Ngày này năm xưa 6/9: Thủ tướng ký ban hành 10 chính sách khuyến khích sản xuất ở miền núi
Ngày này năm xưa 6/9, Thủ tướng ký ban hành Nghị định 10 chính sách khuyến khích sản xuất ở miền núi; Khởi công Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất.
Chuyên mục “Ngày này năm xưa” trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương và quốc tế; các sự kiện, kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 6/9.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 6/9/1902, là ngày sinh của Tổng bí thư Lê Hồng Phong. Ông tên thật là Lê Huy Doãn, quê quán làng Đông, thuộc tổng Thông Lãng xưa, nay là xã Hưng Thông huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ông là lãnh đạo xuất sắc của Đảng, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và quê hương Nghệ An, người chiến sỹ kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Ông đã thể hiện một tấm gương sáng ngời của người cộng sản: Sống vì Đảng, chết không rời Đảng, trọn đời hy sinh phấn đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân...
Ngày 6/9/1931, là ngày mất đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta.
Ngày 6/9/1957, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký ban hành Nghị định số 410-TTg nêu rõ 10 chính sách khuyến khích sản xuất ở miền núi. Theo đó, để tăng cường đoàn kết và đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống cho nhân dân miền núi, góp phần bảo đảm cung cấp và xây dựng nước nhà, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định mười chính sách khuyến khích sản xuất dưới đây để áp dụng cho các dân tộc thiểu số và đồng bào kinh sống trong các vùng dân tộc thiểu số: Khuyến khích cày cấy ruộng bỏ hoang và khai hoang; Chăm lo tốt thêm, tăng thêm vụ không phải đóng thuế thêm; Khuyến khích trồng cây ăn quả, cây công nghệ; Khuyến khích làm rẫy hợp lý, trồng cây gây rừng; Khuyến khích phát triển chăn nuôi; Khuyến khích phát triển nghề phụ và thủ công; Đảm bảo tự do vay mượn, tự do thuê mướn nhân công, thuê mướn trâu, bò, ngựa; Khuyến khích việc giúp đỡ lẫn nhau; Bảo hộ và khuyến khích làm ăn khá giả, khen thưởng chiến sĩ lao động; Nghiêm cấm phá hoại sản xuất, bảo hộ quyền lợi nhân dân.
Ngày 6/9/1961, 400 công nhân hãng dầu Mỹ Stanvac ở Sài Gòn bãi công xưởng. Cuộc bãi công này kéo dài đến ngày 22/9, làm tê liệt 100 trạm bán dầu, làm ngừng trệ việc cấp xăng cho máy bay Mỹ, gây cho bọn chủ thiệt hại mỗi ngày từ 3 đến 4 triệu đồng ngụy Sài Gòn. Cuối cùng bọn Mỹ buộc phải tăng lương cho công nhân hãng dầu Stanvac từ 6 - 12%.
Ngày 6/9/2009, khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học (bio-ethanol) Dung Quất do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xây dựng tại khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 19/5/2012, nhà máy chính thức được khánh thành.
Ngày 6/9/2010, khởi công xây dựng Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn công tác Chính phủ đã dự lễ khởi công. Công trình được xây dựng nhằm ghi nhớ công lao to lớn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, góp phần giới thiệu thân thế và sự nghiệp của đồng chí với nhân dân cả nước. Đồng thời, đây cũng là việc làm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta đối với những người có công lao to lớn đối với đất nước, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.
Ngày 6/9/2010, khánh thành tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh tại ngã ba Nghèn (thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh là dự án có ý nghĩa lịch sử to lớn, lưu lại những dấu ấn lịch sử thời kỳ 1930 – 1931.
