Ngày mai, ông Tất Thành Cang và đồng phạm hầu tòa

Sau khi bị tuyên phạt 10 năm tù, ông Tất Thành Cang có kháng cáo vì cho rằng hành vi của mình không phạm tội như bị cáo buộc.

10 bị cáo và Sadeco kháng cáo

Dự kiến, ngày mai (5/5), TAND Cấp cao tại Tp.HCM mở phiên xét xử phúc thẩm đối với cựu Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM – ông Tất Thành Cang và các đồng phạm theo đơn kháng cáo của 10 bị cáo và kháng cáo của Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn –Sadeco (Sadeco là công ty con của Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC).

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.

Cụ thể, Sadeco đề nghị cấp phúc thẩm buộc các bị cáo Tề Trí Dũng, cựu Tổng giám đốc, thành viên HĐTV IPC, Chủ tịch HĐQT Sadeco; Hồ Thị Thanh Phúc, cựu Tổng giám đốc Sadeco và các đồng phạm bồi thường 2,8 tỷ đồng, hủy bỏ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 13 của Sadeco (đăng ký tăng vốn điều lệ từ 170 lên 260 tỷ đồng. Sadeco đề nghị Sở KH-ĐT Tp.HCM thực hiện thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho Sadeco với số vốn điều lệ đăng ký là 170 tỷ đồng.

Bị cáo Tất Thành Cang kháng cáo không đồng tình với cáo buộc vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí khi chấp thuận cho Sadeco bán rẻ 9 triệu cổ phần. Theo bị cáo Cang, hậu quả của vụ án là do việc làm, báo cáo không trung thực, gian dối của đại diện vốn Văn phòng Thành ủy tại Sadeco làm ảnh hưởng đến chỉ đạo của bị cáo.

Bảy bị cáo khác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt gồm: Tề Trí Dũng, Phạm Văn Thông, cựu Phó chánh văn phòng Thành ủy; Huỳnh Phước Long, cựu Trưởng phòng Quản lý đầu tư kinh doanh vốn của Văn phòng Thành ủy; Trần Công Thiện; cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận; Trần Đăng Linh, cựu Phó tổng giám đốc IPC; Vũ Xuân Đức, cựu Phó tổng giám đốc IPC; Đỗ Công Hiệp, cựu Kế toán trưởng Sadeco.

Riêng 2 bị cáo Nguyễn Văn Minh, cựu Trưởng ban kiểm soát Công ty Sadeco kháng cáo xin xem xét lại tội danh và mức án. Bị cáo Nguyễn Trường Bảo Khánh, cựu thành viên HĐTV IPC xin giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo.

Cấp sơ thẩm khẳng định ông Tất Thành Cang có tội

Trước đó, sau 2 tuần xét xử, hội đồng xét xử (HĐXX) TAND Tp.HCM cho rằng, bị cáo Dũng biết việc chuyển nhượng cổ phần của Sadeco có vốn Nhà nước phải qua đấu giá, xác định theo giá thị trường nhưng lại chỉ đạo cấp dưới sử dụng kết quả thẩm định giá của doanh nghiệp không có chức năng thẩm định, thông qua quyết định bán cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước.

Theo HĐXX, căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa có đủ chứng cứ xác định bị cáo Dũng có vai trò cầm đầu, xuyên suốt hàng loạt sai phạm tại Sadeco.

Ngoài ra, bị cáo còn chỉ đạo cấp dưới tổ chức chi tiền của Sadeco cho nhiều cá nhân đi du lịch nước ngoài dưới danh nghĩa tham quan, khảo sát gây thất thoát hơn 2,1 tỷ đồng và tham ô 4,6 tỷ đồng từ quỹ thù lao khen thưởng của công ty. Do bị cáo Dũng thành khẩn khai báo, ăn năn hối hận, đã nộp lại tiền tham ô… nên HĐXX cân nhắc, xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt khi lượng hình.

Đối với bị cáo Cang, với vai trò là Phó bí thư Thường trực Thành ủy Tp.HCM buộc phải biết rõ bán cổ phần, phát hành thêm để tăng vốn điều lệ cho Sadeco phải thực hiện đấu giá và thẩm định giá.

Tuy nhiên, bị cáo vẫn bút phê “Đồng ý” vào Tờ trình 1148 phát hành 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần không thông qua đấu giá công khai, không định giá tài sản theo quy định.

Hành vi của bị cáo Cang gây thiệt hại hơn 1.103 tỷ đồng; trong đó thiệt hại của Nhà nước là 669 tỷ đồng.

Tại tòa, bị cáo Cang cho rằng bút phê của mình chỉ thống nhất về chủ trương chứ không phải là chỉ đạo có tính quyết định để thực hiện việc phát hành cổ phần dẫn đến thiệt hại của Sadeco. Bị cáo nói chỉ đạo chỉ có ý nghĩa với việc biểu quyết trong phần vốn góp của Thành ủy (16,7%) tại công ty này. Tuy nhiên, lập luận này của bị cáo Cang không được HĐXX chấp nhận.

Theo HĐXX, hành vi của bị cáo Cang đã tạo điều kiện cho bị cáo Dũng thực hiện việc chuyển nhượng 9 triệu cổ phần của Sadeco cho Công ty Nguyễn Kim gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước. Hành vi của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Đối với bị cáo Thanh Phúc, HĐXX đánh giá bị cáo là người có vai trò quan trọng sau Dũng, giúp sức tích cực cho Chủ tịch HĐQT trong tất cả các hành vi sai phạm. Quá trình xét xử, bị cáo thành khẩn khai báo nên đây là tình tiết giảm nhẹ.

Với nhóm 17 bị cáo còn lại, các bị cáo có hành vi tham mưu, đề xuất, giúp sức cho các bị cáo đầu vụ. Tùy vào tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của từng bị cáo, HĐXX sẽ quyết định mức án tương xứng.

Theo HĐXX, 20 bị cáo trong vụ án có hành vi phạm tội như cáo trạng nêu là có căn cứ, đúng người, đúng tội, không oan sai.

Sau khi cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hình phạt theo quy định pháp luật, HĐXX tuyên phạt bị cáo Tất Thành Cang 10 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Tuyên phạt bị cáo Tề Trí Dũng 11 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; 9 năm tù về tội Tham ô tài sản. Tổng hình phạt cho cả 2 tội là 20 năm tù.

Bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc lĩnh 9 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; 7 năm tù về tội Tham ô tài sản. Tổng hình phạt cho cả 2 tội là 16 năm tù.

17 bị cáo khác với vai trò đồng phạm của Tề Trí Dũng, Tất Thành Cang bị tuyên phạt từ 2 năm tù treo đến 13 năm tù. Trong đó, nhiều người được tuyên trả tự do tại tòa do thời gian bị tạm giam bằng với mức án.

Võ Công Thư

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ngay-mai-ong-tat-thanh-cang-va-dong-pham-hau-toa-a551933.html