Ngày rằm tháng Bảy và câu chuyện 350 năm trước

Có lẽ nhân việc Hiệp định về kết thúc chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam vừa được ký tại Paris vào ngày 27 tháng Giêng mà Tập san Sử Địa[1] ở Sài Gòn đầu năm 1973 đã ra số đặc biệt giới thiệu bài nghiên cứu của Giáo sư HoàngXuân Hãn với tiêu đề 'Đúng ba trăm năm trước'.

Tập san đã nói về sự kiện của 300 năm trước như sau: “…Vào những năm Nhâm Tý (1672), đã xảy ra trận thư – hùng của hai miền Nam Bắc thời Trịnh Nguyễn. Tháng Chạp năm Nhâm Tý (1672) Trịnh Tác đánh không thắng lũy Trấn Ninh (Quảng Bình), đã quyết định lui về Bắc. Từ đó hai miền Nam Bắc thôi không đánh nhau nữa, sau 45 năm nội chiến, cả thảy 7 lần đại chiến. Rồi đến mùa xuân năm Quý Sửu (1673), nhân dân hai miền Nam Bắc bắt đầu đón xuân hòa bình và hòa bình kéo dài tới hơn 100 năm, đợi đến khi Tây Sơn khởi nghĩa phá thế phân tranh để tiến dần đến thế thống nhất đất nước…”[2]

Năm nay là đúng 50 năm sau khi ký Hiệp định Paris, đất nước đã hòa bình - thống nhất, nhưng vào ngày rằm tháng Bảy này, ngày mà nhân dân ta vẫn coi là “ngày xá tội vong nhân”, ngày thắp hương cho những linh hồn chết không có người thân thờ cúng, lại làm cho chúng ta phải nhắc lại bài học lịch sử của 350 năm trước.

Hình minh họa ngoài bìa sách Lịch sử Việt Nam bằng tranh Tập 44: Chiến Tranh Trịnh - Nguyễn (NXB Trẻ).

Trước tiên, cần nói sơ qua về “trận thư – hùng” đã được lịch sử ghi chép: Ngày 22.7.1672, Hoàng đế nhà Lê (tức Vua Dương Đức – Lê Gia Tông) đã điểm 18 vạn bình thủy bộ thân chinh ra trận tiến đánh về phương Nam do Chúa Nguyễn cai quản. Vua đã cử Chúa Tây Định (Trịnh Tạc) làm nguyên soái chỉ huy toàn quân và Thiếu phó Quận Phú (tức Trịnh Căn, con Chúa Tây Định) làm nguyên soái thủy quân.[3] Chúa Nguyễn lúc bấy giờ (Chúa Hiền - Nguyễn Phúc Tần) đã cử công tử thứ hai của mình là Hiệp Đức làm nguyên soái cầm quân chống lại quân đội của Chúa Trịnh. Mặc dù quân của Chúa Nguyễn ít hơn, nhưng do lợi dụng được những lợi thế chủ quan và khách quan nên đã cầm cự ngoan cường với quân của Chúa Trịnh.

Đọc đoạn sau đây trong Đại Nam thực lục tiền biên (quyển 5, trang 10a) thì chúng ta sẽ hiểu được diễn biến tất yếu của trận chiến năm đó.

Khi được Chúa Hiền hỏi triều thần: “Nay Tây Định cầm đại binh, 18 vạn người, xâm vào quấy bờ cõi. Rày chúng đông ta tẻ. Các khanh sẽ dùng kế gì mà ngăn chúng?” thì cai cơ đội Nội tả, Minh Lễ (Tống Đức Minh) bẩm rằng: “Quân nó tuy đông, nhưng là đàn quạ bầy sẻ. Quân ta tuy tẻ, nhưng đều tinh nhuệ, hùng tráng; một người có thể địch mười. Huống chi ở bờ cõi ta, sông thì sâu, lũy thì cao. Nước giàu, lương đủ, thì sợ gì quân nó nhiều. Người xưa nói: “Một người giữ hiểm, nghìn người khôn địch”. Huống chi Binh pháp nói: “Đánh thành là cái vạ cho nhà binh”.

