Ngày lễ của nữ điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tâm thần
Các ngày lễ 20/10 hay 8/3, nữ điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tâm thần ít khi nhận được những bông hoa hay quà từ bệnh nhân của mình. Với họ ngày lễ không có gì thay đổi, họ vẫn chăm sóc bệnh nhân chu đáo như những ngày thường.
Tận tâm chăm sóc bệnh nhân tâm thần
Nhiều điều dưỡng ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương II (Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, ngày lễ 20/10, 8/3 hay ngày bình thường, công việc của chúng tôi cũng không có gì thay đổi, chúng tôi vẫn chăm sóc bệnh nhân tâm thần đang điều trị tại đây một cách chu đáo nhất.
Nhiều năm gắn bó ở Khoa Cấp tính nam (Bệnh viện Tâm thần Trung ương II) điều dưỡng Đặng Thị Hợi chia sẻ: "Có ngày lễ 20/10, điều dưỡng chúng "được tặng" hàng chục cơn la hét của bệnh nhân tâm thần. La hét xong, bệnh nhân còn phun nước vào người điều dưỡng nữ là chuyện bình thường. Ban đầu mới tiếp xúc thấy ngại và hơi lo nhưng gắn bó rồi thì thấy thương yêu bệnh nhân tâm thần hơn".
Hàng ngày, từng đôi tay các nữ điều dưỡng vẫn thoăn thoắt làm đủ các công việc từ tiêm thuốc, phụ giúp bác sĩ điều trị cho đến đánh răng, rửa mặt, tắm gội, cắt tóc, cắt móng tay, móng chân…cho bệnh nhân.
Có những bệnh nhân không chịu ăn uống hoặc già yếu, điều dưỡng lại động viên, vỗ về, đút từng thìa cơm cho họ. Trong đêm trực ngày lễ cũng như ngày thường, điều dưỡng túc trực, kiểm tra từng phòng bệnh, nhắc nhở bệnh nhân ngủ đúng giờ.
Môi trường chăm sóc bệnh nhân tâm thần có nhiều khó khăn, bệnh nhân ở nhiều lứa tuổi khác nhau, thường xuyên không làm chủ được hành động, cảm xúc của mình. Có lúc người bệnh nũng nịu như trẻ con, có lúc lại nhăn nhó, la mắng như một cụ già. Có bệnh nhân lầm lì, lại có những bệnh nhân khóc cười vô cớ, nói nhảm một mình cả ngày, có bệnh nhân tấn công nữ điều dưỡng...
"Khác với bệnh nhân bình thường, bệnh nhân tâm thần đòi hỏi điều dưỡng phải cận kề an ủi, dỗ dành. Có những đợt, vào ngày 20/10, thèm được về sớm đi dạo phố cùng gia đình nhưng thấy bệnh nhân còn cần mình ở lại nên không nỡ xin phép về sớm"- Điều dưỡng Đặng Thị Hợi chia sẻ.
Cũng theo điều dưỡng Đặng Thị Hợi, ngoài công việc chuyên môn, điều dưỡng nữ chăm bệnh nhân tâm thần còn phải tạo ra các trò chơi văn hóa – thể thao giúp bệnh nhân tăng cường sức khỏe, nhanh bớt bệnh và có thể về nhà để tái hòa nhập được với cộng đồng.
Những món quà vô giá
Những món quà vô giá đối với nữ điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tâm thần là khi thấy bệnh nhân giảm bệnh, khỏi bệnh, có thể tự nói lên những lời bình thường từ đáy lòng của họ.
Điều dưỡng Đặng Thị Hợi bộc bạch: "Chúng tôi thực sự xúc động khi trong dịp ngày lễ 20/10 năm nay, một số bệnh nhân tâm thần đến nói lời chúc mừng ngày Phụ nữ Việt Nam, nói lời cảm ơn điều dưỡng đã miệt mài ngày đêm chóc sóc cho họ. Điều này cho thấy, tình trạng bệnh của bệnh nhân đã tốt hơn. Đây chính là những món quà quý giá nhất với điều dưỡng trẻ chúng tôi".
Điều dưỡng trẻ Nguyễn Thị Thùy Linh (Bệnh viện Tâm thần Trung ương II) cũng quan niệm: "dù là người bệnh hay người bình thường thì đều mong bình an và vui vẻ trong cuộc sống. Niềm vui sẽ giúp con người ta trở nên mạnh mẽ và là động lực để vượt qua mọi nghịch cảnh. Do đó, mỗi khi tiếp xúc với bệnh nhân tâm thần, tùy theo hoàn cảnh mà tôi lồng ghép những câu chuyện vui để tinh thần họ thoải mái hơn. Bên cạnh những giây phút trò chuyện vui vẻ với bệnh nhân, tôi cũng có lúc thấy áp lực, thậm chí sợ hãi khi bệnh nhân lên cơn kích động, chửi bới. Nhưng không vì vậy mà tôi giận họ mà lại thương họ hơn vì đó là những thời điểm người bệnh không thể tự làm chủ bản thân. Hàng ngày chỉ cần nhìn bệnh nhân dần hồi phục, được về với gia đình thì bao nhiêu lo toan, nhọc nhằn như được xóa tan, hạnh phúc đôi khi đơn giản vậy thôi".