Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023: 'Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn'

Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023 với chủ đề 'Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn' được Bộ Công Thương phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội tổ chức vào tối 9/3/2023 tại Công viên Thống Nhất.

Các đại biểu nhấn nút phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023

Các đại biểu nhấn nút phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023

Đây là hoạt động thường niên của Bộ Công Thương nhằm triển khai Quyết định số 1035/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 15/3 là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

Lễ Phát động cũng là một trong những hoạt động trọng tâm trong năm 2023 thực hiện Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/1/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Lễ Phát động khởi đầu cho chuỗi các hoạt động mới mẻ, hấp dẫn hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023. Tiếp ngay sau buổi Lễ, Hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng” cũng được khai mạc và kéo dài tới ngày 13/3; Giải chạy “Vì quyền lợi người tiêu dùng” lần đầu tiên được tổ chức với sự tham gia của hơn 1.000 vận động viên sẽ được tổ chức vào sáng ngày 11/3.

Trong khuôn khổ Lễ Phát động, các doanh nghiệp đã cùng tham gia, thể hiện tinh thần hưởng ứng kinh doanh có trách nhiệm vì quyền lợi của người tiêu dùng thông qua việc cùng nhau hưởng ứng thực hiện "Bộ Quy tắc hướng dẫn Kinh doanh có Trách nhiệm vì Người tiêu dùng trong Thương mại điện tử".

Các doanh nghiệp cùng cam kết thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong thương mại điện tử tại Việt Nam

Các doanh nghiệp cùng cam kết thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong thương mại điện tử tại Việt Nam

Tiếp sau các hoạt động được tổ chức tập trung vào tháng 3, trong suốt năm 2023, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động hưởng ứng khác để nâng cao và thúc đẩy hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên phạm vi cả nước. Qua đó, từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh, phát triển.

Chủ đề Ngày Quyền của người tiêu dùng năm 2023 là “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn” nhằm khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của thông tin đối với sự an toàn của người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều hành vi lừa đảo, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch trên môi trường trực tuyến. Đây cũng là lời kêu gọi các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp trong việc chung tay cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời để người tiêu dùng được thực hiện đầy đủ quyền được cung cấp thông tin, đảm bảo đưa ra các quyết định đúng và an toàn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ phát động

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ phát động

Phát biểu khai mạc Lễ Phát động, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế, trong năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.

Thứ trưởng đánh giá, năm 2022, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đạt được một số kết quả quan trọng, tích cực như:

Thứ nhất, trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến lần đầu đối với Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2010 là yêu cầu xuất phát từ thực tiễn, phù hợp với xu hướng phát triển kinh doanh, tiêu dùng hiện nay. Dự án Luật đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, được nhiều cơ quan, đại biểu Quốc hội đánh giá cao về nội dung và chất lượng.

Thứ hai, việc triển khai Chỉ thị số 30 của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được các Ban Đảng quan tâm chỉ đạo và đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện.

Thứ ba, tiếp tục mở rộng hệ thống Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838, tăng số lượng đầu mối Tổng đài lên 52 điểm trên phạm vi cả nước, tạo nền tảng tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng đồng thời, cung cấp thông tin đầu vào để xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thứ tư, hàng triệu người tiêu dùng đã được bảo đảm quyền lợi thông qua việc kiểm soát chặt chẽ các hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, giám sát các vụ việc thu hồi sản phẩm có khuyết tật và các giao dịch trên môi trường thương mại điện tử.

Thứ năm, hàng triệu người tiêu dùng đã được tiếp nhận các thông tin, kiến thức, kỹ năng về tiêu dùng thông qua các phương thức tuyên truyền hiện đại và phù hợp. Công tác hợp tác quốc tế đã được khai thác chủ động, thường xuyên để tranh thủ tối đa nguồn lực hỗ trợ quốc tế.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần có những hành động tạo được sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, đáng lưu ý là các vấn đề liên quan đến tăng cường nguồn lực, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, cơ chế thực thi, phát huy sự chủ động của người tiêu dùng, khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp cũng như hội nhập quốc tế.

Các đại biểu tham quan gian hàng tại Hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng”

Các đại biểu tham quan gian hàng tại Hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng”

Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15 tháng 3) là hoạt động được giao cho Bộ Công Thương làm đầu mối, tổ chức hàng năm.

Từ năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương đều lựa chọn một chủ đề cụ thể cho Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam để các cơ quan, tổ chức tập trung thực hiện với các hoạt động có ý nghĩa. Các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam được tổ chức thống nhất, với sự tham gia của gần 60 tỉnh, thành trên cả nước vào dịp tháng 3 hàng năm. Với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú. Sự tham gia tích cực và hiệu quả của các địa phương trong khuôn khổ hoạt động do Bộ Công Thương phát động đã mang lại giá trị kết nối và lan tỏa hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên khắp cả nước.

Thy Thảo - Phạm Sơn

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/ngay-quyen-cua-nguoi-tieu-dung-viet-nam-nam-2023-thong-tin-minh-bach-tieu-dung-an-toan-103296.htm