Nay họ Trịnh gặp tiết thu đông phát quân vào cõi ta. Những xứ Khê cự của ta là nơi độc lắm. Nếu có mưa gió, nước lụt, thì trong cao ngoài thấp, khí độc ắt chảy đến chỗ quân nó. Hoặc chúng ăn uống (nước ấy) thì trúng độc ắt chết. Như vậy ta sẽ không phí công một mũi tên hòn đạn mà được toàn thắng.

Ấy vì nhà Trịnh không hiểu thiên thời, không hay địa thế. Nay quân ta nên giữ cẩn thận; chớ cho đánh nhau với nó. Đợi sau vài tháng, thì quân nó tuyệt lương. Nếu tuyệt lương thì lính ắt tự bỏ chạy. Quân ta sẽ thừa thế đuổi theo, chỉ một trống canh mà thành công lớn đó!”.

Các tướng đều ứng thanh nói: “Kế ấy rất hay. Mong Thánh thượng truyền xuống cho các đạo binh ở mặt trận, để theo đó mà hành”.[4]

Bìa sách sách Những vấn đề lịch sử thời Trinh Nguyễn. NXB Hồng Đức.

Tất nhiên là cuộc chiến ngày đó đã diễn ra hết sức khó khăn ác liệt, quân tướng hai bên đều tử trận khá nhiều chứ không đơn giản như cách bày mưu của Tống Minh Đức. Nhưng kết cục thì Chúa Trịnh cũng phải rút quân về, và từ đó mở ra cục diện hòa bình giữa hai miền Nam Bắc trong hơn 100 năm tiếp theo như trên đã nói.

Nhưng bài học rút ra cho lớp người hậu bối chúng ta ngày nay còn là cái cách mà tiền nhân đã đối xử với binh sỹ chết trận của hai bên. Nhân dịp rằm tháng Bảy âm lịch, xin được trích nguyên văn đoạn nói về việc này trong quyển sách Nam triều công nghiệp diễn chí của tác giả Nguyễn Khoa Chiêm do GS. Hoàng Xuân Hãn dịch và công bố trong tài liệu nghiên cứu của mình vào 50 năm trước.

Sau khi thắng trận, Nguyên soái Hiệp Đức “nhận thấy cán cờ của Bắc quân (đã bắt được) có nhiều dấu đạn bắn xuyên qua, thành lỗ rỗ như tổ ong, thì lâm dâm rơi nước mắt mà than rằng: “Vật còn như vậy, huống chi là người, than ôi!” Bèn truyền lệnh lập đàn tế kính cẩn các tướng sĩ Nam quân lâm trận đã bị tổn thương và các Bắc quân tử trận, để cho u hồn được thỏa. Các tướng nghe nói đều khen là tướng quân có nhân đức. Bèn lập một đàn trong thành Trấn Ninh để tế Nam quân, và một đàn ở ngoài thành để tế Bắc quân. Đều dùng lễ thái lao (dùng con bò lớn) mà tế.

Văn tế Nam quân rằng:

“Xót thay! Hỡi ơi các tướng sĩ đã mất trong trận!

Chúng ngươi:

Chí nức tang bồng; - Uy trương mãnh liệt.

Hằng lo nán sức để tòng quân – Luôn quyết dốc lòng mà báo Chúa.

Hét hò hổ thét, muốn nuốt sống lũ giặc kia – Nhảy nhót ưng bay, sao số trời đành ngắn ngủi.

Giữa chiến trường chết ấy nên danh – Xông giáo mác công lưu chẳng hủ.

Nghĩa tình nghĩa đau xót không kham – Đặt đàn tế khoa nghi đã đủ.

Hỡi các ngươi! Ai ai xúm tới.

Hưởng rượu thịt chung dự tiệc buồn – Lĩnh vàng bạc trở về Âm phủ.

Khuây long tướng sĩ nghìn sầu – Tỏ rõ ân tình vạn thuở.

