Ngày mới ở Cón

Là một trong 3 thôn đặc biệt khó khăn của xã Ái Thượng (Bá Thước), vốn xuất phát điểm thấp, phương thức canh tác còn lạc hậu, chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp khiến cuộc sống bà con ở thôn Cón gặp nhiều khó khăn. Kinh tế nghèo nàn, kéo theo đời sống văn hóa, tinh thần cũng còn hạn chế, bất cập.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, bình quân năng suất lúa ở thôn Cón đạt từ 56 tạ/ha trở lên.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, bình quân năng suất lúa ở thôn Cón đạt từ 56 tạ/ha trở lên.

Gian nan... chuyện sinh kế

Cách trung tâm xã Ái Thượng chừng hơn 4km, nhưng do trình độ dân trí còn hạn chế, sản xuất manh mún, lại ít đất sản xuất, năng suất không cao, hiệu quả thấp khiến đời sống bà con ở thôn Cón luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau. Thôn có trên 281 nhân khẩu, chủ yếu sinh sống ven hai bên đường liên xã, số còn lại ở các sườn đồi, vào mùa mưa bão một số hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sạt lở lớn.

Năm nay chị Quách Thị Lực (dân tộc Mường) mới 32 tuổi nhưng đứa con lớn của chị đã học lớp 10, đứa còn lại đang học mầm non. Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn cũ kỹ, lợp tạm bằng những tấm lá cọ, bên trong không có đồ vật đáng giá, chị tâm sự: Để trang trải cuộc sống, vợ chồng phải nỗ lực không ngừng, ngoài mấy sào lúa, còn nuôi ít ngan, gà... kinh tế cũng tạm gọi là có thể yên tâm. Tuy vậy để nuôi con trẻ ăn học đến nơi đến chốn, với nguồn thu nhập kể trên gặp không ít khó khăn. Do không dư dật nên nhiều lúc muốn mua vật dụng sinh hoạt, sửa sang lại nhà cửa, sân vườn cho tươm tất nhưng rất khó. Hơn nữa, nhà lại xây dựng ngay sát đồi nên cứ vào mùa mưa bão, gia đình nơm nớp, thấp thỏm nguy cơ sạt lở.

Trưởng thôn Bùi Văn Hiền cho biết: Thôn Cón có gần 50ha đất tự nhiên, trong đó có khoảng 16ha trồng lúa và hoa màu, ngoài ra người dân trồng thêm keo, luồng. Mấy năm gần đây thị trường biến động khiến giá cả bấp bênh, sản phẩm không tiêu thụ được, hoặc chậm, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập. Hàng năm, bà con cũng được hỗ trợ: nông cụ, cây, con giống, làm nhà ở, téc nước sạch, tập huấn, đào tạo nghề may mặc, chăn nuôi theo các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh...

Các tiêu chí về đảm bảo vệ sinh môi trường được nhiều hộ dân hưởng ứng thực hiện.

Các tiêu chí về đảm bảo vệ sinh môi trường được nhiều hộ dân hưởng ứng thực hiện.

Riêng về nguồn nước sinh hoạt, lâu nay người dân đang sử dụng đồng thời hai nguồn nước, một là nước trên các sườn đồi, còn lại dùng nước giếng khoan, giếng đào. Vào mùa khô không lo thiếu nước sinh hoạt, dẫu vậy một số hộ phải mua thêm téc nước nhựa, inox để lọc cho an toàn vệ sinh. Những năm qua, nhờ thay đổi tư duy trong phát triển sản xuất, kinh tế ở Cón đã có nhiều chuyển biến tích cực, sản phẩm nông nghiệp làm ra không chỉ phục vụ sinh hoạt của gia đình mà còn dành một phần để bán, trang trải những nhu cầu thiết yếu khác. Dẫu vậy, để cuộc sống của người dân không còn lo thiếu ăn, thiếu mặc, kinh tế dư dật là cả một chặng đường dài.

Đổi thay nhờ NTM

Thôn Cón hiện có hơn 70% đồng bào Mường, còn lại là người Thái và các dân tộc khác sinh sống. Từ khi bắt tay XDNTM, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, bà con đồng lòng, nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống mới trong khu dân cư. Năm 2021, công trình nhà văn hóa thôn hoàn thành với tổng mức đầu tư hơn 700 triệu, diện tích trên 100m2, sức chứa 80 chỗ ngồi, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ đời sống văn hóa của bà con. Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở giao thông cũng đang dần định hình với khoảng trên 90% trục đường nội thôn được cứng hóa, các hộ mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng dư nợ trên 2,6 tỷ đồng, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Thôn hiện có 71 hộ, đến nay chỉ còn 5 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo.

Từng là hộ nghèo, trước đây hộ ông Bùi Việt Hùng (SN 1969, dân tộc Mường) quanh năm chỉ biết đến vài sào lúa, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2022, gia đình mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội mua trâu sinh sản. Nhờ chịu khó học hỏi, nắm vững kỹ thuật, chăm sóc, đàn trâu của gia đình sinh trưởng tốt. Hiện ông còn nuôi thêm lợn nái sinh sản, lợn cỏ... Kinh tế dần khởi sắc, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Một tiết học của học sinh điểm trường Cón, Trường Tiểu học Ái Thượng (Bá Thước).

Một tiết học của học sinh điểm trường Cón, Trường Tiểu học Ái Thượng (Bá Thước).

Nhiều năm công tác ở điểm trường lẻ khu Cón, Trường Tiểu học Ái Thượng, cô giáo Hà Hoài Giang cho biết: Dù cái nghèo vẫn luôn thường trực, nhưng mong muốn của người dân nơi đây vẫn là phải cho con em có con chữ. Thôn Cón chỉ có 1 điểm trường lẻ tiểu học, các cháu bậc mầm non phải học ở điểm trường khu Khà cách đó gần 1 cây số. Điểm trường hiện có hơn 80 học sinh/4 lớp, vài năm trở lại đây con em trong thôn 100% được đến trường đầy đủ, các cháu học THCS, THPT đi học xa hơn một chút. Tuy kinh tế khó khăn, nhưng phụ huynh rất quan tâm đến sự học của con trẻ, điều đó thể hiện qua việc thầy cô không còn phải đến từng nhà vận động cho trẻ đến lớp như trước nữa...

“Ái Thượng hiện có 3 thôn đặc biệt khó khăn là Cón, Tôm, Mé. Theo lộ trình từ nay đến cuối năm 2024, Ái Thượng sẽ cố gắng phấn đấu về đích NTM. Đối với thôn Cón, do nhiều nguyên nhân về đất đai, địa hình, dân trí thấp... dù gần trung tâm xã nhưng đời sống bà con còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhằm thúc đẩy kinh tế trong thôn phát triển, thời gian qua từ các chương trình, dự án hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, ưu tiên áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế mới, đã góp phần nâng cao thu nhập, từng bước xóa đói, giảm nghèo”, ông Nguyễn Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Ái Thượng, cho biết.

Bài và ảnh: Trung Lê

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/ngay-moi-o-con-33827.htm