nhiệm kỳ vừa qua, công đoàn ngành đã chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ bằng những việc làm thiết thực mà điển hình là xây dựng và triển khai Chương trình “Xây dựng môi trường làm việc bình đẳng, vì sự tiến bộ của lao động nữ” với nhiều chỉ tiêu và giải pháp chăm lo, bảo vệ quyền lao động nữ; ký kết Thỏa ước Lao động tập thể cấp ngành với nhiều nội dung có lợi cho lao động nữ; thường xuyên nắm bắt hoàn cảnh, đồng hành, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời, giúp chị em giải quyết khó khăn trong cuộc sống.

 Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam.

Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam.

Tại diễn đàn Đại hội, bà Phạm Thị Thanh Tâm đại diện cho Công đoàn Dệt May Việt Nam kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan kết nối các ngành nghề phù hợp với từng lứa tuổi, để khi người lao động đã hết tuổi nghề ở những công việc nặng nhọc thì có thể tìm kiếm được những công việc phù hợp để có thêm thu nhập và tham gia bảo hiểm xã hội, khi về hưu có mức lương đủ sống. Cùng với đó, có các chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ cần được thúc đẩy thực thi trên thực tế để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện tuyển dụng lao động nữ, chi các khoản tăng thêm cho lao động nữ, đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, cơ sở y tế, công trình văn hóa, công trình phúc lợi khác, giúp người lao động, đặc biệt là lao động nữ giảm thiểu khó khăn, yên tâm công tác.

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình vào dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu rõ: Thảo luận dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam thu hút sự quan tâm sâu sắc, trách nhiệm của các đại biểu dự Đại hội. Đại hội đã có 93 lượt ý kiến phát biểu tại 10 diễn đàn chuyên đề, 156 lượt ý kiến phát biểu tại 10 trung tâm thảo luận, 11 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường. Nội dung các ý kiến phong phú, toàn diện, trí tuệ. Các ý kiến thảo luận đã phân tích làm sáng tỏ, sâu sắc thêm và bổ sung một số nội dung quan trọng về vấn đề chung và những vấn đề cụ thể.

Sau 3 ngày làm việc, với tinh thần phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, trách nhiệm cao, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028 đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Thông qua 10 diễn đàn chuyên đề và 10 trung tâm thảo luận tại Đại hội, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, trách nhiệm về kết quả hoạt động công đoàn nhiệm kỳ 2018-2023; xác định mục tiêu tổng quát của phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn nhiệm kỳ 2023 - 2028 là: Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tích cực, chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội. Hoàn thiện mô hình tổ chức, thu hút, tập hợp đông đảo người lao động gia nhập công đoàn; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt. Đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, ý thức pháp luật của đoàn viên, người lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đến cuối nhiệm kỳ, hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập, Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của người lao động, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước ta.

Đại hội xác định 7 nhóm chỉ tiêu hằng năm, 3 nhóm chỉ tiêu đến hết nhiệm kỳ, phấn đấu cả nước có 15 triệu đoàn viên công đoàn, thành lập tổ chức cơ sở ở 100% doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên; Ít nhất 83% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được công đoàn thương lượng, ký kết được thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật; Phấn đấu 90% trở lên số vụ việc về lao động khởi kiện tại tòa án được công đoàn hỗ trợ, tham gia tố tụng bảo vệ khi đoàn viên có yêu cầu.

Đại hội thông qua Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII, Điều lệ Công đoàn Việt Nam và thông qua nghị quyết đại hội.

Diễn văn bế mạc đại hội do đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trình bày, khẳng định: Thành công của Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII cổ vũ mạnh mẽ cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, tạo nên sức mạnh mới của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Đại hội kêu gọi cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động cả nước đoàn kết một lòng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, phát huy ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm vượt mọi khó khăn, thử thách, tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ngay sau phiên bế mạc, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức họp báo thông tin kết quả đại hội.

Tin, ảnh: KIM ANH – PHẠM KIÊN – VŨ PHONG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/ngay-lam-viec-thu-ba-cua-dai-hoi-xiii-cong-doan-viet-nam-nhiem-ky-2023-2028-753973