Ngày này năm xưa 6/7: Đưa vào khai thác giếng dầu H4 mỏ Tê Giác Trắng; ngày thành lập Cục Xúc tiến Thương mại

Ngày này năm xưa: Ngày 6/7/2012, đưa vào khai thác giếng dầu H4 mỏ Tê Giác Trắng với sản lượng trung bình từ 10.000 đến 15.000 thùng dầu/ngày.

Chuyên mục Ngày này năm xưa trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương, quốc tế và các sự kiện, kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 6/7.

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

Ngày 6/7/1967: Ngày mất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ông tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1/1/1914 ở thôn Niêm Phò thuộc huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ nǎm 17 tuổi ông đã cùng một số thanh niên đấu tranh chống Pháp, rồi tham gia phong trào bình dân học vụ, tích cực hoạt động cách mạng. Nǎm 1945, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và làm Bí thư Phân khu ủy Bình Trị Thiên.

Trong kháng chiến chống Pháp ông làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, được bầu vào Bộ Chính trị, là Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và được phong hàm Đại tướng năm 1959. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông được cử làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam.

Ngày 6/7/1973: Xí nghiệp Liên hiệp xây dựng cầu Thǎng Long (nay là Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long) được thành lập để đảm nhận nhiệm vụ xây dựng cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng, cây cầu lớn nhất lúc bấy giờ. Sau khi hoàn thành công trình này, Tổng công ty xây dựng Thǎng Long đã vươn lên trở thành một doanh nghiệp lớn của Nhà nước, sản suất nhiều sản phẩm, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, như: Xây lắp các loại công trình giao thông, công nghiệp, dân dụng...

Ngày 6/7/1997: Cầu Mỹ Thuận chính thức được khởi công xây dựng, bắc qua sông Tiền, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long và hoàn thành vào 21/5/2000. Cầu Mỹ Thuận là cầu dây văng đầu tiên ở Việt Nam. Sau khi hoàn thành, cầu Mỹ Thuận giúp nối kết Vĩnh Long nói riêng và các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng Sông Cửu Long nói chung gần gũi hơn, kết nối trực tiếp với thành phố mà không cần phải qua bằng đường thủy.

Ngày 6/7/2000: Thành lập Cục Xúc tiến Thương mại.

Ngày 6/7/2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 78/2000/QĐ-TTg thành lập Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Thương mại - nay là Bộ Công Thương). Cục Xúc tiến Thương mại là tổ chức trực thuộc Bộ Công Thương thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật trong lĩnh vực hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phát triển ngành Công Thương và thương hiệu.

Hơn 20 năm xây dựng và trưởng thành, Cục Xúc tiến thương mại đã từng bước khẳng định vai trò nòng cốt trong công tác xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài; thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu thông qua các chương trình quốc gia. Cục Xúc tiến Thương mại đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương xây dựng 2 Luật gồm Luật thương mại 2005 và Luật quản lý ngoại thương năm 2018. Qua đó, góp phần hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản lý xúc tiến thương mại cũng như hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức xúc tiến thương mại, bảo vệ người tiêu dùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại.

Ngày 6/7/2012: Đưa vào khai thác giếng dầu H4 mỏ Tê Giác Trắng với sản lượng trung bình từ 10.000 đến 15.000 thùng dầu/ngày, và sớm hơn gần 11,5 tháng so với Kế hoạch Phát triển sớm của Bộ Công Thương với nỗ lực cao nhất, vượt tiến độ, bảo đảm chất lượng, và tuyệt đối an toàn.

Mỏ Tê Giác Trắng

Mỏ Tê Giác Trắng

Ngày 6/7/2022: Bộ Chính trị ban hành Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.

Ngày 6/7/2018: Ban Tổ chức Trung ương có Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW về một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Ngày 6/7/2018: Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

Ngày 6/7/2022: Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 799/QĐ-TTg phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Ngày 6/7/2022: Tại Công văn số 4215/VPCP-KTTH, Chính phủ giao giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đề xuất các nội dung liên quan đến điều phối, liên kết vùng Nam Phú Yên – Bắc Khánh Hòa vào quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngày 6/7/2016: Bộ Công Thương có Quyết định số 2487/QĐ-BCT điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với sản phẩm tôn màu nhập khẩu vào Việt Nam (mã vụ việc SG05).

Ngày 6/7/2022: Bộ Công Thương có Quyết định số 1719/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm Sorbitol có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ và Cộng hòa In-đô-nê-xi-a.

Sự kiện quốc tế

Ngày 6/7/1947: Khẩu AK-47 được đưa vào sản xuất tại Liên Xô. Cho đến nay đã có hàng chục biến thể của loại súng tiểu liên này được sản xuất với số lượng lên đến hàng trăm triệu khẩu súng. Súng được phát minh bởi Mikhail Timofeevich Kalashnikov (1919 - 2013) và được sử dụng ở hơn 100 quốc gia và được đưa vào danh sách các phát minh nổi bật của thế kỷ XX.

