Ngày mới ở bản Con Dao
Là một trong những bản có đồng bào Dao sinh sống của xã biên giới Quang Chiểu (Mường Lát), trước đây Con Dao gần như bị cô lập với bên ngoài do giao thông đi lại bất tiện. Trong những năm qua, từ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bà con chuyển đổi mô hình sản xuất, cuộc sống dần khấm khá hơn.
Về bản Con Dao vào những ngày này, con đường đất trơn trượt, nhỏ hẹp trước kia đã được mở rộng và cứng hóa, ô tô ra, vào thuận tiện hơn. Những ngôi nhà mới được xây dựng khang trang, kiên cố, đời sống người dân đã khấm khá hơn, không còn lo thiếu đói mùa giáp hạt. Được sự hỗ trợ từ chính quyền, các ngành, đoàn thể, người dân nơi đây đã thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, tăng năng suất cây trồng, được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất.
Anh Tặng Văn Cấu, bí thư chi bộ kiêm trưởng bản cho biết: Con Dao cách trung tâm xã chừng hơn 7 km. Trước đây các hộ dân vẫn duy trì cuộc sống theo hướng tự cung, tự cấp, kinh tế chủ yếu chỉ dựa vào cây lúa, sắn và chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún. Thời đó, con đường vào bản chủ yếu là đường đất, nhỏ hẹp, mùa mưa việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Vì vậy hoạt động giao thương rất hạn chế, sản phẩm nông nghiệp của bà con làm ra cũng khó tiêu thụ. Cuộc sống từ đời này sang đời khác luôn quẩn quanh trong đói nghèo, lạc hậu. Từ năm 2021, được sự quan tâm của Nhà nước, con đường nối vào bản được cứng hóa, mặc dù bề rộng của đường không lớn nhưng cũng đủ cho các phương tiện giao thông lưu thông dễ dàng. Tháng 3-2023, người dân vui mừng, phấn khởi khi bản đã được đóng điện lưới quốc gia.
Từ ngày có đường, điện, người dân có điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật, dần nâng cao nhận thức, tích cực học hỏi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế. Cả bản có 55 hộ, trong đó 52 hộ đã vay vốn phát triển chăn nuôi và sản xuất, kinh doanh, với tổng số tiền vay hơn 4 tỷ đồng, tỉ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm, không còn hộ đói. Chị Tặng Thị Mắn (SN 1979) chia sẻ: Nhớ lại trước đây, bà con chỉ cần đủ ăn, có áo mặc ấm là mừng. Nay thì đường vào tận bản, xe máy vào tận nhà. Trẻ con được học chữ, người dân nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhà nhà thi đua làm kinh tế, nhờ vậy mà ti vi, tủ lạnh, xe máy, gia đình nào cũng có.
Tại điểm trường Con Dao, trò chuyện với chúng tôi, cô giáo Lò Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quang Chiểu, cho biết: Khi chưa có đường, điện lưới, người dân trong bản, học sinh và các cô giáo ở đây đi lại rất vất vả. Đường dốc, xe máy thì đoạn đi, đoạn phải dắt, đẩy. Đặc biệt mùa mưa đến, các cháu đến lớp với quần áo lấm lem bùn đất. Nay đường được mở mới giúp người dân đi lại thuận lợi, điểm trường được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang, bà con trong bản đã nâng cao nhận thức nên 100% trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường.
Ngoài trồng lúa, ngô, sắn, để nâng cao thu nhập, nhận thấy địa phương chưa có nhiều mô hình trồng cây ăn quả, năm 2016 trưởng bản Tặng Văn Cấu đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 100 triệu đồng rồi sang Lào để mua giống cam về trồng. Sau một thời gian trồng và chăm sóc, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, vườn cam của gia đình đã cho năng suất cao. Mặt khác, với sự nhạy bén trong làm ăn, anh Cấu còn trồng thêm xoài, nhãn; chăn nuôi thêm lợn, gà, vịt... Trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu về trên dưới 120 triệu đồng, trả hết nợ ngân hàng, cuộc sống đỡ vất vả, có điều kiện nuôi con cái ăn học.
Ông Vi Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu, cho biết: "Con Dao là một trong hai bản người Dao của xã. Những năm gần đây, cuộc sống của người dân đang dần được cải thiện, bà con tích cực chuyển đổi giống, cây trồng, vật nuôi, vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế. Sự đổi thay ở bản Con Dao không chỉ dừng lại ở cơ sở vật chất mà ngay trong nhận thức của bà con về xóa đói giảm nghèo và kế hoạch hóa gia đình trong mỗi gia đình đều có sự tiến bộ rõ rệt. Những năm gần đây, người dân bản Con Dao đã thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, biết phát huy những mặt tích cực và xóa bỏ những hủ tục, giữ được nét đặc sắc rất riêng của dân tộc mình. Để phát triển kinh tế bền vững, xã đã tuyên truyền, động viên bà con tập trung vào trồng rừng, vừa góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, vừa tạo môi trường thuận lợi cho phát triển chăn nuôi...".
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/ngay-moi-o-ban-con-dao/28995.htm