Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Vì thành phố du lịch sạch ASEAN
Dù công việc nhiều khó khăn, nguy hiểm nhưng các thành viên Tổ hợp tác nghề ve chai - thu gom phế liệu phường An Đông (thành phố Huế) bao năm qua vẫn gắn bó, 'làm bạn' với rác mỗi ngày.
Họ là những mắt xích quan trọng trong nền kinh tế tuần hoàn về quản lý chất thải rắn, góp phần cải thiện chất lượng sống của người dân, tạo nên hình ảnh đẹp về thành phố Huế - thành phố du lịch sạch ASEAN.
Những “chiến binh xanh” vì thành phố Huế
Tờ mờ sáng đến tối muộn luôn xuất hiện bóng dáng một cụ già đẩy chiếc xe nhỏ thô sơ đi khắp thành phố nhặt nhạnh đôi ba lon bia, tấm bìa carton. Đó là bà Nguyễn Thị Vang (74 tuổi, phường An Đông) đã gắn bó với nghề thu nhặt ve chai gần 40 năm. Ở tuổi ấy, thay vì được an dưỡng tuổi già, bà phải bươn chải khắp thành phố để kiếm tiềm lo cho các cháu học hành và nuôi người chồng thương binh mất sức lao động.
Sau khi đất nước độc lập, từ một thanh niên xung phong của tỉnh Quảng Bình, bà Vang cưới chồng và sinh sống tại Huế. Trải qua đủ các nghề, bà chọn nghề ve chai làm kế sinh nhai đến cuối đời. Bà Vang tâm sự: Thùng rác “nuôi” bà mỗi ngày. Tuy không sạch sẽ nhưng nghề ve chai có thể nuôi sống những chị em có hoàn cảnh khó khăn, chân yếu tay mềm hay bệnh tật như bà. Dù xã hội có ít người lựa chọn công việc này, bà vẫn rất yêu nghề bởi niềm tự hào được góp phần làm đẹp cho môi trường thành phố Huế.
Làm nghề ve chai từ năm 25 tuổi, những buổi đầu, công việc này khiến bà Trương Thị Xuân Mai (62 tuổi, phường An Đông) cảm thấy cực khổ và chán nản vì thu nhập ít ỏi. Thậm chí, lúc mới vào nghề, bà từng lỗ nặng do thu mua nhầm nhôm thay vì sắt. Nhờ chịu khó, công việc của bà đã ổn định hơn, thu nhập đủ để chăm lo cho con cái học hành. Bà Xuân vui vẻ tiết lộ, “bí quyết” làm nghề của bà là phải biết chu đáo chăm sóc khách hàng. Bà đặc biệt quan tâm dọn dẹp sạch sẽ sau khi thu gom phế liệu; không tùy tiện lượm nhặt đồ dùng khi chưa hỏi ý kiến gia chủ. Nhờ đó, bà trở thành mối quen, được nhiều gia đình tin tưởng thường xuyên gọi bán ve chai, phế liệu.
Công việc nặng nhọc, điều kiện lao động lạc hậu, chủ yếu làm thủ công, phúc lợi xã hội hay chế độ bảo hiểm không được quan tâm nhưng những phụ nữ làm nghề ve chai như bà Vang và bà Xuân vẫn miệt mài mỗi ngày thức dậy trước giờ gà gáy, không quản nắng mưa rong ruổi mọi nẻo đường. Họ chính là những người trực tiếp hướng dẫn, thúc đẩy người dân thành phố Huế phân loại rác tại nguồn để những con đường ngày càng sạch sẽ, môi trường sống trong lành hơn.
Nâng cao nhận thức xã hội
Bà Vang, bà Xuân Mai là hai trong số 11 thành viên của Tổ hợp tác nghề ve chai - thu gom phế liệu phường An Đông do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Huế và Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” (do Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên WWF - Na Uy tài trợ thông qua WWF Việt Nam) thành lập. Ở đó, họ có môi trường sinh hoạt, được giao lưu, kết nối thường xuyên. Từ đây, nghề ve chai, thu gom phế liệu được các cấp chính quyền địa phương nhìn nhận, quan tâm hơn.
Bên cạnh nguồn vốn nhận hỗ trợ ban đầu, lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh chung của Tổ sẽ được phân chia 80% hỗ trợ vốn xoay vòng cho các thành viên. Tham gia tổ hợp tác, các chị em cũng được dự án, các cấp Hội kết nối nhiều đơn hàng thu mua; đặc biệt là từ các nguồn phát thải lớn như: trường học, khối đoàn thể.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường An Đông Nguyễn Thị Hải Yến cho biết, thông qua Tổ hợp tác, các hội viên được trang bị dụng cụ bảo hộ lao động, hỗ trợ thiết bị phòng cháy, chữa cháy như: áo mưa, găng tay chống cắt, hóa chất; quả cầu chữa cháy tomoken… Chủ nhật hằng tuần, thông qua ứng dụng mGreen Collector, các hội viên sẽ có các đơn hàng thu gom trên khắp khu vực phía Nam của thành phố Huế. Từ tháng 10 - 12/2023, Tổ hợp tác đã thu mua được hơn 2.076 kg rác với số tiền trên 6 triệu đồng. Cùng với đó, Tổ hợp tác nghề ve chai - thu gom phế liệu phường An Đông được các cấp Hội Phụ nữ quan tâm thông qua sự kiện Ngày hội “Tôi trân quý người làm nghề ve chai”, tặng áo dài, khám sức khỏe miễn phí, hỗ trợ vốn phát triển sinh kế…
Nghề ve chai cũng cao quý, có ý nghĩa đối với xã hội nhưng vẫn chưa được nhìn nhận đầy đủ, không được xem là một ngành nghề chính thức. Hiện, chưa có chính sách dành riêng cho lực lượng làm nghề này. Vì vậy, sự ra đời Tổ hợp tác nghề ve chai - thu gom phế liệu đã phần nào nâng cao nhận thức của xã hội về công việc này; góp phần giúp chị em tự tin, thêm động lực để gắn bó với nghề.
