Ngày mới trên quê hương cách mạng Hiệp Hòa

Hiệp Hòa là địa phương khởi nghĩa giành chính quyền cấp huyện đầu tiên ở tỉnh Bắc Giang, mở màn cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi. Từ mùa thu năm ấy, ngọn lửa truyền thống cách mạng luôn được thắp sáng, nay vùng quê này đã vươn mình, trở thành một đô thị năng động.

Vùng quê năng động, phát triển

Với những người con Hiệp Hòa xa quê lâu năm, nay trở về chắc hẳn sẽ rất ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng đất giàu truyền thống cách mạng này. Từ trên cao hướng tầm nhìn rộng, dễ thấy một Hiệp Hòa năng động với rất nhiều khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, dân cư. Những cây cầu, con đường đã và đang hoàn thiện, góp phần kết nối các xã, thị trấn, đồng thời kéo Hiệp Hòa gần hơn với các huyện, thị xã, TP trong và ngoài tỉnh. Những ngày thu tháng Tám này, một niềm vui đến với Hiệp Hòa là Bộ Xây dựng đã nhất trí công nhận huyện đạt tiêu chí đô thị loại IV, tạo nền tảng để phát triển thành thị xã trong tương lai gần.

 Một góc thị trấn Thắng, trung tâm huyện Hiệp Hòa.

Một góc thị trấn Thắng, trung tâm huyện Hiệp Hòa.

Đồng chí Hoàng Công Bộ, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện tự hào: “Trải qua quá trình nỗ lực xây dựng và phát triển, với truyền thống của vùng ATK II, cộng với điều kiện tự nhiên thuận lợi và nguồn nhân lực dồi dào, Hiệp Hòa đang bứt phá, dần trở thành một trong những vùng động lực phát triển công nghiệp, nông nghiệp hàng hóa phía Tây của tỉnh”.

Thực tế cho thấy, những năm qua, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị ở nơi đây hết sức nhanh chóng, mang lại diện mạo mới mẻ. Đơn cử, trong phát triển giao thông, huyện ưu tiên tập trung các nguồn lực để triển khai nhiều dự án trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là các tuyến giao thông đối ngoại. Có thể kể đến các dự án như đường trục Bắc Nam dài 8,4 km, tổng mức đầu tư 480 tỷ đồng; đường nối từ quốc lộ 37 đến cầu Hòa Sơn sang TP Phổ Yên (Thái Nguyên).

Đường tỉnh (ĐT) 295 được nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, mở rộng từ 8 m lên 11 m với tổng mức đầu tư khoảng 97 tỷ đồng. Đường nối ĐT 295 với đê sông Cầu, xã Mai Đình; đường vành đai I thị trấn Thắng. Toàn bộ dự án cầu Xuân Cẩm chính thức hoàn thành và khai thác từ tháng 4/2024. Mới đây, bên cạnh triển khai dự án đường nối ĐT 296 với đường Vành đai IV với tổng chiều dài gần 6,4 km, huyện cũng tiến hành khởi công 7 dự án giao thông kết nối 10 xã, thị trấn.

Một Hiệp Hòa năng động còn thể hiện ở việc huyện khai thác được lợi thế về vị trí địa lý phát triển cơ sở hạ tầng đô thị và kiến trúc cảnh quan. 6/10 khu vực phát triển nội thị được triển khai quy hoạch; 32 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị, khu dân cư, khu nhà ở công nhân được phê duyệt. Tiêu biểu như: Khu đô thị mới đường vành đai thị trấn Thắng; khu đô thị mới mở rộng phía Tây và phía Tây Nam thị trấn Thắng; khu đô thị Phố Hoa; khu nhà ở công nhân phục vụ Khu công nghiệp (KCN) Hòa Phú…

Cùng với đó, hình thành và phát triển mạng lưới các khu, cụm công nghiệp có quy mô lớn nhờ ưu thế kết nối và nguồn nhân lực dồi dào. Hiện toàn huyện có 1 KCN và 10 cụm công nghiệp, thu hút 76 dự án đầu tư và kinh doanh với tổng số vốn đăng ký khoảng 18,5 nghìn tỷ đồng. Khu vực này tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 22 nghìn lao động, đóng góp lớn vào chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của huyện; góp phần thúc đẩy hoàn thiện cơ sở hạ tầng; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa của Hiệp Hòa.

Điểm nhấn trong bức tranh tổng thể của vùng quê cách mạng ATK II còn là 8 xã nông thôn mới nâng cao, 59 thôn kiểu mẫu với hệ thống thiết chế văn hóa, giao thông nông thôn đồng bộ; hàng chục sản phẩm OCOP được hình thành. Cơ sở vật chất trường, lớp học khang trang, tỷ lệ kiên cố hóa đạt 96%. Chất lượng giáo dục mũi nhọn và toàn diện nhiều năm liên tục trong tốp đầu của tỉnh.

