Ngày này năm xưa 9/10: Quy định chức năng nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp

Ngày này năm xưa 9/10: Quy định chức năng nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp; thi hành một số điều của Luật Hóa chất.

Chuyên mục “Ngày này năm xưa” của Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 9/10 trong nước và ngành Công Thương; các sự kiện quốc tế và sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

Ngày 9/10/1947: Ngày sinh của Nguyễn Thành Trung, phi công Việt Nam cài vào hàng ngũ địch, người đã sử dụng máy bay F5-E ném bom xuống dinh Độc Lập ngày 8/4/1975.

Ngày 9/10/1969: Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 203/CP thành lập Liên đoàn Địa chất 36 nhằm đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở miền Bắc Việt Nam. Quyết định này nhằm hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển ngành dầu khí tại Việt Nam.

Với sự giúp đỡ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, vào những năm 1970, Đoàn 36 đã phát hiện dòng khí thiên nhiên và condensate có giá trị thương mại tại giếng khoan 61 Tiền Hải (Thái Bình) với trữ lượng xác minh đến 1,3 tỷ m3, cung cấp nhiều thông tin quý giá về cấu trúc địa chất và tiềm năng dầu khí ở miền võng Hà Nội và vùng trũng An Châu.

Ngày 9/10/1983: Tại Hà Nội đã khai mạc Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ nhất. Đây là đại hội thể dục thể thao cả nước lớn nhất, đầu tiên của học sinh nước ta.

Ngày 9/10/2001: Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 45/2001/QĐ-BCN về việc sửa đổi Điều 13, Quy chế làm việc của Bộ Công nghiệp.

Ngày 9/10/2002: Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định 42/2002/QĐ-BCN về việc ban hành Quy định kiểm tra cung ứng, sử dụng điện và xử lý vi phạm hợp đồng mua bán điện.

Ngày 9/10/2003: Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định 161/2003/QĐ-BCN về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp.

Ngày 9/10/2003: Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định 161/2003/QĐ-BCN về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp

Ngày 9/10/2003: Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định 161/2003/QĐ-BCN về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp

Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp có tiền thân là các đơn vị nghiên cứu khoa học của các Bộ: Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Năng lượng. Tại Nghị định số 74/CP ngày 01/11/1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Công nghiệp, các đơn vị nghiên cứu khoa học thuộc Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Năng lượng được sắp xếp thành tổ chức nghiên cứu khoa học trực thuộc Bộ Công nghiệp. Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp được quy định tại Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Công nghiệp. Tiếp theo đó, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp được quy định tại các Nghị định: Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Công Thương; Nghị định số 44/2011/NĐ-CP ngày 14/6/2011 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương; Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương. Cuối năm 2022, Chính phủ đã ra Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương và đó là căn cứ để Bộ Công Thương ra Quyết định số 2633/QĐ-BCT ngày 02 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương.

Ngày 9/10/2006: Chính phủ ban hành Nghị định 117/2006/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Công nghiệp.

Ngày 9/10/2008: Bộ Công Thương ban hành Quyết định 35/2008/QĐ-BCT về việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng dệt may đối với một số chủng loại hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Ngày 9/10/2009: Thủ tướng Chính phủ có Quyết định1 586/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh.

Ngày 9/10/2012, các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương ký thỏa thuận ưu tiên mua sản phẩm của nhau nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tại lễ ký kết, 16 tập đoàn, tổng công ty ký thỏa thuận chung và 11 tập đoàn, tổng công ty ký kết song phương tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, các bên sẽ ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên vật liệu, thiết bị máy móc và các loại hàng hóa sản xuất trong nước.

Đây là nhiệm vụ vừa có tính cấp thiết trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài, góp phần hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất phát triển. Việc hợp tác dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng các lợi ích của từng tập đoàn, tổng công ty, công ty thành viên và phù hợp với quy định của pháp luật; và được thực hiện theo lộ trình và từng giai đoạn cụ thể để phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với sự phát triển chung của mỗi tập đoàn, tổng công ty, công ty thành viên; đóng góp vào sự phát triển của ngành và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngày 9/10/2014: Bộ Công Thương ban hành Thông tư 32/2014/TT-BCT quy định về trình tự xây dựng, áp dụng Biểu giá chi phí tránh được và ban hành Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các nhà máy thủy điện nhỏ.

Ngày 9/10/2017: Chính phủ ban hành Nghị định 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất.

Ngày 9/10/2017: Chính phủ ban hành Nghị định 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất.

Ngày 9/10/2017: Chính phủ ban hành Nghị định 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất.

Sự kiện quốc tế

Tháng 9/1874, đại diện 22 nước họp tại thành phố Bon (Thụy Sĩ) đã nhất trí lấy ngày 9/10 hàng năm làm ngày Bưu chính thế giới (gọi tắt là UPU). Việt Nam là thành viên của liên minh Bưu chính thế giới từ năm 1951.

