Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone 16/9: Thúc đẩy hành động vì khí hậu
Nhận thức được tầm quan trọng của bảo vệ tầng ozone, năm 1985, các quốc gia trên thế giới đã thông qua Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone, đánh dấu mốc khởi đầu quan trọng cho công tác bảo vệ tầng ozone trên quy mô toàn cầu.
Đến năm 1987, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone trong khuôn khổ Công ước Vienna được ra đời với mục tiêu quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone theo lộ trình. Việt Nam đã tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone từ năm 1994 và cho đến nay đã có 198 quốc gia phê chuẩn tham gia.
Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone năm 2024 được Ban Thư ký Ozone quốc tế lựa chọn chủ đề “Nghị định thư Montreal: Thúc đẩy hành động vì khí hậu”.
Chung tay loại trừ dần các chất làm suy giảm tầng ozone
Phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1994 đã quyết định chọn ngày 16 tháng 9 là Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone, nhằm kỷ niệm ngày Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone được thông qua. Từ đó, hàng năm, tất cả các quốc gia thành viên tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal đều tổ chức các hoạt động kỷ niệm ở cấp quốc gia theo các chủ đề được lựa chọn phù hợp với mục tiêu tăng cường sự hiểu biết về Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal, nâng cao nhận thức và truyền tải thông điệp về bảo vệ tầng ozone tới các cấp, các ngành, cộng đồng và toàn xã hội.
Sau hành trình hơn 30 năm thực hiện, Nghị định thư Montreal được đánh giá là điều ước quốc tế rất thành công, kết nối các quốc gia trên thế giới chung tay loại trừ dần các chất làm suy giảm tầng ozone để khôi phục tầng ozone trở về nguyên trạng. Lộ trình loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone đã được chứng minh là một công cụ mạnh mẽ cho hành động khí hậu giúp làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu và trì hoãn băng tan vào mùa hè tại Bắc Cực trong 15 năm tới.
Gần đây, Trái đất tiếp tục ghi nhận các kỷ lục về nhiệt độ, cho thấy hành tinh đang tiếp tục nóng lên và kéo theo nhu cầu làm mát ngày càng tăng nhanh. Việc tăng cường sử dụng các thiết bị lạnh và điều hòa không khí phục vụ nhu cầu làm mát của con người chiếm khoảng 20% tổng lượng điện tiêu thụ trên toàn cầu, dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2050. Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal được thông qua năm 2016 là một bước quan trọng nữa của các quốc gia trên thế giới, nhằm đóng góp không làm tăng nhiệt độ trái đất thêm 0,5 độ C vào năm 2100; kỳ vọng này sẽ đạt được gấp đôi nếu được triển khai trên quy mô toàn cầu cùng với các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cho đến nay, đã có 160 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã phê chuẩn tham gia Bản sửa đổi, bổ sung Kigali nhằm giảm dần việc sản xuất và tiêu thụ các chất HFC - nhóm chất gây hiệu ứng nhà kính được sử dụng phổ biến thay thế các chất làm suy giảm tầng ozone trong ngành công nghiệp làm mát.
Chia sẻ về những thách thức trong quá trình thực hiện Nghị định thư Montreal, Tiến sỹ Tăng Thế Cường, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Nỗ lực của Việt Nam trong 30 năm thực hiện Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal đã được cộng đồng quốc tế công nhận và đánh giá cao; tuy nhiên, Việt Nam còn có những thách thức.
Hiện cơ chế, chính sách, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ tầng ozone, quản lý các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát của Việt Nam đã có nhưng để triển khai đồng bộ, hiệu quả, cần có các quy chuẩn, tiêu chuẩn và văn bản hướng dẫn kỹ thuật. Việt Nam còn thiếu nhân lực có trình độ, kinh nghiệm trong cơ quan quản lý nhà nước cũng như các chuyên gia, kỹ thuật viên am hiểu sâu những công nghệ mới và những môi chất lạnh mới trong thực tiễn.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu hụt nguồn lực tài chính để chuyển đổi công nghệ mới, hiện đại. Tiến sỹ Tăng Thế Cường khuyến nghị, cần phát huy tốt các nguồn lực trong nước, huy động hỗ trợ của quốc tế về tài chính và công nghệ. Về giải pháp cụ thể, cần có cơ chế hỗ trợ tài chính khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động chuyển đổi công nghệ sử dụng các chất thân thiện với khí hậu, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu lượng tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính.
