Ngày Quốc tế Người khuyết tật (3-12): Giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập xã hội
Những tín hiệu vui từ hiệu quả cải thiện sức khỏe của trẻ em gái khuyết tật ở TP Đông Hà, chính là điểm sáng trong chính sách giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập xã hội của tỉnh Quảng Trị.
Những tín hiệu vui từ hiệu quả cải thiện sức khỏe của trẻ em gái khuyết tật ở TP Đông Hà, chính là điểm sáng trong chính sách giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập xã hội của tỉnh Quảng Trị.
Tính đến tháng 9-2019, ở tỉnh Quảng Trị có gần 23.600 người khuyết tật. Niềm vui là rất nhiều người đã được hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ giáo dục đặc biệt, giáo dục hòa nhập, phục hồi chức năng (PHCN), chăm sóc sức khỏe,... với hiệu quả hòa nhập cộng đồng, trong đó có các em gái khuyết tật ở thành phố Đông Hà.
Năm 2014, một quán tạp hóa gia đình được mở ngay tại nhà số 38 Lê Hồng Phong, thành phố Đông Hà với tên của cô con gái út là Thảo Nguyên. Sự việc này là “hiện tượng” ở khu dân cư mà gia đình cô sinh sống trong một thời gian bởi Lưu Thị Thảo Nguyên là cô gái khuyết tật và chân bên phải bị khoèo ngay từ nhỏ.
Sinh năm 1992, Nguyên bị liệt nửa người bên phải nên chậm biết đi. Từ năm 1996 cô bé được tập luyện PHCN tại Trạm Y tế phường 5. Năm 2000, Nguyên được cộng tác viên PHCN của phường tới nhà tập luyện và người thân được huấn luyện PHCN nên sức khỏe tiến triển tốt, dần dần có thể đi lại và hiểu được những điều xung quanh. Nguyên còn được giúp đỡ đi học và được Hội Từ thiện cấp học bổng và được một cặp vợ chồng người Mỹ cấp học bổng. Chỉ có điều, thỉnh thoảng Nguyên lại khóc vì có bạn xa lánh, không chơi đùa với mình ở lớp, ở trường. Học xong cấp hai, Nguyên không chọn việc tiếp tục đến trường...
Có tiếng xe dừng lại ở bên ngoài quá, Nguyên đi ra chào hỏi. Mẹ của Nguyên tiếp tục câu chuyện với chúng tôi. “Con bé được đưa vào chương trình PHCN của Hội Từ thiện từ năm 2013 đến nay. Gia đình được hội cho vay vốn tín dụng quay 7 triệu đồng/năm để mở quán buôn bán tại nhà như bây giờ. Với doanh thu hơn 1 triệu đồng mỗi ngày từ tiệm tạp hóa, tiền lãi cũng đủ chi tiêu trong nhà”, mẹ của Nguyên cho biết. Nguyên quay trở lại với câu chuyện giữa chúng tôi, và bày tỏ niềm vui khi nói về việc em vẫn thường mua quà tặng các cháu nhỏ trong gia đình vào mỗi dịp đầy tháng hay sinh nhật bằng tiền của mình và cũng có thể trông cháu giúp các anh chị lúc cần. “Đã trả xong vốn vay tín dụng quay vòng ở Hội Từ thiện rồi nên từ nay em sẽ cố gắng giúp mẹ bán hàng tốt hơn để cuộc sống sau này cũng sẽ được đảm bảo như người bình thường”, Nguyên nói. Và chúng tôi tin, bằng sự hòa nhập đầy tự tin, cô gái khuyết tật này sẽ làm được điều mong muốn ấy.
Lê Thị Phương Nhung chào đời năm 1990 nhưng không may bị thiểu năng trí tuệ. Mẹ bán rau ở chợ Đông Hà, bố làm thợ cơ khí nuôi 6 anh chị em nên gia đình chỉ tạm đủ ăn. Năm 1996, bố mẹ đưa Nhung tới Trạm Y tế phường 5 tập PHCN với sự hỗ trợ của Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Lên 10 tuổi, Nhung được Hội Từ thiện thị xã Đông Hà chăm sóc và dạy học chữ, sau đó được cộng tác viên PHCN của phường giới thiệu chuyển tới tập PHCN ở Hội Từ thiện tỉnh Quảng Trị từ năm 2006 đến nay. 18 tuổi, Nhung có niềm vui được tới trường Hòa Bình để học chữ. Mẹ của Nhung kể: Nhờ Hội Từ thiện tập luyện PHCN mà Nhung lanh lẹn hơn và rất thích đi học. Ở lớp, mỗi lần được cô giáo gọi đọc chữ, đọc bài để các bạn nghe là Nhung rất vui. Ở nhà, Nhung biết giúp mẹ rửa chén, nấu cơm, tự tắm và giặt áo quần sạch sẽ, trông cháu. Ở Trung tâm PHCN, nhiều lúc Nhung giúp các em nhỏ khuyết tật đang tập luyện tại đây về thao tác ăn, uống. Hỗ trợ gia đình cải thiện cuộc sống của Nhung, Hội Từ thiện cho mẹ Nhung vay 3 triệu đồng rồi 5 triệu đồng vốn tín dụng quay vòng mở quán bán bún, cháo, nước mía và nước giải khát tại nhà.
Nhung được ngành Lao động-thương binh và xã hội cấp thẻ bảo hiểm y tế, được UBND phường và nhà trường tặng quà vào mỗi dịp lễ, Tết... Sự hòa nhập ấy của cô gái chậm phát triển trí tuệ Lê Thị Phương Nhung giúp chúng tôi thấy thật ấm lòng.