Ngày mới ở 'Làng cười' Văn Lang

Nằm trong vùng văn hóa dân gian cội nguồn đất Tổ, Văn Lang là làng duy nhất trở thành 'làng cười' trong 9 làng cổ thuộc Tổng bộ Văn Lang thời Hùng Vương bởi tập tục viết truyện cười và kể chuyện cười. Vui vui như câu ví 'Văn Lang cả làng nói khoác', khách phương xa nếu ghé thăm mảnh đất Văn Lang sẽ được nghe những câu chuyện hài hước rất đời thường, giản dị mà gần gũi, từ cái chất giọng chân chất đặc trưng của những người con Phú Thọ.

Làng cười hôm nay vẫn giữ nguyên nét đẹp nguyên sơ, cổ kính

Làng cười hôm nay vẫn giữ nguyên nét đẹp nguyên sơ, cổ kính

Tiếng cười từ trong dân dã

Men theo quốc lộ 32A từ Hà Nội về hướng Sơn Tây, ngôi làng Văn Lang (nay thuộc xã Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) nằm trên vùng đồi núi trung du, ven sông Hồng, làng còn có tên là “làng cười” và hàng trăm năm nay, làng đã trở thành một điểm nhấn trong không gian văn hóa vùng Ðất Tổ.

Trải qua bao khói bụi của thời gian, những câu chuyện của làng cười nơi mảnh đất cằn cỗi vẫn còn nguyên những giá trị. Câu chuyện làng cười được tiếp nối qua các thế hệ, vốn được khơi nguồn từ cụ Hán Văn Sinh – “ông tổ” của những “truyện cười” Văn Lang độc đáo, hài hước, cũng theo dấu chân ông, người Văn Lang cứ thế theo nhau viết truyện rồi kể chuyện. Nội dung gửi gắm trong mỗi câu chuyện xoay quanh những điều giản dị, mộc mạc từ cuộc sống:“Củ sắn to, dài đâm xuyên quốc lộ 24A; “Con ếch cốm buộc vào cối xay để nó xay lúa”; “Quả cau to bằng quả dừa”; “Bưởi rụng làm chết trâu”; “Vỏ quả đu đủ làm xuồng chạy lũ”; “Văn Lang bắt được con lươn/ Thịt mang nướng chả, còn xương đẽo cày”...

Chị Hà, một người dân ngụ tại xã Văn Lương chia sẻ: “Lớn lên cùng nhưng câu chuyện cười, chắc chắn mai này dù đi đâu cũng chẳng thể nào quên được. Ví như câu chuyện về Củ sắn xuyên qua đường 24”. Truyện kể rằng, có chị nông dân nọ trên con đường từ rừng về nhà bỗng thấy con đường 24 A (con đường từ Cổ Tuyết, Tam Thanh đi Cẩm Khê) bị đứt ngang. Chị ta kể lại: “Tiện có cuốc, có dao, đào theo đường nứt, được một củ sắn vừa dài vừa to. To thì bình thường thôi. Nó nhỉnh hơn bắp đùi em nhưng dài thì còn phải nói: đầu chồi thì ở đầu Văn Lang mà đuôi nó thì ở tận làng Cổ Tuyết. Củ sắn to dài là thế nhưng sơ ý, lúc đào chẳng may nó bị gãy, vỡ ra làm nhiều khúc, cầm tay chẳng hết, em đành giắt vào cạp váy. Về đến nhà sắn nhét ở cạp váy không ngờ đã bở tung, nứt nở như quả dưa bở, thơm thì thơm lạ, thơm lùng. Thật em chẳng dám nói ngoa. Quả lê thơm đủ năm mùi, còn sắn làng em thì ối là mùi”. Nghe có phần ... hoang đường, nhưng kể ra ai cũng cười ôm bụng.

Cởi mở, lạc quan là nét đẹp dễ thấy của người dân làng Văn Lang

Cởi mở, lạc quan là nét đẹp dễ thấy của người dân làng Văn Lang

Ấy có lẽ là bởi cái duyên, cái khiếu hài rất riêng rất lạ của người làng Văn Lang. Quả thực, câu chuyện hài của người Văn Lang chỉ hay và độc đáo khi nó được kể bởi chính người bản địa, với giọng nói mang đặc trưng vùng miền này. Ông Hán Văn Bình - Trưởng ban văn hóa xã Văn Lương, cho hay: “Dân Văn Lang có giọng nói nghe khác hẳn với dân quanh vùng, vì vậy cũng câu chuyện hài ấy người làng khác kể thì không gây được tiếng cười, thậm chí phản cảm, nhưng qua miệng kể với thanh giọng đặc biệt và lối kể chuyện tưng tửng của dân Văn Lang thì người dân quanh vùng cứ gọi là ôm bụng cười chảy nước mắt”. Tài nghệ “nói khoác” của cư dân Văn Lang còn được ghi vào sử sách trong cuốn “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi với cái tên “tổng Văn Lang".

