Ngày Quốc khánh Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 2/9

Ngày Quốc khánh Việt Nam là ngày lễ chính thức của Việt Nam, diễn ra vào ngày 2 tháng 9 hằng năm, kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: T.L

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: T.L

Sau khi Hà Nội và miền Bắc khởi nghĩa thắng lợi, ngày 25/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu trở về ngoại thành Hà Nội. Chiều ngày 26/8, Đoàn Trung ương đón Người về ở căn gác 2, nhà số 48, phố Hàng Ngang, Hà Nội trực tiếp chỉ đạo phong trào. Người đã chủ tọa phiên họp của Thường vụ Trung ương Đảng bàn về công tác đối nội, đối ngoại, và đưa ra quyết định về việc khẩn trương tổ chức lễ ra mắt chính phủ lâm thời.

Sáng ngày mùng 2/9/1945, hàng chục vạn người hàng ngũ chỉnh tề, cờ hoa khoe sắc, áo quần tươi màu đỏ thắm đã dồn về quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Những biểu ngữ nền đỏ chữ vàng bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Hoa, Nga chăng ngang đường phố: “Nước Việt Nam là của người Việt Nam”, “Độc lập hay là chết”, “Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đúng 14 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên trong Chính phủ lâm thời đã tiến ra lễ đài, bản nhạc Tiến quân ca hùng tráng vang lên, mọi ánh mắt đều hướng về lá cờ đỏ sao vàng đang từ từ kéo lên. Hàng chục vạn bàn tay nắm chặt giơ cao, biểu thị lòng quyết tâm và ý chí sắt đá, kính chào lá cờ vinh quang của Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đã trang trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, bắt đầu từ nay Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời.

Tuyên ngôn nhấn mạnh: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều có quyền bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Tất cả các quyền đó đều là những quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mỗi dân tộc trên thế giới.

Tuyên ngôn khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng Minh chống phát xit mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập!... Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy".

Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện lịch sử có ý nghĩa vô cùng trọng đại đối với vận mệnh của dân tộc, tiếp nối truyền thống anh hùng bất khuất của cha ông ta. Tuyên ngôn Độc lập là bản hùng ca viết tiếp những trang sử huy hoàng của ngàn năm về trước, đã đánh dấu thắng lợi của một thế kỷ ngoan cường chống Thực dân và Phong kiến và mở ra một kỷ nguyên mới trên đất nước ta. Tuyên ngôn Độc lập chẳng những đã khai sinh một nhà nước - nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa, nhà nước độc lập đầu tiên trong hệ thống thuộc địa thế giới, mà còn báo hiệu sự thành lập một chế độ xã hội mới - chính quyền công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam châu Á.

Thế hệ trẻ Việt Nam luôn tự hào về Tổ quốc thiêng liêng,biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Ảnh: Khánh Nhi

Thế hệ trẻ Việt Nam luôn tự hào về Tổ quốc thiêng liêng,biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Ảnh: Khánh Nhi

Đối với mỗi người dân Việt Nam, Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa luôn sống mãi, không chỉ bởi giá trị lịch sử, pháp lý mà còn bởi giá trị nhân văn về quyền con người và quyền dân tộc.

Theo các tài liệu lưu trữ quốc gia hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, trong những năm đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tên gọi ngày Quốc khánh Việt Nam được quy định là ngày 19/8 dương lịch, còn ngày 2/9 được quy định là “Ngày Việt Nam độc lập. Cụ thể là Sắc lệnh 22C NV/CC ngày 18/2/1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, quy định những ngày Tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, trong đó có ấn định ngày 2/9 là ngày Việt Nam độc lập.

Sắc lệnh 141 ký ngày 26/7/1946 do Quyền Chủ tịch Chính phủ Huỳnh Thúc Kháng ký về việc lấy ngày 19/8 dương lịch, ngày kỷ niệm Cách mạng tháng 8 năm 1945 từ nay sẽ là ngày Quốc khánh Việt Nam.

Kể từ hai văn bản này, ngày 2/9 thường được gọi bằng các cụm từ khác nhau như: “Ngày Độc lập”, “Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”, “Ngày Tuyên ngôn độc lập”. Cho đến năm 1954, “Khẩu hiệu kỷ niệm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9” là văn bản chính thức đầu tiên Chính phủ sử dụng cụm từ “Quốc khánh” để nhắc đến ngày 2/9.

Ngày 2/9 chính thức được quy định là ngày Quốc khánh tại điều 145, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992: “Ngày tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 là ngày Quốc khánh”, và Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, chương 1, điều 13, mục 4 quy định: “Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là ngày Tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945”.

P.V (T/h)

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/ngay-quoc-khanh-nuoc-cong-hoa-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam-2-9-3171729.html