Ngày 9/10/1967: Anh hùng du kích Che Guevara bị quân đội chính phủ Bolivia hành quyết. Che Guevara tên thật Ernesto Guevara de la Serna (1928-1967) là một nhà cách mạng người Argentina. Cuộc gặp định mệnh giữa Che Guevara và Fidel Castro năm 1955 là bước ngoặt đưa ông tham gia cuộc cách mạng Cuba lật đổ chế độ độc tài Fulgenio Batista. Năm 1966, Che Guevara đến Bolivia để lãnh đạo cuộc chiến tranh du kích ở nước này nhằm lật đổ chế độ độc tài quân sự. Tuy nhiên, trong một chiến dịch, ông bị bắt vào ngày 8/10/1967 và bị hành quyết một ngày sau đó. Đến năm 1997, thi hài của người anh hùng Che Guevara mới được tìm thấy và đưa về an táng tại Cuba.

Che Guevara được nhiều người dân trên khắp thế giới tôn làm anh hùng như một biểu tượng cách mạng và chống chủ nghĩa đế quốc

Che Guevara được nhiều người dân trên khắp thế giới tôn làm anh hùng như một biểu tượng cách mạng và chống chủ nghĩa đế quốc

Với nhân dân Việt Nam, Che Guevara nổi tiếng với thông điệp lịch sử gửi tới những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới tháng 4/1966: “Dân tộc Việt Nam thật kiên cường và dũng cảm! Hãy tạo ra hai, ba... nhiều Việt Nam. Đó là khẩu hiệu đấu tranh!”.

Ngày 9/10/2012: Malala Yousafzai, nữ sinh 15 tuổi người Pakistan, bị một tay súng Taliban bắn trọng thương vào đầu khi đang trên xe buýt từ trường trở về nhà vì đã dám đấu tranh giành quyền được đi học cho nữ giới. Cô may mắn thoát chết và hồi phục một cách thần kỳ.

Hơn chín tháng sau đó, Malala có bài phát biểu dậy sóng Liên hợp quốc: "Tôi đứng đây, một cô gái trong số nhiều cô gái. Tôi cất tiếng nói không phải cho bản thân, mà cho tất cả trẻ em gái và trẻ em trai. Tôi cất to tiếng không phải để hét, mà để những ai không có tiếng nói có thể được nghe thấy. Những người đã đấu tranh vì quyền của mình: Quyền được sống trong hòa bình, Quyền được đối xử tôn trọng, Quyền bình đẳng về cơ hội, Quyền được hưởng giáo dục...".

Ngày 12/7/2013: Là sinh nhật thứ 16 của Malala. Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 12/7 là "Malala Day" - ngày của quyền được học hành của các bé gái và phụ nữ khắp hành tinh. Một năm sau, Malala trở thành người trẻ nhất đoạt giải Nobel Hòa bình khi mới 17 tuổi.

Ngày 9/10/2020: CNN cho biết, Ủy ban Giải thưởng Nobel Na Uy tuyên bố Giải Nobel Hòa bình năm 2020 đã được trao cho Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc vì “những nỗ lực chống lại nạn đói, những đóng góp giúp tạo điều kiện tiến tới hòa bình tại những vùng có xung đột và vai trò làm động lực ngăn chặn việc sử dụng nạn đói làm vũ khí trong chiến tranh và xung đột”.

Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 9/10/1921: Diễn ra cuộc họp đầu tiên của "Hội Liên hiệp thuộc địa" tại Paris. Hội do đồng chí Nguyễn Ái Quốc cùng với một số bạn chiến đấu người Angieri, Tuynidi, Marốc, Mangasơ... sáng lập. Mục đích của Hội là giải phóng các dân tộc thuộc địa. Cơ quan tuyên truyền của Hội là tờ báo LơParia (Người cùng khổ). Hội tập hợp được gần 100 hội viên là những người yêu nước.

"Sự ra đời của Hội là một sự kiện chính trị quan trọng đối với các dân tộc bị áp bức. Hội chỉ hoạt động đến 1926 nhưng đã góp phần vào việc xây dựng tình đoàn kết giữa nhân dân các nước thuộc địa. Thông qua Hội, chủ nghĩa Mác Lênin đã được truyền bá đến các thuộc địa.

Ngày 9/10/1945: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh Luật số 50 về cấm xuất khẩu thóc, gạo, ngô, đỗ, các chế phẩm thuộc về ngũ cốc. Đặc biệt đây là văn bản luật đầu tiên có ghi tiêu ngữ: "Độc lập-Tự do-Hạnh phúc".

Sắc lệnh Luật số 50 về cấm xuất khẩu thóc, gạo, ngô, đỗ, các chế phẩm thuộc về ngũ cốc

Sắc lệnh Luật số 50 về cấm xuất khẩu thóc, gạo, ngô, đỗ, các chế phẩm thuộc về ngũ cốc

Từ năm 1945 trở về trước, dưới sự cai trị, áp bức, bóc lột của thực dân Pháp, cuộc sống của nhân dân khổ cực, diện tích đất nông nghiệp bị sử dụng cho mục đích khác, dẫn đến nạn đói. Chính vì vậy, sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn cứ tình hình kinh tế - xã hội trong nước để ban hành sắc lệnh cấm xuất khẩu nông sản nhằm phục vụ nhân dân trong nước.

Ngày 9/10/1961: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Công giáo Hungary sang dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II người Công giáo Việt Nam yêu Tổ quốc, yêu hòa bình.

Việt Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-910-quy-dinh-chuc-nang-nhiem-vu-cua-vien-nghien-cuu-chien-luoc-chinh-sach-cong-nghiep-277332.html