Đúng vào ngày này 80 năm về trước, chiến dịch quân sự lớn nhất lịch sử nhân loại đã được Đức quốc xã tiến hành. Đó là chiến dịch Barbarossa - chiến dịch quân sự có sự tham gia của 3,8 triệu lính Đức.
Ngay từ 1 giờ sáng ngày 22/6/1941, quân đội Liên Xô đã phát lệnh sẵn sàng chiến đấu dọc toàn tuyến biên giới. Tuy nhiên có rất nhiều đơn vị tiền tuyến không nhận được lệnh này, do đường dây liên lạc đã bị thám báo Đức cắt đứt từ trước đó.
Vài giờ sau đó, quân đội Đức đã tràn qua toàn bộ tuyến biên giới với Liên Xô, với sức mạnh lớn chưa từng có.
Tổng cộng, Đức quốc xã đã huy động tới gần 4.000 xe tăng, khoảng 3000 xe thiết giáp chở quân cùng với 5.000 máy bay chiến đấu và 23.000 khẩu pháo kéo.
Sức mạnh vượt trội của Đức quốc xã cùng với sự chuẩn bị chu đáo cho kế hoạch khổng lồ này, đã khiến Hồng quân Liên Xô rơi vào thế bị động ngay từ phút đầu tiên.
Do bị mất liên lạc, các đơn vị tiền tuyến của Hồng quân Liên Xô dù chiến đấu anh dũng, cũng không thể ngăn cản được chiến thuật Chiến tranh Chớp nhoáng nổi danh của Đức quốc xã thời điểm bấy giờ.
Chiến thuật Chiến tranh Chớp nhoáng hay Blitzkrieg, được quân đội Đức thực hiện triệt để trong thời gian đầu của cuộc xâm chiến Liên Xô.
Với chiến thuật này, quân đội Đức sẽ sử dụng tốc độ cao với phương tiện cơ giới hùng hậu, thọc sâu vào bên trong lãnh thổ Liên Xô, bỏ qua mọi ổ đề kháng "khó nhằn" của đối phương.
Một phần lực lượng bộ binh và pháo, sẽ được sử dụng để bao vây các ổ đề kháng này, trong khi các lực lượng cơ động cao như xe tăng, cơ giới hoặc kỵ binh, sẽ tiếp tục thọc sâu, truy quét tàn quân của Liên Xô và tìm các ổ đề kháng tiếp ở tuyến sau.
Kiểu tấn công này dù nguy hiểm cho chính quân đội Đức, khi các mũi thọc sâu có thể bị bao vây bên trong lòng đối phương, nếu các ổ đề kháng của Liên Xô đánh bật được lính Đức và thiết lập lại tuyến phòng thủ.
Tuy nhiên, khi kết hợp với yếu tố bất ngờ và hỏa lực mạnh vượt trội, các mũi thọc sâu của Đức thậm chí còn tiến quân nhanh hơn nhiều tốc độ rút lui của lính Liên Xô.
Và đây chính xác là những gì đã xảy ra trong những tháng đầu tiên của chiến dịch Barbarossa, khi mà lính Liên Xô liên tục ra đầu hàng quân Đức, còn xe tăng Đức liên tục thọc sâu vào lãnh thổ Liên bang Sô viết.
Lý do duy nhất khi này có thể chặn được sức tiên công của xe tăng Đức, đó là... hết xăng. Tuy nhiên trong những ngày đầu tiên, các bất cập của hệ thống hậu cần Đức vẫn chưa xuất hiện.
Về phía Liên Xô, quân đội nước này vừa trải qua thời kỳ Đại Thanh Trừng, các tướng lĩnh giỏi phần nhiều đã không còn nắm quyền chỉ huy, tinh thần chiến đấu có thể coi là thấp - nhất là sau chiến thắng có phần đẫm máu trong Chiến tranh Mùa Đông với Phần Lan.
Trang bị lạc hậu, thiếu vũ khí chống tăng và bị rơi vào thế bất ngờ, khiến những đơn vị anh dũng nhất của quân đội Liên Xô, cũng chỉ biết chiến đấu và cầm cự, hoàn toàn không thể phản công.
Trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến, đã có hàng triệu lính Hồng quân tan hàng. Phần lớn trong số họ thậm chí còn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, đơn giản chỉ là mất liên lạc hoàn toàn với các đơn vị bạn.
Lính Đức tiến quân nhanh tới nỗi họ không có đủ thời gian để thu xếp cho tù binh Liên Xô, các mũi tiến công của Đức chỉ có thể chỉ đường cho các toán tù binh Hồng quân, đi về hướng Tây tới khi gặp các đơn vị lính hậu cần của Đức.
Theo các nhà sử học Nga, trong ngày đầu tiên của cuộc chiến, Liên Xô có tổng cộng 2,9 triệu quân ở dọc tuyến biên giới, kèm theo đó là 11.000 xe tăng và khoảng 9.000 máy bay các loại.
Tuy nhiên, do rơi vào thế bị động và thiếu thông tin liên lạc, quân đội Liên Xô không thể tổ chức phòng ngự chặt chẽ, liên tục bị các mũi thọc sâu của Đức bao vây, tiêu diệt.
Cho tới tháng 12/1941 - khi mà quân đội Đức buộc phải dừng tiến công trước mùa đông lạnh lẽo của Liên Xô, đã có 2,3 triệu lính Hồng quân đầu hàng, hơn 700.000 lính thiệt mạng và khoảng 1,3 triệu lính bị thương vì nhiều lý do khác nhau. Ảnh: Lính Đức canh gác tù binh Liên Xô ở Ukraine.
Những thước phim ghi lại chiến dịch quân sự Barbarossa - chiến dịch quân sự lớn nhất lịch sử nhân loại kể từ trước tới nay. Nguồn: Pathe.
Trần Trân