Bước tiến mạnh mẽ bảo vệ tầng ozone
Chung tay cùng cộng đồng quốc tế, nhiều năm qua, Việt Nam đã nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm bảo vệ tầng ozone, kiểm soát và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone (CFC, Halon, CTC, HCFC, Methyl Bromide), chất gây hiệu ứng nhà kính (HFC); đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon, CTC từ ngày 1/1/2010; loại trừ hoàn toàn HCFC-141b nguyên chất sử dụng trong sản xuất xốp từ ngày 1/1/2015; chất Methyl bromide chỉ sử dụng cho mục đích khử trùng và kiểm dịch trong nông nghiệp. Các chất HCFC và HFC được quản lý theo hạn ngạch và giảm dần theo lộ trình thực hiện Nghị định thư Montreal áp dụng đối với các quốc gia đang phát triển.
Việt Nam đã đạt được bước tiến mạnh mẽ trong công tác bảo vệ tầng ozone với việc thiết lập các quy định quản lý và triển khai trong thực tiễn trong thời gian qua. Cho đến nay, nội dung bảo vệ tầng ozone đã được thể chế, nội luật hóa cam kết quốc tế trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật. Triển khai thi hành Luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu, Thông tư số 20/2023/TT-BTNMT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thu gom, vận chuyển, lưu giữ, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát (QCVN 76:2023/BTNMT). Các Nghị định và Thông tư đã quy định rõ về lộ trình quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát; quy định danh mục và hướng dẫn quản lý, sử dụng các chất được kiểm soát; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các chất được kiểm soát; quy định trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong quản lý.
Việt Nam cũng đã ban hành các tiêu chuẩn quốc gia như TCVN 6739:2015 (ISO 817:2014): Môi chất lạnh - Ký hiệu và phân loại an toàn; TCVN 6104-1/2/3/4:2015 (ISO 5149-1/2/3/4:2014): Hệ thống lạnh và bơm nhiệt; TCVN 13334:2021 Xốp cách nhiệt polyuretan (PU) sử dụng chất trợ nở dễ cháy - Yêu cầu về an toàn trong sản xuất; đang xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia về “Môi chất lạnh - Yêu cầu về an toàn trong sản xuất và lắp đặt điều hòa không khí treo tường sử dụng R-32…
Để triển khai đồng bộ các giải pháp từ nay đến năm 2045, ngày 11/6/2024 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát tại Quyết định số 496/QĐ-TTg. Nếu thực hiện theo lộ trình, đến năm 2045 Việt Nam sẽ giảm phát thải hơn 11 triệu tấn CO2 tương đương từ việc loại trừ các chất được kiểm soát, chưa kể đến lượng giảm phát thải đạt được thông qua những nỗ lực chuyển đổi công nghệ theo hướng thân thiện với khí hậu và các hoạt động tái chế, tái sử dụng các chất được kiểm soát, góp phần thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Hưởng ứng Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone năm 2024 và kỷ niệm 30 năm Việt Nam tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền như tổ chức hội thảo, xây dựng phóng sự, tổ chức sự kiện giao lưu với sinh viên nhằm nâng cao nhận thức về quản lý, loại trừ các chất được quản lý theo Nghị định thư Montreal tại Việt Nam; tăng cường sự phối hợp với các cơ quan liên quan để nâng cao năng lực, nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng và những lựa chọn công nghệ thay thế, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, các chất có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao, qua đó ghi nhận những thành tựu đã đạt được và hướng tới tương lai để có những hành động mạnh mẽ hơn về bảo vệ tầng ozone, bảo vệ sự sống và khí hậu trên hành tinh của chúng ta.