Ngày mai, nhiều quy định thuế mới gây tranh cãi có hiệu lực
Dù có hiệu lực từ ngày mai (5-12) nhưng Nghị định 126/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế vẫn còn những vướng mắc, bất cập gây khó cho doanh nghiệp chưa giải quyết.
Nhiều quy định mới và nóng tại Nghị định 126/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5-12-2020.
Quy định thứ nhất nhận được nhiều phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp (DN) thời gian qua là tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 3 quý.
Theo đó, tại điểm b khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020 quy định, tổng số thuế TNDN đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm.
Trong trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế TNDN quý 3 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.
Quy định trên được các chuyên gia, doanh nghiệp chỉ ra còn nhiều bất hợp lý vì DN không thể tính trước lợi nhuận kinh doanh cả năm, doanh thu quý 4 có thể tăng cao. Và nguy cơ nhiều DN nộp thấp hơn 75% số thuế TNDN quyết toán năm và bị xử phạt tiền chậm nộp.
Thứ hai là quy định ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế… được đưa ra trong Nghị định 126/2020.
Khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam…
Nhiều ý kiến lo ngại quy định này có thể làm rò rỉ thông tin tài khoản cá nhân, thông tin khách hàng, gây thiệt hại cho DN.
Quy định mới thứ ba là việc khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh giữa tổ chức và cá nhân. Cụ thể, tại điểm c khoản 5 Điều 7 Nghị định 126/2020 quy định rõ các tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế.
Theo đó, việc khai thuế GTGT sẽ được tổ chức có trách nhiệm thực hiện đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh, đồng thời khai thay và nộp thay thuế TNCN cho cá nhân hợp tác kinh doanh....
Trong đó, đáng chú ý là quy định: thay vì nộp thuế khoán theo mức khoán 3% thuế giá trị gia tăng (VAT) và 1,5% thuế thu nhập cá nhân như hiện nay, từ ngày 5-12 tới, theo nghị định 126, mức thuế VAT với xe công nghệ sẽ là 10% trên doanh thu. Hiểu nôm na, từ ngày 5-12, thuế VAT với xe công nghệ sẽ tăng lên mức 10% trên doanh thu…
Thứ tư là quy định về khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán, tại điểm d khoản 5 Điều 7 Nghị định số 126/2020 quy định, đối với cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán, cá nhân là cổ đông hiện hữu nhận thưởng bằng chứng khoán thì tổ chức có trách nhiệm khai thuế thay và nộp thuế thay cho cá nhân đối với thu nhập từ đầu tư vốn khi cá nhân chuyển nhượng chứng khoán cùng loại…
Cụ thể, thay vì cá nhân tự khai thì quy định tổ chức có trách nhiệm khai thay, nộp thuế thay cho cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán, cá nhân là cổ đông hiện hữu nhận thưởng bằng chứng khoán, cá nhân được ghi nhận phần vốn tăng thêm do lợi tức ghi tăng vốn.
Như vậy, Nghị định 126/2020 quy định chỉ thay đổi chủ thể khai, và nộp thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn.