Ngày mới dưới chân núi Thắm

PTĐT - Câu chuyện thời cải cách ruộng đất những năm 60 của thế kỷ trước, được tái hiện trong truyện 'Ông lão chăn bò trên núi Thắm' ...

Những ngôi nhà cao tầng khang trang, phản ánh đời sống ấm no của người dân nơi đây.

Những ngôi nhà cao tầng khang trang, phản ánh đời sống ấm no của người dân nơi đây.

PTĐT - Câu chuyện thời cải cách ruộng đất những năm 60 của thế kỷ trước, được tái hiện trong truyện “Ông lão chăn bò trên núi Thắm” của tác giả Xuân Thu đã in đậm trong tâm trí biết bao thế hệ, nhận được sự đồng cảm của người đọc qua từng trang viết. Núi Thắm là biểu tượng thiêng liêng, niềm tự hào và gắn bó mật thiết với người dân xã Khải Xuân, huyện Thanh Ba, chứng kiến những thăng trầm của lịch sử.
Quê hương bước ra từ trang sách
Một ngày về núi Thắm, thiên nhiên hùng vĩ và cảnh vật nơi đây khiến con người ta liên tưởng đến sự hoang sơ của núi đồi ngày xa xưa với các loài động, thực vật quý hiếm như: Đinh, lim, chò chỉ, sến, táu… mọc bạt ngàn, hay hổ, báo, gấu, hươu, nai… trú ngụ. Trong thời gian dài, rừng núi Thắm là nguồn sống chính của người dân địa phương, từ cung cấp thực phẩm, nguyên liệu dựng nhà, đồ dùng sinh hoạt đến các cây dược liệu chữa bệnh. Quê hương trù phú là thế, nhưng cuộc sống người dân nơi đây lại lầm than cơ cực dưới ách cai trị độc đoán của thực dân, phong kiến. Nhiều cảnh đời đau thương đã đi vào văn học, tiêu biểu như cụ Cóc- người bần cố nông ở đợ cho địa chủ Đỗ Văn Nhân, nguyên mẫu cho hình tượng nhân vật “ông lão chăn bò” trong tác phẩm của nhà văn Xuân Thu. Nghe các cụ cao niên trong làng kể lại: Ngày ấy, vùng này đất đai tuy nhiều, nhưng quá nửa ruộng canh tác rơi vào tay các địa chủ phong kiến. Riêng ở Khải Xuân, địa chủ Đỗ Văn Nhân chiếm 105 mẫu ruộng, 300 mẫu đồi, lập đồn điền, thuê những cố nông tay không tấc đất như bố con ông lão Cóc cày thuê, cuốc mướn, chăn bò. Thực dân, phong kiến cấu kết với địa chủ, cường hào vơ vét tài nguyên, bóc lột sức lao động những người bần cố nông.Cho đến năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập, ánh sáng cách mạng đã làm thay đổi cuộc sống của người dân trong xã.Năm 1935, ông Bùi Quang Tạo (hay còn gọi là Bùi Nhật) sau này làm Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp về hoạt động gây dựng cơ sở ở 2 đồn điền Phú Hộ và Khải Xuân. Từ đó, người dân đồng lòng đứng lên, cùng bộ đội Việt Minh khởi nghĩa giành chính quyền, cùng với nhân dân cả nước làm nên cuộc cách mạng tháng Tám đập tan ách áp bức, bóc lột. 15 giờ ngày 17/8/1945 ở tại đình làng Vân Thê, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức trọng thể mừng thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa và thành lập nên chính quyền cấp xã. Từ đó, một trang sử mới mở ra, nhân dân Khải Xuân dần thoát khỏi lầm than, chấm dứt 80 năm nô lệ để hưởng cuộc sống độc lập tự do.Dưới ngọn cờ của Đảng, nhân dân Khải Xuân đã vượt qua những khó khăn, thử thách, đạt được những thắng lợi vô cùng vẻ vang, giành lại chính quyền từ tay đế quốc, phong kiến để làm chủ vận mệnh của mình; không tiếc sức người, sức của, cung cấp cho tiền tuyến, nhường nhà cửa, vườn tược làm kho tàng, nơi ở của các cơ quan và bộ đội, đón đồng bào sơ tán, huy động hàng vạn ngày công phục vụ cho hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Trong công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền địa phương, nhân dân xã Khải Xuân đã nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật làm tăng năng suất, ổn định đời sống nhân dân, nông thôn ngày càng đổi mới. Nhân dân đoàn kết một lòng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có lòng yêu nước thiết tha, căm thù giặc sâu sắc không quản gian lao vất vả, sẵn sàng chịu đựng hy sinh để bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc.

Những con đường liên xã được bê tông hóa góp phần làm thay đổi diện mạo xã Khải Xuân.

Những con đường liên xã được bê tông hóa góp phần làm thay đổi diện mạo xã Khải Xuân.

Bình minh ngày mớiVề Khải Xuân hôm nay, đi trên con đường nhựa liên thôn, liên xã dọc theo chiều dài núi Thắm, vào thăm những gia đình an cư lạc nghiệp dưới chân núi có thể cảm nhận được sự đổi thay rõ rệt trong cuộc sống người dân nơi đây. Ông Phí Văn Bàn - Bí thư Đảng ủy xã Khải Xuân cho biết: “Trước kia học phổ thông, đọc truyện “Ông lão chăn bò trên núi Thắm”, tôi đã khóc rất nhiều bởi nhân vật ông lão đó là một người dân quê tôi. Nay, điều khiến tôi cảm thấy tự hào chính là đã góp một phần công sức nhỏ bé cùng người dân Khải Xuân đưa quê hương từng bước phát triển”.Đưa chúng tôi vào nhà anh Lê Văn Nhiệm tại khu 4, ông Bàn giới thiệu đây là mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình tiêu biểu của xã. Với hơn 4.000 con gà, mỗi năm gia đình anh thu nhập hơn 300 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn kết hợp trồng bưởi Da xanh và bưởi Diễn thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Bên cạnh việc phát triển kinh tế hộ gia đình, anh Nhiệm còn chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều gia đình trong xã để cùng giúp nhau cải thiện cuộc sống.Còn nhớ, con đường đất nối từ xã Khải Xuân đến khu Chùa Tà dài hơn 3km trước đây cứ mưa xuống là lầy lội, trơn trượt, người dân đi lại khó khăn. Để phục vụ nhu cầu đi lại của bà con nhân dân, lãnh đạo xã Khải Xuân đã ưu tiên huy động nguồn vốn triển khai làm đường giao thông. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện công trình gặp nhiều khó khăn bởi phải giải tỏa mặt bằng đối với trên 50 hộ dân xung quanh tuyến đường. Trước thực trạng đó, chính quyền xã đã đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, vận động và được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ với tổng số trên 4.000m2 đất, tường rào cùng hàng trăm ngày công lao động để xây dựng con đường bê tông mới...Khải Xuân cũng đã về đích xây dựng nông thôn mới (NTM) vào tháng 6/2019. Đặc biệt, trong 8 năm thực hiện xây dựng NTM, Khải Xuân đã huy động được trên 46 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong đó, ngân sách Trung ương là trên 3,8 tỷ đồng; ngân sách tỉnh là trên 4,1 tỷ đồng; ngân sách huyện trên 10 tỷ đồng và huy động nhân dân đóng góp trên 25 tỷ đồng (chiếm trên 70% nguồn ngân sách. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 35 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn hơn 7,52%; tỷ lệ lao động trên địa bàn có việc làm thường xuyên đạt trên 96%; tổng giá trị thu nhập 6 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn ước đạt 104,405 tỷ , đạt 46,77% so với kế hoạch năm, tăng 3,98% so với cùng kỳ; tình hình an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, an sinh xã hội được quan tâm, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên.Những đổi thay của xã Khải Xuân và những ngôi nhà dưới chân núi Thắm là minh chứng rõ nét cho ý chí quật cường, tinh thần dũng cảm của nhân dân trước đây trong việc chung sức đồng lòng, bảo vệ xây dựng quê hương. Và núi Thắm- ngọn núi uốn mình bao bọc phía Tây của xã sẽ mãi vững trãi bảo vệ những người dân trên mảnh đất quê hương này.

Phương Thúy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202007/ngay-moi-duoi-chan-nui-tham-172183