Ngày 6/7/1885: Nhà bác học Pháp Louis Pasteur thử nghiệm thành công lần đầu tiên vaccine phòng bệnh dại trên người với bệnh nhân Joseph Meister, một cậu bé 9 tuổi bị chó dại cắn. Sau nhiều lần tiêm, vaccine của Louis Pasteur đã trở thành vũ khí hiệu quả, không chỉ cứu sống bệnh nhân bị chó dại cắn mà còn mở ra một phương pháp điều trị hiệu quả bằng phương pháp chủng ngừa. Phòng thí nghiệm của Louis Pasteur ngay sau đó được Chính phủ Pháp đầu tư, nâng cấp thành Viện Pasteur.

Ngày 6/7/1893: Ngày mất của nhà văn hiện thực Pháp nổi tiếng Guy de Maupassant. Ông sinh ngày 5/8/1850. Các tác phẩm xuất sắc phải kể đến là "Một cuộc đời", "Ông bạn đẹp", "Núi Orion"… cùng hàng loạt truyên ngắn đã đưa ông vào hàng ngũ những cây bút truyện ngắn nổi tiếng nhất trong văn đàn thế giới từ trước đến nay. Các tác phẩm của ông cô đúc, sâu sắc được diễn đạt bằng một vǎn phong hết sức trong sáng, giản dị, tự nhiên, tinh luyện.

Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 6/7/1911: Nguyễn Tất Thành với cái tên Văn Ba trên con tàu “Đô đốc Latutsơ Tơrêvin” của Hãng Vận tải hợp nhất đã cập bến cảng Mácxây và đặt chân lên mảnh đất đầu tiên của nước Pháp. Trong những ngày ở đây, chứng kiến những người lao động Pháp cũng sống trong cảnh bần cùng, người thanh niên yêu nước Việt Nam tự hỏi: Thế ra ở nước Pháp cũng có người nghèo à!? Tại sao người Pháp không “khai hóa” cho đồng bào của họ trước khi “khai hóa” chúng ta?.

Ngày 6/7/1919: Bài báo “Tâm địa thực dân” ký tên Nguyễn Ái Quốc, phản bác lại một bài viết đăng trên tờ “Courrier Colonial” (“Thông tin thuộc địa”) nhằm công kích “Bản Yêu sách 8 điểm của nhân dân An Nam” gửi cho Hòa hội Vécxây (6-1919). Bằng giọng văn châm biếm nhưng đanh thép Nguyễn Ái Quốc vạch trần tâm địa của tác giả bài báo sặc mùi thực dân. Đây cũng là tác phẩm đầu tiên được công bố trong bộ sách “Hồ Chí Minh toàn tập”.

Ngày 6/7/1924: Nguyễn Ái Quốc tham dự cuộc mít tinh vì hòa bình tổ chức tại Mátxcơva. Cũng trong thời gian này, tờ “Le Paria” (Người cùng khổ) đăng bài “Lênin và các dân tộc phương Đông” trong đó Nguyễn Ái Quốc viết: “Không phải chỉ thiên tài của Người, mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người, không gì ngăn cản nổi... Lênin là hiện thân của tình anh em bốn bể ”.

Ngày 6/7/1946: Ngày Hội nghị Phôngtennơblô khai mạc bàn về tương lai quan hệ Việt - Pháp. Là thượng khách của Chính phủ Pháp nên Bác không tham dự mà dành thời gian tiếp một số chức phẩm Thiên chúa giáo người Việt ở Pháp và gửi lời chào tới một lễ hội kỷ niệm cố đạo Griguri (Grôgoire) - một nhà hoạt động thời Cách mạng Pháp đấu tranh cho sự bình đẳng giữa các dân tộc, màu da.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tại Hà Nội, tháng 9/1955

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tại Hà Nội, tháng 9/1955

Ngày 6/7/1948: Bác chủ trì phiên họp của Hội đồng Chính phủ bàn về việc thành lập Hội đồng Quốc phòng tối cao và được cử giữ chức Chủ tịch Hội đồng này, đồng thời hợp nhất Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng chỉ huy do Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng.

Ngày 6/7/1954: Trả lời Thông tấn xã Việt Nam về những vấn đề liên quan đến Hội nghị Giơnevơ đang diễn ra, Bác khẳng định “lập trường của ta từ trước đến nay, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ tiếp tục cố gắng đấu tranh cho hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ của Tổ quốc”.

Ngày 6/7/1967: Bác ký lệnh truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhất cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vừa qua đời.

Sự kiện trong ngày 6/7/2023

Hội nghị quán triệt triển khai Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức hội thảo “Tháo bỏ rào cản điều kiện kinh doanh: Lựa chọn cải cách cho phát triển doanh nghiệp”.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-67-dua-vao-khai-thac-gieng-dau-h4-mo-te-giac-trang-261023.html