Phách có linh nên về giúp vợ con – Hồn có thiêng hãy tìm về xứ sở.

Hưởng cúng tế vô cùng – Hộ cháu con mãi mãi.

Ô hô xót thay!

Cúi mời tới hưởng”

Lại có văn tế quân Bắc rằng:

“Xót thay! Các ngươi!

Chí dốc rán cung dâu – Danh muốn ghi thẻ lụa.

Vì Chúa không ngại bác đòng – Ra sức liều mình tên đạn.

Bởi Chúa ngươi không lượng sức mạnh hèn – Khiến chúng ngươi phải xông pha sắc nhọn.

Nào quân binh chưa có phẩm hàm – Nào tướng sĩ đã là hầu bá.

Thình lình lữa phát Côn cương – Thoại chốc thân về Âm phủ.

Hoặc lênh đênh chết chóc trên sa trường – Hoặc chạy vạy lấp vùi nơi hiểm hóc.

Hoặc vì súng đạn làm thương – Hoặc bị đao thương đâm chết.

Hoặc không quen thủy thổ bị đau – Hoặc rơi xuống hố hầm mà thác.

Hoặc đắm chìm trong sông suối bay hồn – Hoặc đói khát giữa bụi rừng mất xác.

Than ôi! Sống chửa thành công – Tiếc nhẽ! Chết mà không ích.

Nay vâng lời Đại đức dủ thương – Sắm sửa đặt lễ nghi đàn pháp.

Mời thì cảm thông – Tế thì lại hưởng.

Từ nay thì vạn thảm tiêu tan – Sau lại nghìn sầu cởi bỏ.

Hỡi các người! Tìm về nước cũ, sẵn người ruột thịt nối chưng thường – Nhận đúng làng mình, đừng ở xa xôi làm lữ khách.

Ô hô! Xót thay!

Cúi mời tới hưởng”.

Tế xong, Nguyên soái Hiệp Đức trong lòng xót xa không dứt. Bèn cho người tìm xác Bắc quân chôn cất khỏi bị phơi phanh”.[5] Đọc hai bài văn tế thấm đẫm lòng nhân từ của dân tộc Việt Nam do các bậc tiền nhân viết ra đúng 350 trước, chúng ta chẳng ai không mủi lòng và suy nghĩ về bài học sâu sắc này của lịch sử.

Thành phố Hồ Chí Minh, Rằm tháng Bảy năm Quý Mão.

Nguyễn Bá Sơn

_________________

* Tác giả bài viết là nguyên Đại sứ Việt Nam tại Đức, nguyên Chủ tịch Hội Luật quốc tế, Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM (HPDF).

[1] Trên bìa tập san Sử Địa ghi rõ: “Do một nhóm giáo sư, sinh viện Đại học Sư phạm Sài Gòn chủ trương”. Ra mắt bạn đọc hàng quý, tập san đã xuất bản số đầu tiên vào ngày 27.2. 1966, do ông Nguyễn Nhã làm chủ biện. Cho đến khi đình bản vào năm 1975, tập san Sử Địa đã ra được 29 số.

[2] Trích theo sách Những vấn đề lịch sử thời Trịnh Nguyễn. NXB Hồng Đức, Tạp chí Xưa & Nay. Hà Nội. 2021, tr.5.

[3] Thật ra thì chính là Chúa Trịnh bắt Vua Lê phải đi theo để phô trương thanh thế và tăng tính chính danh cho cuộc chiến do mình khởi xướng. Theo đánh giá thì quân số miền Bắc chỉ khoảng 10 vạn chứ không thể đến 18 vạn.

[4] Trích theo bản dịch của GS. Hoàng Xuân Hãn. Sách Những vấn đề lịch sử thời Trịnh Nguyễn, tr. 57-58.

[5] Những vấn đền lịch sử thời Trịnh Nguyễn. Sđd, tr. 98 – 101.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ngay-ram-thang-bay-va-cau-chuyen-350-nam-truoc-40756.html