"Đặc sản" làng cười Văn Lang đã trở thành đề tài Hội thảo khoa học Quốc gia

"Đặc sản" làng cười Văn Lang đã trở thành đề tài Hội thảo khoa học Quốc gia

Khi gian khổ thành “đặc sản”

Trước đây, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương từng khẳng định: “Làng Văn Lang thuộc xã Văn Lương là một ngôi làng cổ. Vốn là một làng thuần nông, đất nông nghiệp hạn hẹp, phần nhiều là triêm trũng thu hái từ hạt thóc không đủ ăn, người dân Văn Lang xoay ra làm nhiều nghề khác nhau để kiếm sống. Người Văn Lang vất vả là thế, nhưng ai ai cũng có tố chất của người nghệ sĩ hài thiên bẩm, nên bất cứ điều nhỏ nhặt nào trong cuộc sống họ cũng có thể “chế tác” thành những truyện cười dân dã”. Có lẽ ít ở đâu mà con người lại có trí tưởng tượng phong phú, sự lạc quan và niềm tin yêu cuộc sống như những người dân nơi đây. Tiếng cười ở họ còn là sự đấu tranh chống lại thói hư, tật xấu trong nội bộ nhân dân bằng cách nói trào phúng, châm biếm nhẹ nhàng, tếu táo, khoan dung.

Ông Hán Văn Hiền - Trưởng khu 4 xã Văn Lương, cũng là người viết tiếp những câu chuyện cười của người đi trước, chia sẻ: “Người Văn Lang không chỉ nói khoác để gây cười, mà nói khoác còn để ngợi ca, quảng bá cho các sản phẩm nông nghiệp mình làm ra. Đó là những câu chuyện cười về lao động sản xuất, sinh hoạt giải trí, tình yêu đôi lứa và vô số những chuyện mang tính thời sự có tác dụng giáo dục cao như tiểu phẩm chiếc mũ bảo hiểm, chiếc quạt điện, con lợn lòi… Các câu chuyện đều gây nên tiếng cười hóm hỉnh và tạo được dấu ấn sâu sắc trong quần chúng”.

Con đường đất vào làng Văn Lang trước đây nay đã thành đường bê tông khang trang

Con đường đất vào làng Văn Lang trước đây nay đã thành đường bê tông khang trang

Để giữ gìn nét đẹp truyền thống, hàng năm sau khi lúa mạ đã xong, xã Văn Lương thường tổ chức thi kể chuyện cười hay khuyến khích những người có khả năng diễn xướng truyện cười để thành lập CLB văn nghệ, hay đi lưu diễn, giao lưu, kể chuyện cho con cháu cùng nghe nhằm giữ gìn nét đẹp truyện cười Văn Lang.

Hiện nay, tại Thư viện tỉnh Phú Thọ còn lưu trữ nhiều cuốn truyện cười Văn Lang và nhiều tài liệu liên quan tới loại hình di sản Ngữ văn dân gian này. Ông Nguyễn Đắc Thủy, PGĐ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết: “Để bảo tồn và phát huy giá trị truyện cười Văn Lang, Sở Văn hóa TT&DL tỉnh Phú Thọ đã xây dựng và triển khai kế hoạch đề nghị vinh danh các nghệ nhân làng cười Văn Lang.Từ một vùng quê có giá trị văn hóa đặc sắc, nhiều chương trình truyền hình như S Việt Nam đã chọn Văn Lang làm điểm đến cho những phóng sự về du lịch, văn hóa. Các nhà làm phim, đạo diễn có xu hướng tìm đến ngôi làng cổ để quay phóng sự, mượn bối cảnh làm phim để giới thiệu đến người xem về vẻ đẹp của miền quê “làng cười”.

Đến nay, ngôi làng ấy đã và đang “thay da đổi thịt”, phát triển lên từng ngày; nhưng cái hồn cốt của làng quê trong mỗi câu truyện cười, cái tếu táo duyên dáng của con người Văn Lang vẫn được lưu giữ. Để rồi, những câu chuyện làng cười sẽ nối tiếp nhau qua các thế hệ, nuôi dưỡng tâm hồn thế hệ đi sau bằng văn hóa dân tộc, nuỗi dưỡng cả tình yêu, niềm tự hào của con trẻ về một miền quê yên bình, giản dị nhưng lại có cái tục “nói khoác” lâu đời của người dân xứ này.

Đỗ Trang

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/ngay-moi-o-lang-cuoi-van-lang-456428.html