Ngày này năm xưa 3/7: Ngày truyền thống Lực lượng Quản lý thị trường
Ngày này năm xưa 3/7/1957: Ban hành Nghị định số 290/TTg thành lập Ban Quản lý thị trường Trung ương và các ban Quản lý thị trường tỉnh, thành phố.
Chuyên mục “Ngày này năm xưa”, Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương và quốc tế ngày 3/7; các sự kiện, kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 3/7/1950, bắt đầu Chiến dịch Bến Tre.
Ngày 3/7/1955, công nhân và nhân dân lao động Sài Gòn tổ chức hai cuộc biểu tình lớn đòi trả lại tự do cho những người trong Ủy ban Cứu trợ nạn nhân chiến tranh, kết hợp đòi hiệp thương tổng tuyển cử để thống nhất đất nước.
Ngày 3/7/1980, tại Kremlin, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết ký kết Hiệp định hợp tác về thăm dò và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phần phía Nam Việt Nam.
Ngày 3/7/2022: Kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống Cục 11, Tổng cục II. Trong 40 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục II, Cục 11 đã nhanh chóng xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức, lực lượng theo hướng tinh gọn, mạnh, hiệu quả.
Đơn vị thường xuyên chăm lo giáo dục, xây dựng bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên; xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức; thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; xây dựng đoàn kết trong đơn vị…
Ngày 3/7/2003: Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 1573/QĐ-TCCB quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng, Thanh tra và các Vụ chức năng thuộc Bộ Công nghiệp.
Ngày 3/7/2006: Bộ Thương mại ban hành Văn bản số 0252/BTM-DM chuyển tiêu chuẩn hạn ngạch KQ/BL giữa các thương nhân xuất khẩu cho cùng một khách hàng nước ngoài Cat. 638/639 (đợt 1).
Ngày 3/7/2008: Bộ Công Thương ra Quyết định số 16/2008/QĐ-BCT về việc tạm thời áp dụng chế độ cấp Giấy phép xuất khẩu tự động đối với sắt, thép.
Ngày 3/7/2009: Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 18/2009/TT-BCT về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2008/TT-BCT ngày 9 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn việc nhập khẩu các mặt hàng thuộc danh mục quản lý nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2009.
Ngày 3/7/2015, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 14/2015/TT-BCT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Máy nổ mìn điện.
Sự kiện quốc tế
- Ngày 3-7-1608, thành phố Quebec, Canada được nhà thám hiểm người Pháp Samuel de Champlain chính thức thành lập.
- Ngày 3-7-1866, trong chiến tranh Áo-Phổ, quân đội Phổ giành được thắng lợi quyết định trước quân đội Áo trong trận Königgrätz.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 3/7/1924, tham dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc lại tiếp tục tham luận chủ đề về phong trào giải phóng thuộc địa: “Trong tất cả các thuộc địa của Pháp, nạn nghèo đói đều tăng, sự phẫn uất ngày càng lên cao. Sự nổi dậy của nông dân bản xứ đã chín muồi... Nếu hiện nay nông dân vẫn còn ở trong tình trạng tiêu cực, thì nguyên nhân là vì họ còn thiếu tổ chức, thiếu người lãnh đạo. Quốc tế Cộng sản cần phải giúp đỡ họ tổ chức lại, cần phải cung cấp cán bộ lãnh đạo cho họ và chỉ cho họ con đường đi tới cách mạng và giải phóng”.
Ngày 3/7/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đặt vòng hoa trước mộ chiến sĩ vô danh của Pháp và tại nghĩa trang những tử sĩ Việt Nam trong Đại chiến Thế giới. Nói chuyện với kiều bào, Bác nhắn nhủ: “Người Việt Nam phải đoàn kết làm cho nước nhà hoàn toàn vinh quang, sánh vai với các nước trên thế giới, xây dựng hạnh phúc cho Tổ quốc, cho nhân loại để khỏi phụ lòng những người đã vì nước thiệt mạng. Người chết đã vậy, còn các kiều bào ở Pháp nên xử sự thế nào để người Pháp hiểu biết và quý mến mình”. Tối hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh được mời xem biểu diễn nhạc kịch tại Nhà hát lớn Paris cùng Thủ tướng Pháp.
Ngày 3/7/1951, làm việc với Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến về Điều lệ thuế nông nghiệp và thuế công thương nghiệp, Bác yêu cầu: “… phải thận trọng nghiên cứu, điều tra, cho người đi thực tập, thăm dò dư luận, cân nhắc kỹ càng rồi mới nên ban bố ”.
Ngày 3/7/1954, trong “Thư gửi đồng bào, chiến sĩ và cán bộ vùng mới giải phóng ở đồng bằng Bắc bộ”, Bác chỉ dẫn “Hiện giờ đồng bào cần phải làm gì?
Mọi người phải:
1. Đoàn kết nhất trí, yêu mến và giúp đỡ lẫn nhau.
2. Hăng hái tăng gia sản xuất, làm ăn, buôn bán, để cải thiện sinh hoạt.
3. Hăng hái tham gia và ủng hộ kháng chiến.
4. Luôn luôn tỉnh táo, không nên chủ quan khinh địch”.
Ngày 3/7/1954, tại Liễu Châu (Trung Quốc), Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai về một số nội dung sẽ được đưa ra bàn tại Hội nghị Geneve thực hiện đình chiến ở Đông Dương.
Ngày 3/7/1958, nói chuyện với cán bộ tỉnh Hưng Yên, Bác phân tích: “Nông dân ta chí khí rất anh dũng, kinh nghiệm rất nhiều, lực lượng rất to. Điều đó tỏ rõ trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến. Nếu lãnh đạo tốt, thì khó khăn gì họ cũng khắc phục được, việc gì to lớn mấy họ cũng làm được. Vậy cán bộ phải lãnh đạo một cách thiết thực, chu đáo, liên tục, toàn diện”.
Ngày 3/7/1964, tại phiên bế mạc của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa III, sau khi được Quốc hội tái tín nhiệm bầu làm Chủ tịch nước, thay mặt những vị mới được bầu vào cơ quan lãnh đạo của Nhà nước, Bác phát biểu: “Tôi xin hứa với Quốc hội rằng: Vì Tổ quốc, vì nhân dân, chúng tôi sẽ luôn luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình, quyết không phụ lòng tin cậy của đồng bào và Quốc hội.
Về phần tôi,
Bảy mươi tư tuổi vẫn không già,
Cố gắng làm tròn nhiệm vụ ta.
Bao giờ Nam Bắc một nhà,
Dân giàu nước mạnh thì ta vui lòng”.
Bác cũng đưa ra thông điệp: Chấm dứt chiến tranh “Đó là cách giải quyết “lịch sự” không làm cho Mỹ mất thể diện”.
Ngày 3/7/1957: Ngày truyền thống Lực lượng Quản lý thị trường.
Ngày 3/7/1957, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 290/TTg thành lập Ban Quản lý thị trường Trung ương và các ban Quản lý thị trường tỉnh, thành phố và khu tự trị trong cả nước. Đây chính là mốc son đầu tiên đánh dấu sự ra đời của lực lượng Quản lý thị trường hiện nay.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chính quyền địa phương. Chủ động, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng xây dựng phương án, kế hoạch và tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề phát sinh nổi cộm trên thị trường. Đặc biệt, xây dựng đội ngũ công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, để hướng tới xây dựng một lực lượng Chính quy - Chuyên nghiệp - Hiện đại đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ và người dân.