Ngày Messi bị thiêu rụi bởi ngọn lửa của Liverpool

Ngày 7/5/2019, trên sân Anfield, thầy trò huấn luyện viên Juergen Klopp tạo nên trận đấu giàu cảm xúc. Còn Barca có mùa thứ 2 liên tiếp là nạn nhân của cuộc lội ngược dòng.

Chẳng có mấy ai tin Liverpool sẽ lọt vào chung kết Champions League bởi trước đó một tuần, họ sụp đổ 0-3 trên sân Camp Nou ở trận lượt đi. Những khoảnh khắc thiên tài của Lionel Messi nhấn chìm "Lữ đoàn đỏ". Thậm chí, nếu Ousmane Dembele sắc bén hơn, tỷ số đã là 4-0 cho Barca.

Không chỉ vậy, Liverpool còn không có sự phục vụ của Mohamed Salah lẫn Roberto Firmino. Mũi đinh ba trên hàng công đã gãy 2 đầu nhọn. Và nhiều người bắt đầu tin vào lời hứa của Messi ở đầu mùa giải 2018/19. Anh hứa sẽ giúp Barca vô địch Champions League sau 4 năm chờ đợi.

Cuối cùng, khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, những người hưởng trọn niềm vui là cầu thủ, ban huấn luyện và người hâm mộ Liverpool.

 Messi lại bất lực và tiếp tục thất hứa với người hâm mộ Barca. Ảnh: Getty.

Messi lại bất lực và tiếp tục thất hứa với người hâm mộ Barca. Ảnh: Getty.

Messi ở đâu trong những thời khắc quyết định?

Trên sân Camp Nou, Messi có những khoảnh khắc thiên tài để giúp Barca giành chiến thắng 3-0. Anh và các đồng đội đến Anfield với tràn đầy sự tự tin. Thậm chí, Suarez tin rằng mình sẽ ghi bàn khi khẳng định không ăn mừng tại Anfield.

Tuy nhiên, 90 phút sau đó lại trở thành ác mộng của Barca. Họ nhận bàn thua sớm như kịch bản từng xảy ra trên sân Olympico của Roma. Tiếp theo đó, Barca chịu những đòn tấn công dồn dập từ Liverpool. Để rồi cuối trận, "Gã khổng lồ xứ Catalonia" một lần nữa bị hạ gục, còn Messi tiếp tục thất bại trước Alisson.

 Messi không thể hiện được vai trò thủ lĩnh của Barca. Ảnh: Getty.

Messi không thể hiện được vai trò thủ lĩnh của Barca. Ảnh: Getty.

Trên sân, Messi vẫn tạo ra những cơ hội ngon ăn cho cá nhân anh và đồng đội. Anh được Whoscored chấm 7,2 điểm, là cầu thủ hay nhất bên phía Barca, nhưng bao nhiêu đó là không đủ.

Bàn thứ nhất, bàn thứ 2 rồi đến cả bàn thứ 4, sau màn ăn mừng của các cầu thủ Liverpool, đạo diễn hình luôn cho khán giả chứng kiến gương mặt của Messi. Anh không giận dữ cũng không có động tác để yêu cầu đồng đội bình tĩnh, tự tin hơn.

Ở Olympico và Anfield, Messi luôn thể hiện bộ mặt thất thần, bất lực, dù trong những thời điểm đó, anh cần chứng tỏ tố chất của người thủ lĩnh. Khi Barca lung lay, họ dễ dàng sụp đổ.

Về chuyên môn, Messi được đánh giá là GOAT (Greatest Of All Time: Vĩ đại nhất mọi thời đại). Thế nhưng, chiếc băng đội trưởng nhỏ bé kia dường như lại quá tầm đối với cầu thủ lớn như anh. Messi có thể cứu rỗi Barca trong vài khoảnh khắc, nhưng anh không thể dẫn dắt đồng đội đi đúng hướng trong sương mù.

Ngay từ đầu trận, các cầu thủ Liverpool cũng có những "chiêu trò" để gây hấn với đối thủ cũng như tự lên tinh thần cho chính mình. Fabinho, Henderson không ngần ngại tắc bóng, va chạm quyết liệt. Andy Robertson, người khá hài hước trong đội hình Liverpool, thể hiện sự láu cá bằng tình huống ấn đầu Messi. Sau đó, Messi không trả đũa, không thể hiện bất cứ sự quyết liệt nào.

Messi quá hiền lành, anh có đời tư sạch sẽ, ít bê bối. Anh không có cá tính đủ mạnh mẽ để truyền cảm hứng cho đồng đội. Đó là một phần lý do khiến anh không được yêu mến ở Argentina như Diego Maradona dù tài năng không kém cạnh. "Cậu bé vàng" ăn chơi, sa đà vào ma túy nhưng vẫn được lòng người hâm mộ nhờ tố chất lãnh đạo. Đó là sự khác biệt.

Robertson chủ động gây hấn với Messi. Ảnh: Getty.

Robertson chủ động gây hấn với Messi. Ảnh: Getty.

