Ngày này năm xưa 24/7: Bác Hồ nêu rõ việc phải chống nạn tham ô; Bộ Công Thương ra quy định tiếp dân

Ngày này năm xưa, 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc; Bác Hồ dạy: 'Tệ tham ô như cái ung nhọt còn sót lại trên thân thể của người khổng lồ'.

Sự kiện trong nước

Ngày 24/7/2014, Bộ Công Thương ra Thông báo số 276/TB-BCT về việc tiếp công dân của lãnh đạo Bộ Công Thương. Việc tổ chức tiếp công dân của lãnh đạo Bộ được quy định tại Điều 6 của Quy chế tiếp công dân của Bộ ban hành kèm theo Quyết định số 1444//QĐ-BCT ngày 20/3/2009 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, cụ thể: Bộ trưởng tiếp công dân định kỳ mỗi tháng một ngày từ 8 giờ sáng ngày thứ sáu của tuần thứ 3 trong tháng. Trường hợp Bộ trưởng đi vắng sẽ ủy quyền một Thứ trưởng tiếp công dân thay Bộ trưởng.

Trường hợp khi xét thấy khẩn thiết, Bộ trưởng sẽ bố trí tiếp công dân ngoài lịch tiếp công dân theo định kỳ. Thanh tra Bộ có trách nhiệm xem xét vụ việc cụ thể và báo cáo Bộ trưởng thời gian tiếp công dân. Văn phòng Bộ có nhiệm vụ chuẩn bị phòng tiếp công dân định kỳ của Bộ trưởng tại trụ sở của Bộ (số 54, phố Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Ngày 24/7/2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1949/QĐ-BCT Quyết định đính chính Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.

Ngày 24/7/1968, 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh). Ngã ba Đồng Lộc nằm trên Đường Hồ Chí Minh, là giao điểm của Quốc lộ 15A và Tỉnh lộ 2. Trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây là mạch máu giao thông để hậu phương chi viện sức người, sức của cho miền Nam.

Chân dung 10 cô gái thanh niên xung phong hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh)

Chân dung 10 cô gái thanh niên xung phong hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh)

Những năm 1964-1972, Ngã ba Đồng Lộc bị đánh phá liên tục và năm 1968 là ác liệt nhất. Từ tháng 4 đến tháng 10/1968, vùng đất này phải hứng chịu gần 50.000 quả bom các loại, bình quân mỗi mét vuông đất gánh trên 3 quả bom. Mặt đất bị biến dạng, đất đá bị cày đi xới lại.

Trưa ngày 24/7/1968, 10 nữ thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55, ra đường làm nhiệm vụ. Đến 16 giờ, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, một quả nổ gần căn hầm chữ A, nơi 10 chị tránh bom. Hầm sập, tất cả 10 chị hy sinh. Người trẻ nhất mới 17 tuổi, ba chị lớn nhất cùng 24 tuổi. Hiện phần mộ của 10 cô gái thanh niên xung phong nằm trong quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt ngã ba Đồng Lộc.

Ngày 24/7/1993, Chủ tịch nước công bố Luật Đất đai. Luật quy định chế độ quản lý, sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Ngày 24/7/1965, ngày truyền thống Bộ đội Tên lửa Phòng không. Lịch sử ngày truyền thống của Bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam được ghi trong một ngày ra quân đánh thắng trận đầu của Trung đoàn Tên lửa 236, đơn vị chủ lực phòng không đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bộ đội Tên lửa đã đánh gần 3.500 trận, bắn rơi 788 máy bay, trong đó bắn rơi 61 máy bay chiến lược B52. Bộ đội Tên lửa đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý.

Sự kiện quốc tế

Ngày 24/7/1997, sau 290 nǎm hợp nhất, Chính phủ Anh trao cho Scotland quyền lập pháp, thu thuế và có tiếng nói riêng tại Liên minh châu Âu.

Sécnưsépxki là nhà vǎn, nhà phê bình, nhà dân chủ cách mạng Nga. Ông sinh ngày 24/7/1828. Ông là người thông minh ham học. Mới 16 tuổi đã thông thạo nhiều tiếng: Hy Lạp, La Tinh, Anh, Pháp, Đức, Do Thái, Ba Tư, Ba Lan... và có một kiến thức vǎn hóa thế giới sâu sắc, phong phú.

Nǎm 25 tuổi Sécnưsépxki bảo vệ tiến sĩ khoa học, công khai hoạt động cách mạng, trở thành nhà báo, nhà vǎn, nhà dân chủ cách mạng lãnh đạo phong trào cách mạng Nga những nǎm 60. Ông là nhà triết học duy vật lỗi lạc. Ông chủ trương lật đổ chế độ Nga hoàng bằng bạo lực đưa nước Nga đi lên chủ nghĩa xã hội. Sécnưsépxki qua đời ngày 29/10/1889.

Ngày 24/7/1923: Ký kết Hiệp ước Lausanne tại Thụy Sĩ, định ra đường biên giới hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 24/7/1823: Chế độ nô lệ được bãi bỏ tại Chile.

Ngày 24/7/1644: Quân nổi dậy Đại Tây của Trương Hiến Trung chiếm được Trùng Khánh.

Ngày 24/7/1567: Nữ vương Mary Stuart của Scotland buộc phải thoái vị, bị con trai là James VI mới 1 tuổi thay thế.

Ngày 24/7/1118: Louis VII của Pháp tiến hành bao vây Damas trong Thập tự chinh thứ hai.

Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 24/7/1922, Nguyễn Ái Quốc họp Chi bộ quận 17 Đảng cộng sản Pháp tại số nhà 100 phố Cardine, Paris. Cũng vào thời điểm này, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu chuyển về cư ngụ tại số 9 ngõ Compoint.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Chính phủ Việt Nam đàm phán tại Fontainebleau. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Chính phủ Việt Nam đàm phán tại Fontainebleau. Ảnh tư liệu

Ngày 24/7/1946, trong lúc cuộc thảo luận chính thức Pháp - Việt đang diễn ra tại Fontainebleau đi vào bế tắc thì Chủ tịch Hồ Chí Minh càng tích cực vận động “ngoại giao hành lang”. Trong ngày, Bác thăm Bộ trưởng Pierre Cot, Chủ tịch Quốc hội Vincent Auriol, Phó Chủ tịch Quốc hội đồng thời cũng là nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp Jacques Duclos... và dành thời gian làm việc với phái đoàn Việt Nam do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu.

Cùng ngày, trả lời phỏng vấn của các báo Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm: “Nước Pháp thừa nhận Việt Nam độc lập và cùng chúng tôi gây mối quan hệ mới trên cái nền tin cậy và tự do thì nước Pháp sẽ thấy danh dự của mình, tinh thần của mình và hấp lực của mình ở Việt Nam thêm nhiều lắm. Mà như thế thì vững vàng, chắc chắn hơn là lấy chiến tranh hoặc sức mạnh hoặc tham mưu để ép chúng tôi ký điều ước này, điều ước nọ”.

Ngày 24/7/1953, Báo Cứu Quốc đăng bài “Xây dựng Đảng Lao động Việt Nam” của Bác, trong đó nêu rõ: “Xây dựng Đảng là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng... Giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng... Về đường lối chính trị, Đảng chống khuynh hướng “tả” và khuynh hướng “hữu”.

Trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước ngày 24/7/1962 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra lời dạy: “Tệ tham ô, lãng phí, quan liêu là cái xấu xa do xã hội cũ để lại, như cái ung nhọt còn sót lại trên thân thể của người khổng lồ. Công khai và mạnh dạn gạt bỏ cho thật sạch những ung nhọt ấy thì thân thể càng mạnh khỏe thêm”.

Nói chuyện tại Hội nghị về “Cuộc vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”, Bác nhấn mạnh: “Cuộc vận động này là một cuộc cách mạng nội bộ, một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ nạn tham ô, lãng phí, quan liêu... Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, để đưa công việc ngày càng tiến bộ chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình”.

Ngày 24/7/1967, tại nhà sàn trong Phủ Chủ tịch vào thời điểm máy bay Mỹ đang bắn phá ác liệt, Bác tiếp ông Raymond Aubrac một người bạn tốt mà Bác đã từng quen biết và đến ở tại nhà ông trong thời gian thăm Pháp năm 1946. Đi cùng ông Raymond Aubrac là nhà sinh vật học Herbert Marcovic đến Việt Nam công khai là làm việc với Viện Vệ sinh dịch tễ nước ta nhưng thực chất cả hai người mang sứ mệnh thiện chí nhằm “hòa giải” mối quan hệ giữa Washington và Hà Nội, chấm dứt chiến tranh.

Tại cuộc gặp, Bác đã phân tích lịch sử dân tộc để thấy bản chất cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam và đưa ra thông điệp là chỉ khi nào Mỹ chấm dứt hoàn toàn việc đánh phá miền Bắc thì mới có thể có đàm phán. Cuối buổi tiếp, Bác không quên thăm hỏi và tặng quà cho con gái của ông Raymond Aubrac mà Bác đã nhận lời đỡ đầu cách đó 21 năm (1946).

Ngọc Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-247-loi-bac-ho-day-ve-tham-o-bo-cong-thuong-ra-quy-dinh-tiep-dan-263541.html