Ngày mai diễn ra Tọa đàm 'Nhận diện tiêu chí chung cư an toàn và hạnh phúc cho trẻ em'
Tạp chí Trẻ em Việt Nam tổ chức tọa đàm 'Nhận diện tiêu chí chung cư an toàn và hạnh phúc cho trẻ em' vào ngày 02/8 tại Hà Nội.
Tọa đàm nhằm giúp cho các bậc phụ huynh nâng cao kiến thức, kỹ năng trong hành trình xây dựng tổ ấm, chốn an cư hạnh phúc.
Điều 4, Luật Trẻ em Việt Nam ban hành năm 2016 đã nhấn mạnh “Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh…”. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều câu chuyện, trường hợp đáng tiếc đã xảy ra liên quan đến việc mất an toàn của trẻ em tại các chung cư khiến dư luận không khỏi xôn xao, lo lắng. Không những vậy, trẻ em tại không ít chung cư đang thiếu đi không gian giải trí khi khu vui chơi bị lấn chiếm.
Năm 2023, sự việc bé gái 4 tuổi rơi từ tầng 12 chung cư ở khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm, Hà Nội) tử vong khiến nhiều người dân chứng kiến không khỏi bàng hoàng, xót xa.
Tháng 2/2021, clip ghi lại hình ảnh bé gái 3 tuổi leo qua lan can rồi treo mình lơ lửng ở ban công một căn hộ ở tầng 12, khiến nhiều người thót tim. Rất may mắn, khi rơi xuống phía dưới bé gái này đã được anh Nguyễn Ngọc Mạnh (31 tuổi, ở huyện Đông Anh, Hà Nội) đỡ kịp thời. Kết quả, cháu bé bị gãy xương tay, chân, không nguy hiểm đến tính mạng.
Điểm lại một số vụ việc nói trên để thấy, có không ít hiểm nguy có thể xảy ra với các em nhỏ trong các căn hộ chung cư, nếu người lớn vì một lý do nào đó thiếu để mắt đến các em. Phía sau mỗi vụ tai nạn thương tâm do trẻ nhỏ rơi từ nhà cao tầng, chung cư luôn là sự ám ảnh không chỉ đối với gia đình nạn nhân mà đối với cả xã hội. Bởi vậy, việc xây dựng môi trường an toàn, trước hết từ chính trong ngôi nhà của mình là điều vô cùng quan trọng.
Liên quan đến không gian giải trí, vui chơi cho trẻ em, nhiều năm qua có không ít bài báo phản ánh việc các khu chung cư ở các đô thị lớn như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh,… thiếu trầm trọng diện tích đất sử dụng làm sân chơi cho trẻ nhỏ hoặc có tồn tại nhưng đã xuống cấp không được cải tạo, sân chơi của trẻ em bị chiếm dụng để bán cà phê, hàng ăn…
Việc thiếu sân chơi cho trẻ dẫn đến nhiều hệ lụy đi kèm. Theo các chuyên gia, tình trạng thiếu sân chơi, địa điểm vui chơi dành cho trẻ em có nguyên nhân chủ yếu từ công tác quy hoạch còn hạn chế, thiếu các quy định về phân bổ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, tổ chức hoạt động vui chơi văn hóa cho trẻ em.
Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em nêu rõ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần triển khai các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; Bộ Xây dựng cần rà soát tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em; thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em ở các công trình xây dựng, chung cư, nhà cao tầng.
Song song với trách nhiệm của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin kiến thức cho cha mẹ trong việc xây dựng ngôi nhà an toàn theo Quyết định 548/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng được triển khai.
Tại tọa đàm “Nhận diện tiêu chí chung cư an toàn và hạnh phúc cho trẻ em”, các chuyên gia, doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, bất động sản sẽ thảo luận về thực trạng mất an toàn đang diễn ra tại nhiều chung cư hiện nay đối với trẻ em; Phân tích những rủi ro, khó khăn cho trẻ khi sống ở những chung cư xuống cấp, mất an toàn, thiếu không gian vui chơi,…
Thông qua tọa đàm, Tạp chí Trẻ em Việt Nam sẽ đưa ra những khuyến nghị dành cho người mua nhà nhằm hướng tới sự lựa chọn nơi đáng sống là các chung cư an toàn và hạnh phúc cho trẻ nhỏ.
Tìm ra giải pháp chung cư an toàn và hạnh phúc cho trẻ không chỉ là trách nhiệm của cha mẹ, người chăm sóc mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng.