Ngày mai, Trung Quốc khai mạc Đại hội Đảng
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến khai mạc lúc 10 giờ sáng 16/10 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, với sự tham dự của 2.296 đại biểu đại diện cho hơn 96 triệu đảng viên. Đại hội sẽ xem xét, thông qua 3 văn kiện quan trọng.
Sửa đổi Điều lệ Đảng
Tại Hội nghị Trung ương 7 (diễn ra từ ngày 9 tới 12/10 ở Bắc Kinh), 199 ủy viên Trung ương Đảng và 159 ủy viên dự khuyết đã thảo luận và thông qua báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 trình Đại hội XX, báo cáo công tác của Ủy ban Kiểm tra-Kỷ luật Trung ương trình Đại hội XX và dự thảo sửa đổi Điều lệ Đảng trình Đại hội XX, Xinhua đưa tin.
Trước đó, ngày 9/9, tại cuộc họp Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Tập Cận Bình chủ trì, 25 ủy viên Bộ Chính trị đã thảo luận dự thảo báo cáo của Ban chấp hành Trung ương, dự thảo sửa đổi Điều lệ Đảng và dự thảo báo cáo công tác của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương trình Đại hội XX.
Các nhà phân tích tin rằng, động thái sửa đổi này nhằm đưa triết lý cầm quyền của Tổng Bí thư Tập Cận Bình (69 tuổi) vào Điều lệ Đảng, và điều này sẽ củng cố hơn nữa vị trí lãnh đạo của ông.
Hiện có nhiều dự báo rằng ông Tập Cận Bình sẽ nắm chắc nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba kéo dài 5 năm, và sẽ được coi là lãnh tụ, ngang với ông Mao Trạch Đông và ông Đặng Tiểu Bình, báo South China Morning Post đưa tin.
Điều lệ Đảng được sửa đổi lần gần đây nhất là vào năm 2017 để tôn vinh “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”. Các nhà quan sát chính trị cho rằng, có một khả năng sửa đổi là cụm từ kể trên sẽ được viết ngắn lại thành “Tư tưởng Tập Cận Bình”. Ông Alfred Wu, Phó giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu của Đại học Quốc gia Singapore, nói: “Nếu rút ngắn thành ‘Tư tưởng Tập Cận Bình’ thì sẽ không chỉ dễ nhớ hơn, mà còn khiến vị thế của ông Tập sánh ngang với ông Mao Trạch Đông”.
Một sửa đổi khác, điều cũng được coi là nâng cao quyền lực của ông Tập Cận Bình, là đưa vào Điều lệ Đảng cụm từ “Hai xác lập”. Ông Xie Maosong, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), cho rằng, bên cạnh một phiên bản chắt lọc hơn về những tư tưởng chính trị của ông Tập Cận Bình, Điều lệ Đảng (sửa đổi) cũng có thể đề cập chi tiết hơn các ưu tiên quản trị của ông, như về phát triển kinh tế, pháp quyền, ngoại giao và an ninh.
Ông Xie cho rằng, bản sửa đổi có thể bao gồm một số khái niệm chính có từ Đại hội Đảng XIX, như “Hai xác lập”. Cụm từ “Hai xác lập” lần đầu tiên được đề cập trong một nghị quyết lịch sử quan trọng được thông qua tại Đại hội Đảng XIX cách đây 5 năm, theo đó xác lập “vị trí hạt nhân” của Tổng Bí thư Tập Cận Bình trong Đảng, cũng như xác lập “vị trí chỉ đạo” của “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”.
Vai trò lãnh đạo
Những năm qua, ông Tập Cận Bình tập trung xác lập địa vị nhà lãnh đạo hạt nhân và học thuyết của mình (đã được ghi trong Hiến pháp năm 2018). Tháng 11/2021, ông trở thành nhà lãnh đạo thứ ba của Trung Quốc (sau Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình) đưa ra nghị quyết về lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, Xinhua đưa tin.
Từ ngày 23/5/2022, CCTV chiếu chùm phim ngắn “Dấu chân” 50 tập (do Xinhua sản xuất) ca ngợi các thành tựu, đặc biệt là thành tựu chính trị, của ông Tập Cận Bình từ thời học sinh đến nay. Tháng 3/2022, nhân dịp họp Lưỡng hội, CCTV có chuyên mục “Lãnh tụ nhân dân Tận Cận Bình”. Trước Đại hội Đảng XX, hội nghị đảng bộ các tỉnh, thành phố khắp Trung Quốc đều ca ngợi tài lãnh đạo của Tổng bí thư-Chủ tịch nước Tập Cận Bình.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong mới đây, một nhà báo công tác tại báo Trung Quốc People’s Daily nhận định, cả ba văn kiện trình Đại hội XX sẽ ít nhiều đề cập vai trò hạt nhân của Tổng Bí thư Tập Cận Bình trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng nói riêng, trong Đảng Cộng sản Trung Quốc nói chung và Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong kỷ nguyên mới.
“Tóm lại, dù tình hình trong nước và quốc tế phức tạp, nhiều thách thức, Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã đoàn kết, dẫn dẫn dắt toàn đảng, toàn bộ các lực lượng vũ trang và toàn dân đạt được nhiều thắng lợi, hoàn thành các nhiệm vụ thúc đẩy cải cách và phát triển, duy trì ổn định trong nước… mà thắng lợi lớn nhất, nhiệm vụ 100 năm thứ nhất đã hoàn thành là xây dựng xong xã hội khá giả toàn diện, và tiến tới hoàn thành nhiệm vụ 100 năm thứ hai là phục hưng dân tộc, đưa Trung Quốc thành nước XHCN hiện đại vĩ đại”, nhà báo Trung Quốc nhận định.
Theo nhà báo này, năm 2012, ông Tập Cận Bình cam kết thực hiện sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa và đến nay vẫn kiên định với mục tiêu này. “Nhiều người Trung Quốc tin rằng, Trung Quốc sẽ hiện thực hóa được giấc mộng Trung Hoa vào năm 2035, vượt qua Mỹ, xây dựng được thế giới phát triển hài hòa mà theo lời ông Tập Cận Bình là cộng đồng nhân loại chung vận mệnh”, nhà báo Trung Quốc nói.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ngay-mai-trung-quoc-khai-mac-dai-hoi-dang-post1478244.tpo