Tiếp nối mạch nguồn truyền thống

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ATK II huyện Hiệp Hòa là địa bàn quan trọng để Trung ương, Xứ ủy và Ủy ban Quân sự Cách mạng Bắc Kỳ tổ chức các lớp huấn luyện chính trị, quân sự. Đây cũng là nơi nuôi giấu, bảo vệ an toàn cho cán bộ cấp cao của Đảng thời kỳ đó. Từ năm 1938 đến 1945, các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Ngô Thế Sơn, Trương Công Lệnh, Lê Hoàng, Hà Thị Quế, Nguyễn Trọng Tỉnh, Nguyễn Thị Thuận, Lê Thanh Nghị… về đây tuyên truyền, gây dựng phong trào cách mạng, được nhân dân che chở, bảo vệ an toàn. Nhân dân các xã trong khu vực đã đoàn kết, anh dũng đứng lên đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, góp phần làm nên Cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước nhanh chóng giành thắng lợi.

 Buổi sinh hoạt ngoại khóa của cô và trò Trường THCS xã Hoàng Vân, tìm hiểu di tích Nội Đống Mú, nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Hiệp Hòa.

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của cô và trò Trường THCS xã Hoàng Vân, tìm hiểu di tích Nội Đống Mú, nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Hiệp Hòa.

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Hiệp Hòa; 4 xã Hoàng Vân, Xuân Cẩm, Hoàng An và Hòa Sơn vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Tháng 8/2012, 16 xã của huyện Hiệp Hòa được Nhà nước công nhận ATK II. Vinh dự và tự hào hơn, ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận 8 điểm di tích ATK II Hiệp Hòa là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt...

Tiếp nối mạch nguồn cách mạng, bên cạnh tập trung phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới, đô thị hiện đại, huyện thường xuyên quan tâm công tác giáo dục truyền thống, quảng bá, lan tỏa hình ảnh vùng đất, con người Hiệp Hòa. Đồng chí Nguyễn Ngọc Phương, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: “Nhiều năm qua huyện yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng đưa lịch sử địa phương vào trong nội dung sinh hoạt; chỉ đạo các cấp bộ đoàn, trường học duy trì hoạt động hành trình về nguồn tại các điểm di tích cho học sinh, thanh niên trên địa bàn. Cùng đó, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu truyền thống, lịch sử, giới thiệu tiềm năng du lịch để bồi đắp, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, thế hệ trẻ đối với truyền thống cách mạng của quê hương”.

Từ điểm tựa truyền thống ATK II, Hiệp Hòa nay vươn mình từng bước trở thành trung tâm động lực kinh tế phía Tây của tỉnh. Diện mạo nơi đây ngày càng khang trang nhờ nông thôn mới chuyển mình cùng vóc dáng của công nghiệp, đô thị, dịch vụ phát triển. Với tiềm năng, thế mạnh cùng nhiều yếu tố thuận lợi, Hiệp Hòa hứa hẹn là điểm du lịch hấp dẫn du khách.

Đặc biệt, huyện chú trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử nói chung và các di tích ATK II nói riêng. Giai đoạn 2021-2024, bằng nhiều nguồn, huyện đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng trùng tu, tôn tạo các di tích quốc gia đặc biệt ATK II và một số di tích khác. Tập trung nâng cấp, mở rộng đường vào đình Xuân Biều, xã Xuân Cẩm, nhà cụ Ngô Văn Thấu, thôn Vân Xuyên, xã Hoàng Vân. Cùng đó, xây dựng các tuyến du lịch nội địa gắn với các điểm di tích quốc gia đặc biệt như: Đình Chợ Vân - Nhà truyền thống ATK II; đình Vân Xuyên - đền Soi - địa điểm Nhà cụ Ngô Văn Thấu; quần thể di tích lịch sử - văn hóa - danh thắng Y Sơn, xã Hòa Sơn; Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia lăng Bầu - đình Xuân Biều - vườn trám đen cổ thụ tại thôn Vân Xuyên, xã Hoàng Vân…

Từ điểm tựa truyền thống ATK II, Hiệp Hòa nay vươn mình từng bước trở thành trung tâm động lực kinh tế phía Tây của tỉnh. Diện mạo nơi đây ngày càng khang trang nhờ nông thôn mới chuyển mình cùng vóc dáng của công nghiệp, đô thị, dịch vụ phát triển. Với tiềm năng, thế mạnh cùng nhiều yếu tố thuận lợi, Hiệp Hòa hứa hẹn là điểm du lịch hấp dẫn du khách.

Bài, ảnh: Quốc Trường

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/ngay-moi-tren-que-huong-cach-mang-hiep-hoa-105233.bbg