Ngày mở cửa du lịch chưa có khách quốc tế
Việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế vào Việt Nam vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Nhiều doanh nghiệp cho biết hiện vẫn chờ hướng dẫn từ Bộ Y tế.
Con số 0 là những gì đa số doanh nghiệp inbound có trong đợt mở cửa đón khách quốc tế 15/3.
Chẳng biết nói gì
Dù biết khó có khách, không ít doanh nghiệp vẫn muốn mọi thứ cần được công bố trước cột mốc 15/3 bởi đã có quá nhiều đối tác quan tâm tới việc du lịch Việt Nam trở lại.
Trả lời Zing, ông Nguyễn Văn Tú, Giám đốc World Mate Travel, thừa nhận doanh nghiệp chẳng có nổi một đoàn khách trong đợt 15/3. Dù sự quan tâm của khách là rất lớn, ông Tú cũng không biết phải nói gì với họ.
"Chúng tôi phải nói nước đôi với họ. Kiểu như công ty sẽ cập nhật tình hình sau 15/3, còn bây giờ, chưa có gì thay đổi cả", ông Tú chán nản.
Đại diện công ty cho biết họ chỉ còn biết chờ những quy định chính thức từ Chính phủ. Những đề xuất từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực sự như "liều thuốc tinh thần" với họ. Tuy nhiên, phản hồi và những tranh cãi với Bộ Y tế về quy định cách ly lại khiến các doanh nghiệp một lần nữa rơi vào thế khó.
Cũng gặp tình trạng tương tự, bà Hiên Kim, Giám đốc Kinh doanh mảng inbound (đón khách quốc tế vào Việt Nam) của Best Price, cho biết đã nhận được yêu cầu đặt tour trong cuối tháng 3, đầu tháng 4. Dù vậy, công ty vẫn chưa dám xác nhận tour khách đặt đi trong khoảng thời gian này. Họ chỉ có thể xác nhận cho những khách đặt tour trong khoảng thời gian cuối năm.
"Việt Nam nên mau chóng thống nhất về quy định mở cửa giữa các bộ, ngành. Nhìn sang các nước bên cạnh chúng ta như Thái Lan, Singapore, Campuchia, Maldives, Hàn Quốc…, họ đều có những chính sách mở cửa rất thông thoáng để thu hút du khách.
Nếu Việt Nam không mau chóng công bố chính sách mở cửa, du khách rất có thể sẽ chuyển hướng sang các nước khác. Trên quan điểm của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực inbound, chúng tôi mong muốn mọi thứ thật rõ ràng để yên tâm tập trung kinh doanh", bà Kim nói.
Đủ cái khó
Điểm chung của các doanh nghiệp lúc này là họ đang phàn nàn các chính sách mở cửa cho du khách nước ngoài đến Việt Nam quá khắt khe.
Hiện nay, 2 vướng mắc lớn nhất là chính sách nhập cảnh và chính sách cách ly. Trước năm 2019, chính sách của chúng ta khá dễ dàng cho du khách tới. Sau 2 năm dịch, mọi thứ vẫn chưa thể trở lại như cũ. Nhiều doanh nghiệp mong Chính phủ khôi phục chính sách miễn thị thực như trước để đón khách dễ dàng. Tuy nhiên, vẫn chưa có thông báo chính thức được đi ra.
Thứ 2 là chính sách về cách ly. Tới thời điểm này, Bộ Y tế vẫn chưa có thêm đề xuất gì về việc thời gian cách ly cho du khách Quốc tế. Nếu vẫn giữ nguyên như đề xuất cũ, các doanh nghiệp thừa nhận mọi thứ sẽ quá khó cho du khách. Bởi trung bình, tour của du khách quốc tế chỉ kéo dài 7-14 ngày. Việc cách ly 3 ngày sẽ khiến họ không còn thời gian du lịch.
"Thực ra, các chính sách không rõ ràng hoặc trên đưa xuống dưới không khớp khiến nhiều doanh nghiệp thấy chán nản. Nếu không có những chính sách rõ ràng, chiến lược lâu dài của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.
Ngoài vấn đề cách ly, visa, tôi nghĩ du lịch Việt cần quan tâm đến câu chuyện nhân sự. Liệu địa phương, doanh nghiệp có đủ người để đón khách khi trở lại không khi nhân sự du lịch đã tổn thương nặng nề trong 2 năm dịch", ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kiên Giang, giám đốc công ty TNHH Du lịch Vina Phú Quốc, chia sẻ.
Không phải chuyện xấu
Theo ông Nguyễn Công Hoan, CEO Flamingo Redtours, việc Việt Nam không đón được khách quốc tế trong ngày "trọng đại" 15/3 cũng chẳng phải vấn đề to tát. Bản thân doanh nghiệp đã lường trước được vấn đề này.
"Chúng ta phải coi 15/3 là cột mốc đưa ra các chính sách cuối cùng, thay vì nghĩ 15/3 mở cửa ra là khách sẽ ào vào. Điều quan trọng là sau 15/3, chúng ta có đủ thông tin để làm việc với các đối tác nước ngoài", ông Hoan nói.
Đại diện doanh nghiệp này cho biết từ tháng 11 năm ngoái, ngành du lịch đã có lộ trình 3 giai đoạn để mở cửa trở lại. Theo đó, giai đoạn 1 (từ tháng 11/2021), thí điểm đón khách quốc tế theo chương trình trọn gói ở một số địa phương. Giai đoạn 2 (từ tháng 1 tới 30/4) sẽ mở rộng phạm vi đón khách quốc tế. Cuối cùng, giai đoạn 3 (từ 1/5) sẽ mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch quốc tế.
Trên quan điểm của ông Hoan, từ lộ trình này, các công ty du lịch đã có thể lên kế hoạch kết nối thị trường, làm việc lại với các đối tác quốc tế. Việc đẩy sớm từ 1/5 xuống 15/3 không phải vấn đề lớn, thậm chí càng tốt với các doanh nghiệp.
Do đó, sau 15/3, các doanh nghiệp sẽ có những thông tin chính thức để thông báo với khách hàng. Thị trường nào dễ có thể mở vào trước, thị trường khó hơn có thể đến sau.
"Quan trọng là chúng ta tạo được khí thế khi mở cửa, không thể bắt mở là có khách được", ông Hoan chia sẻ quan điểm.
Trước đó, ngày 26/2, Bộ Y tế có phản hồi về dự thảo "Phương án mở cửa hoạt động du lịch" của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nội dung bao gồm việc không chấp nhận kết quả test nhanh với khách quốc tế, yêu cầu họ không rời khỏi nơi lưu trú trong vòng 24 giờ kể từ khi nhập cảnh. Trong ngày thứ 2 và thứ 3, nếu muốn rời khỏi nơi cư trú, du khách phải xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng ngày (xét nghiệm nhanh hoặc PCR âm tính).
Sau đó, trong dự thảo phòng chống Covid-19 với người nhập cảnh đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế đề xuất người nhập cảnh Việt Nam không cần phải có xác nhận đã tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 hoặc đã khỏi Covid-19, nhưng cần đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Đến chiều 14/3, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gửi công văn yêu cầu Bộ Y tế sửa đổi quy định theo tinh thần "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19". Theo đó, Bộ Y tế phải gửi các quy định cụ thể lại cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 15/3 để tổng hợp, hoàn thiện và công bố.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ngay-mo-cua-du-lich-chua-co-khach-quoc-te-post1302406.html