Ngày ông Công ông Táo: Cá chép 'bay' lên trời bằng 'cầu trượt'

Thay vì tiễn các 'ông' cá chép bằng cách ném túi ni-lông xuống ao hồ, thì tại một khu chung cư thuộc quận Bắc Từ Liêm, người dân lại được thả cá bằng 'cầu trượt'.

Ông Tuyến, đại diện ban quản lý chung cư, đây là năm thứ 2 liên tiếp, hệ thống “cầu trượt” tiễn cá chép, biển báo được lắp ở một số tòa nhà.

“Năm ngoái, chúng tôi thí điểm lắp đặt “cầu trượt” tiễn cá chép và nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân. Nên năm nay, chúng tôi tiếp tục làm lại, vừa để cư dân hiểu được các ý nghĩa từ việc bảo vệ môi trường, không vứt túi ni-lông xuống hồ ao, vừa là cách người lớn dạy trẻ em về văn hóa dân tộc”, ông Tuyến nói.

Một tuần nay, các biển thả cá tiễn ông Công ông Táo đã được lắp đặt để thông báo cho các cư dân.

Tuy nhiên, thay vì được làm bằng ống nhựa giống năm ngoái, trong ngày ông Công ông Táo năm nay, hệ thống “cầu trượt” tiễn cá chép được làm bằng ống nhôm, hiện đại và an toàn hơn.

“Cầu trượt làm bằng ống nhựa không được chắc chắn. Lúc thả cá hay bị rung lắc, nên chúng tôi thay bằng ống nhôm, đẹp và an toàn hơn”, ông Tuyến.

Người dân thả cá trên “cầu trượt”

Được biết, kết cấu của một chiếc “cầu trượt” thả cá khá đơn giản. Tổng chiều dài của “cầu trượt”, tính từ mép hàng rào chạy thẳng xuống hồ nước là 5 m. Trên đỉnh được thiết kế theo hình chiếc phễu, giúp người dân dễ thả cá hơn.

Chia sẻ với PV Báo Nhà báo và Công luận, một số hộ dân sinh sống tại đây cho biết: Ý tưởng làm “cầu trượt” thả cá rất hay, an toàn cho trẻ nhỏ.

Bên cạnh “cầu trượt”, ban quản lý tòa nhà đặt thêm thùng rác, để người dân không vứt ni-lông xuống ao hồ.

Chị Hoàng Yến cho biết: “Nhà tôi có 2 bé, bé lớn 7 tuổi, bé nhỏ 5 tuổi. Cả hai bé đều thích thả cá trong ngày ông Công ông Táo. Lúc trước, tôi không dám cho các bé thả, vì gần ao hồ, sông suối rất nguy hiểm. Tuy nhiên, khi bé thả cá trên “cầu trượt”, tôi thấy an toàn hơn. Các bé không phải nhào người xuống mặt hồ thả cá”.

Năm nay, “cầu trượt” được làm bằng nhôm, hiện đại và an toàn hơn.

Đồng tình với ý tưởng này, chị Lan, một cư dân khác đánh giá: “Việc làm “cầu trượt” vừa tránh tình trạng cá bị tổn thương khi thả từ trên cao, vừa có ý nghĩa dạy các bé về ý thức bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi. Đây là một việc làm nhỏ, nhưng ý nghĩa lớn”.

Một số cư dân tại đây cho biết, lo ngại về tình trạng dịch bệnh, số lượng người dân đi thả cá bằng “cầu trượt” năm nay ít hơn năm ngoái. Trong cả sáng 4/2 (tức 23 tháng Chạp) chỉ có hơn chục hộ thả cá.

Phần đỉnh cầu trượt có hình phễu.

Cá chép lướt “cầu trượt” về trời.

Làm “cầu trượt” thả cá nhận được nhiều sự ủng hộ từ các cư dân.

Theo thông lệ mỗi năm, cứ đến gần ngày 23 tháng Chạp (âm lịch), người dân khắp nơi lại đổ xô ra mua 3 “ông” cá chép để tiễn ông Công ông Táo về trời.

Ngoài ra, việc thả cá chép còn có nhiều ý nghĩa như "cá vượt vũ môn" hay "cá chép hóa rồng" còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền bỉ chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp.

Lâm Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ngay-ong-cong-ong-tao-ca-chep-bay-len-troi-bang-cau-truot-post117557.html