Ngày 6/9/2013, khánh thành Bảo tàng Côn Đảo. Bảo tàng Côn Đảo là địa chỉ “đỏ” gắn liền với việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích cách mạng đặc biệt của quốc gia và đây cũng là địa điểm không thể thiếu trong chuyến tham quan, du lịch về nguồn tại Côn Đảo. Bảo tàng trưng bày gần 2.000 hiện vật và tư liệu theo bốn chủ đề chính tại bảo tàng: Côn Đảo - Thiên nhiên con người, Côn Đảo - Địa ngục trần gian, Côn Đảo - Trận tuyến, trường học và Côn Đảo ngày nay.
Ngày 6/9/2013, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 20/2013/TT-BKHCN hướng dẫn thủ tục kiểm tra, quy trình và thủ tục thanh tra an toàn hạt nhân trong quá trình khảo sát, đánh giá địa điểm nhà máy điện hạt nhân.
Ngày 6/9/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1734/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Chính sách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, gắn phát triển kết cấu hạ tầng trong nước với mạng lưới hạ tầng trong các liên kết khu vực”.
Ngày 6/9/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1732/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế tại tỉnh Bắc Giang (giai đoạn 1).
Ngày 6/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP về việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.
Ngày 6/9/2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 2109/QĐ-HĐĐGHNNKĐ về quy chế đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2021.
Sự kiện quốc tế
Ngày 6/9/1968, ngày Swaziland giành được độc lập. Vương quốc Swaziland nằm ở miền Nam Châu Phi, giáp Mozambique và Nam Phi. Swaziland được thành lập vào những năm 1830 và đến năm 1906 trở thành thuộc địa của Anh.
Ngày 6/9/1991, sau khi được đổi tên thành Leningrad từ năm 1924, thành phố lớn thứ hai của Nga phục hồi tên gọi Sankt-Peterburg.
Ngày 6/9/2011, khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Lâm nghiệp thuộc Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ nhất tại Bắc Kinh (Trung Quốc) với chủ đề “Tăng cường hợp tác khu vực, thúc đẩy tăng trưởng xanh, thực hiện phát triển bền vững lâm nghiệp châu Á-Thái Bình Dương”.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 6/9/1919, Nguyễn Tất Thành được Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Anbe Xarô mời đến trụ sở để đích thân kiểm tra lai lịch người đó nhận mình tên là Nguyễn Ái Quốc xuất hiện lần đầu trong “Bản Yêu sách 8 điểm của Nhân dân An Nam” thay mặt cho Nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Kể từ đây, cái tên Nguyễn Ái Quốc gắn liền với nhân vật Nguyễn Tất Thành mà sau này là Hồ Chí Minh. (Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010).
Ngày 6/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức họp báo để nói về chính sách ngoại giao và nội trị của Chính phủ từ sau ngày 2-9-1945. Về ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ chính sách đối ngoại của Việt Nam. Về nội trị, Người nhấn mạnh: Chính phủ Dân chủ Cộng hòa lâm thời phải là công bộc của dân, phải làm sao cho dân tộc Việt Nam có Danh với thế giới, tranh được Lợi với thế giới.
Ngày 6/9/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài viết: Đắp đê bằng thân người, ký bút danh C.B, đăng Báo Nhân dân, số 24. Sau khi ca ngợi các chiến sĩ giải phóng quân Trung Quốc đã dũng cảm cứu đê trong mùa lũ ở tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) và cho rằng tinh thần phục vụ nhân dân đó cũng là tinh thần của quân đội Việt Nam, tác giả kết luận: “Với tinh thần ấy đánh giặc nào cũng thắng, làm việc gì cũng được”. (Sách “Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử”, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật)
Ngày 6/9/1967, nhân dịp Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam công bố bản Cương lĩnh chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi đồng chí Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cùng đồng bào, chiến sĩ và cán bộ miền Nam. Trong thư Người khẳng định: “Đoàn kết là sức mạnh vô địch của chúng ta. Bản Cương lĩnh chính trị của Mặt trận là ngọn cờ đại đoàn kết toàn thể nhân dân miền Nam để cùng nhau chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi cuối cùng. Nhân dân ta đã đoàn kết, càng đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ hơn nữa!”