Ngày pháp luật việt nam 9 - 1: Chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một trong những nội dung quan trọng nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân, hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội nhằm giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Xác định điều này, Tuyên Quang đã có những cách làm hiệu quả, đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận các thông tin về pháp luật.
Tăng cường công tác tuyên truyền
Theo báo cáo của Sở Tư pháp, từ đầu năm các cơ quan, đơn vị đã triển khai công tác tuyên truyền, xây dựng kế hoạch PBGDPL. Trên địa bàn tỉnh đã tổ chức trên 2.800 buổi tuyên truyền pháp luật cho gần 220.000 người; tổ chức 30 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thu hút hơn 80.000 lượt người tham gia; cung cấp gần 47.000 nghìn tài liệu tuyên truyền pháp luật cho Nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoài ra, ngành ban hành 11 văn bản chỉ đạo, định hướng nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật. Xác định nội dung trọng tâm cần tuyên truyền, phổ biến, trong đó tập trung phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến các vấn đề về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và lĩnh vực đất đai, nhà ở; phổ biến các quy định pháp luật về nông nghiệp; phòng, chống tội phạm; pháp luật về hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình…
Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 3.800 báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật trong đó có cả cán bộ đang công tác là người dân tộc thiểu số. Từ đầu năm đến nay, việc phối hợp PBGDPL, tuyên truyền giáo dục kiến thức pháp luật trong Nhân dân thông qua thông tin Báo, Đài được chú trọng. Tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, đồng thời việc tổ chức tư vấn pháp luật diễn ra ngay tại cơ sở cho Nhân dân khi có yêu cầu.
Đối với các trường THPT trên địa bàn, công tác phối hợp với các cơ quan Ủy viên Hội đồng PBGDPL huyện như huyện đoàn, công an huyện và các xã, thị trấn là cầu nối triển khai chương trình giáo dục pháp luật lồng ghép với môn học giáo dục công dân và các hoạt động ngoại khóa như tìm hiểu Luật An toàn giao thông, Luật Phòng chống ma túy, phòng chống tội phạm… giúp nâng cao nhận thức pháp luật tới từng giáo viên và các em học sinh...
Đồng chí Vũ Thị Minh Hiền, Trưởng phòng Xây dựng, kiểm tra, thi hành pháp luật và phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp cho biết: “Công tác tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật là nhiệm vụ thiết yếu nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền và nghĩa vụ của mình. Trong công tác tuyên truyền, việc chú trọng vào việc tuyên truyền pháp luật theo hướng thay đổi cách nghĩ, cách nhìn của Nhân dân đối với pháp luật luôn được chú trọng giúp người dân có thể áp dụng pháp luật cũng như gắn với hình thức trợ giúp, tư vấn pháp lý để mọi người có thể tiếp cận một cách dễ dàng”.
Đổi mới các hình thức phổ biến
Ngoài việc tuyên truyền miệng tại các hội nghị, cuộc họp khu dân cư, xóm, bản, công tác tuyên truyền đã ứng dụng công nghệ thông tin trong biên soạn hình ảnh đồ họa, xây dựng video, phóng sự phát trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh, trang thông tin điện tử hay trên mạng xã hội, Internet... Nhờ đó, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân ngày càng được nâng lên.
Gắn với cuộc thi tìm hiểu pháp luật, việc tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật lưu động và thi tìm hiểu pháp luật cho người dân đã thu hút sự tham gia, tương tác, chú ý lắng nghe của người được tuyên truyền, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác PBGDPL. Trên 1.700 tài liệu tuyên truyền pháp luật, những buổi phát thanh chuyên mục “Phổ biến pháp luật” bằng 5 thứ tiếng: Việt, Tày, Dao, Cao Lan và Mông với đa dạng chủ đề pháp luật; các tài liệu phát thanh được gửi cho UBND các huyện, xã để thực hiện tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở cũng mang đến những hiệu quả thiết thực gần hơn với người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Các buổi ngoại khóa tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho cán bộ, giáo viên và học sinh và học viên cũng được đẩy mạnh. 100% đơn vị trường học đã tổ chức tuyên truyền, phòng ngừa và đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật với các tiết mục, tiểu phẩm đặc sắc. Việc tuyên truyền thông qua việc lồng ghép sinh hoạt pháp luật vào một số môn học, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, thông qua các hình thức sân khấu hóa, các cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, tổ chức các diễn đàn đã thu hút đông đảo học sinh tham gia. Em Đỗ Thanh Mai, học sinh trường THPT Sơn Dương chia sẻ: “Thông qua các buổi tuyên truyền với những tiết mục phong phú, sôi động không chỉ giúp chúng em thêm hiểu biết về pháp luật mà còn hào hứng tham gia tuyên truyền trong nhà trường”.
Công tác tuyên truyền, PBGDPL cho người dân là yếu tố then chốt trong việc xây dựng một xã hội tuân thủ pháp luật và văn minh. Khi mỗi công dân đều được trang bị kiến thức pháp luật sẽ giúp chủ động bảo vệ quyền lợi của mình và góp phần xây dựng một môi trường sống an toàn và phát triển.