Ngọn lửa

Lịch sử Liverpool chưa bao giờ thiếu những cuộc lội ngược dòng vĩ đại. "Đêm Istanbul huyền diệu" năm 2005 là một trong số đó. Họ để thua 0-3 trước AC Milan hùng mạnh với những thiên tài như Andrea Pirlo, Ricardo Kaka hay Andriy Shevchenko. Cuối cùng, Steven Gerrard và đồng đội mới là những người nâng cúp dưới cơn mưa giấy màu đỏ rợp trời.

Trent Alexander-Arnold, một Scouser (dân Liverpool) đích thực nói: "Khi lớn lên, tôi luôn được dạy lịch sử CLB gắn với hào quang của Champions League. Và tôi sẽ giúp Liverpool vào chung kết".

Còn Mohamed Salah lại khoác chiếc áo thun giản dị, bên trong có dòng chữ "Never Give Up", nghĩa là không bao giờ bỏ cuộc. Trong khi đó, HLV Klopp xuất hiện với nụ cười. Tại sân Anfield, ông từng giúp Liverpool lội ngược dòng trước Dortmund ở Europa League 2015/16. Đó là những chi tiết cho thấy Liverpool vẫn tin họ có thể làm nên điều kỳ diệu.

 Salah mặc chiếc áo thể hiện tinh thần của Liverpool. Ảnh: Getty.

Salah mặc chiếc áo thể hiện tinh thần của Liverpool. Ảnh: Getty.

Trước và trong trận đấu, các cổ động viên Liverpool truyền lửa cho cầu thủ con cưng bằng những giai điệu You'll Never Walk Alone, Allez Allez Allez... quen thuộc. Họ dành những người cũ như Luis Suarez, Philippe Coutinho những tiếng "boo" đầy khó chịu. Bộ đôi này cũng có một số cơ hội dứt điểm nhưng không thể hạ gục Alisson Becker.

Gini Wijnaldum, người lập cú đúp trong trận đấu này, cũng có ngọn lửa khác của riêng mình. Anh khao khát được chứng tỏ bản thân sau khi được tung vào sân từ băng ghế dự bị.

"Một lần nữa chúng tôi cho thấy mọi thứ đều có thể xảy ra trong bóng đá. Tôi thực sự tức giận với HLV Klopp khi ông ấy đặt tôi lên băng ghế dự bị. Tôi nghĩ mình phải làm gì đó để giúp đội khi được vào sân", tiền vệ người Hà Lan chia sẻ sau trận.

Phút 54, Wijnaldum nâng tỷ số lên 2-0 bằng pha cắt mặt nhanh như điện xẹt. Ngay lập tức, anh lao vào tranh giành quả bóng với thủ thành Ter Stegen để đưa trận đấu tiếp tục nhanh nhất có thể. Anh hiểu đây chưa phải là lúc để ăn mừng.

Đúng 2 phút sau, Wijnaldum "trả lại" quả bóng cho Ter Stegen bằng cú đánh đầu hoàn hảo. Thủ môn người Đức tức giận, sút mạnh vào quả bóng đã bay vào lưới, còn Wijnaldum không thể kìm được sự hạnh phúc. Kết quả trận bán kết đang ở thế cân bằng. Số 5 của Liverpool gào thét để ăn mừng. Khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, Wijnaldum đã khóc.

 Wijnaldum lao vào cướp bóng ngay trong tay Ter Stegen sau khi ghi bàn. Ảnh: Getty.

Wijnaldum lao vào cướp bóng ngay trong tay Ter Stegen sau khi ghi bàn. Ảnh: Getty.

Cách đó chừng vài mét, đội trưởng Jordan Henderson cũng rơi lệ. Anh đã chiến đấu hết mình. Ở thời điểm Henderson nhận sự chăm sóc của bác sĩ, cả sân Anfield chìm trong bầu không khí im lặng đáng kinh ngạc. HLV Klopp đã cho Wijnaldum khởi động, nhưng Henderson vẫn đứng dậy, bước vào sân trong tiếng vỗ tay của các cổ động viên Liverpool.

Trong cả trận đấu, Henderson tích cực hỗ trợ phòng ngự, cùng với các đồng đội hạn chế sự nguy hiểm của Messi. Anh thực hiện 5 cú tắc bóng, nhiều nhất bên phía Liverpool và thành công 80%.

Bên trong phòng thay đồ, Alexander-Arnold nhận ra máy quay đang hướng về mình. Anh hôn lên logo Liverpool để tỏ rõ sự tự hào. Hậu vệ trẻ này nói sẽ giúp Liverpool vào chung kết và anh đã làm được.

Messi là hy vọng, tất cả của Barca. Khi họ quá phụ thuộc vào anh, sức nóng mà cầu thủ này tạo ra chỉ là que diêm nhỏ. Còn ở Anfield, Liverpool tạo ra ngọn lửa lớn từ mỗi cá nhân, mỗi người hâm mộ. Ngọn lửa đó có thể thiêu rụi bất cứ đối thủ nào.

Đó là lý do trong "từ điển" của những người hâm mộ Liverpool tồn tại cụm từ "European Night", ám chỉ những đêm châu Âu huyền diệu.

Nguyên Khang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ngay-messi-bi-thieu-rui-boi-ngon-lua-cua-liverpool-post1081825.html