“Tham gia Tổ hợp tác, tôi phấn khởi khi cùng chị em hội viên khác trao đổi cách làm ăn, phát triển công việc, đoàn kết sẻ chia mọi điều trong cuộc sống. Mọi người có cơ hội tiếp cận công nghệ nhiều hơn, thêm thu nhập thông qua mạng xã hội và ứng dụng mGreen Collector” - bà Xuân Mai bộc bạch.
Bà Hoàng Ngọc Tường Vân, Quản lý Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” cho hay, cuối năm 2023, Dự án tài trợ cho một doanh nghiệp xã hội mGreen triển khai ứng dụng mGreen Collector nhằm kết nối người thu mua - người bán rác phế liệu cho 2 Tổ hợp tác nghề ve chai - thu gom phế liệu (phường An Đông và phường Hương Sơ) trên địa bàn thành phố Huế. Các hoạt động này sẽ tiếp tục trong năm 2024, từng bước cải thiện sinh kế, điều kiện lao động, an toàn sức khỏe cho chị em; đặc biệt, tăng cường vai trò của phụ nữ làm nghề ve chai trong hệ thống quản lý chất thải rắn nói chung và tăng tỷ lệ thu gom, tái chế phế liệu nói riêng.
Mắt xích quan trọng của nền kinh tế tuần hoàn
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, từ tháng 1/2025, người dân bắt buộc phải phân loại rác tại nguồn. Điều này sẽ có nhiều tác động đến các lao động làm nghề ve chai, thu gom, thu mua phế liệu.
Rác thải cũng là một nguồn lực kinh tế. Nếu thành phố Huế làm tốt công tác phân loại, thu gom, tái chế rác và thúc đẩy phát triển thị trường nguyên vật liệu từ chúng, phù hợp điều kiện địa phương với sự tham gia tích cực của lực lượng “chiến binh xanh”, rác sẽ không còn là chất thải mà trở thành một nguồn lực kinh tế hiệu quả. Khi ấy, những lao động thu gom rác sẽ được công nhận là người đóng góp trực tiếp vào nền kinh tế tuần hoàn.
Hiện trên địa bàn thành phố Huế, lực lượng lao động làm nghề ve chai chủ yếu là phụ nữ. Ngoài kiếm thêm thu nhập từ việc thu mua từ nguồn thải và bán cho đại lý thua mua phế liệu, nhiều chị em khác dựa vào nguồn phế liệu, ve chai lượm nhặt được để trang trải cuộc sống. Theo bà Hoàng Ngọc Tường Vân, Quản lý Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”, việc phân loại rác tại nguồn sẽ giúp cải thiện điều kiện làm việc cho những người làm nghề ve chai trên địa bàn khi họ có thể thu mua những rác tái chế sạch hơn hoặc ít lẫn lộn với các loại rác khác. Họ cũng thuận tiện hơn khi có thể thu mua dễ dàng, định kỳ ở những nguồn tập trung hơn như các “ngôi nhà xanh” do các Chi hội Phụ nữ quản lý.
“Tuy nhiên, những người nhặt ve chai sẽ khó tìm, nhặt được rác tái chế ở các thùng rác khu vực công cộng hoặc bãi chôn lấp hơn so với trước. Như thế, họ sẽ bị giảm nguồn thu nhập khi quy định phân loại rác tại nguồn được thực thi” - bà Tường Vân cho hay.
Cùng chung quan điểm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường An Đông Nguyễn Thị Hải Yến lý giải, hầu hết chị em lượm nhặt ve chai sẽ gặp nhiều thách thức khi phải cạnh tranh các đơn hàng thu gom rác. Bởi vì họ ít cơ hội hoặc khó có điều kiện kết nối với các chủ nguồn thải. Mặt khác, họ thường là những người yếu thế, không có nguồn vốn ban đầu để bắt đầu công việc đi thu mua và bán cho các đại lý, vựa phế liệu. Để giải quyết vấn đề này, Hội Phụ nữ và Tổ hợp tác nghề ve chai - thu gom phế liệu phường An Đông sẽ tạo điều kiện, trích nguồn quỹ để hỗ trợ vốn cho chị em thay đổi phương thức hoạt động nghề.
Đất nước đang phát triển với nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật, công việc thu gom, xử lý chất thải nay đã được hỗ trợ bằng các loại máy móc, thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, việc bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường sống trong lành vẫn rất cần đến những đôi bàn tay của những người làm nghề ve chai, sẵn sàng chọn công việc khó khăn, vất vả để thành phố được xanh hơn, người dân được sống trong môi trường trong lành, sạch sẽ.